Thế giới đã ‘nói không’ nước ngọt có ga từ rất lâu
Theo tờ Financial Times (Anh), nhiều quốc gia trên toàn thế giới đã và đang thực hiện các chiến dịch “tẩy chay” nước ngọt có ga bởi những tác hại của đồ uống này đối với cơ thể.
Ảnh minh họa.
Nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia từng tiêu thụ rất nhiều nước ngọt có ga, đã áp đặt thuế đường đối với đồ uống có ga. Thuế đường (sugar tax) là loại thuế gián thu đánh trên đường của các thức uống.
Mức thuế đường mới ở Mexico đã giúp nước này cắt giảm tiêu thụ nước ngọt có ga khoảng 12% và thu được khoảng 2 tỷ USD thuế. Pháp và Chile cũng đưa ra mức thuế tương tự để bảo vệ người tiêu dùng.
Trong khi đó, dù chính phủ Anh đã hủy bỏ kế hoạch áp đặt thuế đường lên đến 20% nhưng các công ty Anh cũng bị buộc phải giảm lượng đường trong nước ngọt.
Không chỉ ở châu Mỹ hay châu Âu, cuộc chiến “tẩy chay” nước ngọt có ga đã diễn ra trên quy mô toàn cầu. Nhiều nước châu Á như Indonesia, Ấn Độ và Philippines cũng đã áp đặt một số hình thức thuế đường đối với nước ngọt có ga.
Phillipines áp mức thuế đường rất cao, lên tới 10 cent trên tất cả các thức uống có đường.
Chiến dịch “tẩy chay” trên được tiến hành rầm rộ sau khi nhiều nghiên cứu cảnh báo những tác hại khôn lường của nước ngọt có ga đối với sức khỏe.
Các chuyên gia cảnh báo phải hành động trước khi tiêu thụ đường trở thành thói quen đối với nhiều người.
Những nước ngọt có ga không chỉ bị tẩy chay ở cấp chính phủ mà còn diễn ra tự phát. Ngay tại “quê hương” Mỹ, nước ngọt có ga cũng đã nhiều lần bị kêu gọi tẩy chay.
Thậm chí, trong một bài phát biểu hồi năm 1968, nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King, người có tầm ảnh hưởng nhất nước Mỹ lúc đó và từng đoạt giải Nobel Hòa bình, đã kêu gọi: “Tôi muốn nói rằng, hãy ra khỏi nhà ngay tối nay và nói với hàng xóm của mình đừng bao giờ mua nước ngọt có ga nữa”.
Khi đó, một hãng nước ngọt có ga ở Mỹ đã bị tẩy chay vì gây ra nhiều vụ bê bối như: Trốn thuế, bóc lột sức lao động của công nhân, kỳ thị người Do Thái, phân biệt chủng tộc…
Nhiều tổ chức trên thế giới cũng có những nghiên cứu và cảnh báo về tác hại của nước ngọt có ga, khiến cho nhiều thương hiệu, nhiều nhà sản xuất nước ngọt có ga khác điêu đứng.
Hồi năm 2003, Trung tâm Khoa học và Môi trường, một tổ chức phi chính phủ ở Ấn Độ công bố nước giải khát có gas của của một hãng nỗi tiếng chứa nhiều độc tố sử dụng làm thuốc trừ sâu và có thể gây ung thư. Vụ bê bối này khiến doanh thu của hãng này tại Ấn Độ giảm 11%.
Năm 2004, một nghiên cứu từ trường Đại học Tufts, Mỹ khẳng định, uống nước ngọt có ga thường xuyên làm tăng nguy cơ loãng xương ở phụ nữ.
Năm 2006, chính quyền bang Kerala (Mỹ) cấm sản xuất và bán nước ngọt có ga do những lo ngại về dư lượng thuốc trừ sâu.
Năm 2009, Trung tâm Khoa học vì Lợi ích Cộng đồng Mỹ kiện một hãng nước có ga vì chứa hàm lượng đường cao, gây hại cho sức khỏe.
Năm 2016, Hiệp hội Tim mạch Mỹ cảnh báo, nước ngọt có ga tăng 30% chất béo liên quan đến đái tháo đường và tim mạch.
Cũng trong năm 2016, hội đồng thành phố Liverpool (Anh) bắt đầu chiến dịch chống lại đồ uống nhiều đường.
Thực trạng dùng nước ngọt có ga ở Việt Nam
Việt Nam đang nhận thức rõ hơn về tác hại của nước ngọt có ga đối với sức khỏe. Chính phủ đã có những chính sách để hạn chế việc tiêu thụ loại đồ uống này. Hồi tháng 7/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra chỉ thị không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học.
Trước đó, tháng 7/2016, 13 sản phẩm của một hãng nước ngọt có ga nước ngoài đã bị tạm dừng lưu thông ở Việt Nam do chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Tuy vậy, nhận thức của người dân về tác hại của nước ngọt có ga vẫn còn hạn chế, lượng tiêu thụ nước ngọt có ga vẫn còn cao.
Khảo sát được công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello thực hiện vào năm 2016 cho thấy, có tới 81,9% người sử dụng nước ngọt có ga. Mua lẻ là hình thức phổ biến nhất với 56%. Chai nhựa với dung tích từ trên 350 ml đến dưới 1 lít được sử dụng nhiều nhất với 45,2%.
Hi vọng, chỉ thị 46 cấm quảng cáo, kinh doanh nước ngọt có ga sẽ được thực hiện triệt để, nhằm mang lại hi vọng cải thiện sức khỏe toàn diện cho người Việt.