Cách mạng công nghiệp 4.0 và vai trò liên kết khu vực
Phát biểu tại hiên toàn thể thứ 2 về các vấn đề kinh tế và thương mại tại APPF, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ dành cho các nước phát triển mà cho cả các nước đang phát triển như Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị thường niên 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á- Thái Bình Dương (APPF).
Chiều 19/1, phát biểu đề dẫn tại phiên toàn thể thứ 2 về các vấn đề kinh tế và thương mại tại Hội nghị thường niên 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao đánh giá cao việc lựa chọn chủ đề của các phiên thảo luận toàn thể về chính trị và an ninh, kinh tế và thương mại, hợp tác phát triển kinh tế khu vực.
Cho rằng, đây là những vấn đề mang tính thời sự, có ý nghĩa hết sức quan trọng, tác động qua lại và gắn kết chặt chẽ với nhau, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, điều này sẽ tạo nền tảng phát triển bền vững hơn trong khu vực theo tinh thần chủ đề Hội nghị “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững”.
Tầm quan trọng của doanh nghiệp nhỏ trong cách mạng 4.0
Phó Thủ tướng nhận định, trong hơn nửa thế kỷ qua, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực của kinh tế thế giới, một phần chính là nhờ hợp tác liên kết kinh tế sâu rộng và tận dụng được những tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là vai trò quan trọng của khu vực nông nghiệp và hệ thống doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).
Thực tiễn Việt Nam và nhiều nước cũng đã chỉ ra tầm quan trọng của các “bộ đệm” này, nhất là trong những thời kỳ tình hình quốc tế, khu vực biến động mạnh như khủng hoảng tài chính khu vực, toàn cầu. Nhưng chúng ta không thể bằng lòng với những gì đã có.
Thế giới ngày nay đang biến chuyển sâu sắc trên nhiều phương diện dưới sự tác động mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và Cách mạng công nghiệp 4.0, của sự khác biệt trong quan điểm phát triển, toàn cầu hóa cũng như sức ép cạnh tranh địa chính trị giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần phải đổi mới trong tư duy phát triển và đẩy mạnh liên kết, hợp tác trên nhiều phương diện, đặc biệt là về các vấn đề trọng tâm của Phiên thảo luận toàn thể hôm nay về chủ đề kinh tế và thương mại, bao gồm: vai trò của Nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) trong kỷ nguyên số.
FTA góp phần tăng liên kết khu vực
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Những nỗ lực tăng cường liên kết kinh tế và thương mại trong khu vực thời gian qua đã đạt được những kết quả rất quan trọng, trong đó có việc ký kết, thực thi nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó lấy hội nhập kinh tế quốc tế làm trọng tâm là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Việt Nam có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ; tổng kim ngạch xuất nhập tăng nhanh, Việt Nam cần 4 năm để tăng kim ngạch thương mại từ 200 lên 300 tỷ USD nhưng chỉ cần 2 năm để tăng từ mức 300 lên 400 tỷ USD và đạt mức 425 tỷ USD cuối năm 2017 hơn gấp 1,9 lần tăng trưởng GDP.
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang cùng các nước ASEAN tập trung triển khai kế hoạch xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN để đẩy mạnh hơn hợp tác và liên kết kinh tế nội khối, đặc biệt là thương mại và đầu tư. Hiện ASEAN đã ký và thực thi FTA với 7 đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Newzealand và Hồng Kông) và đang đàm phán hiệp định RCEP. Việt Nam cũng đã ký và thực thi nhiều FTA song phương, đa phương thế hệ mới, đang rà soát để ký EVFTA, thúc đẩy đàm phán CPTPP vv… Thành công rực rỡ của Năm APEC 2017 tại Việt Nam cũng là một minh chứng rõ nét cho sức sống của hợp tác và liên kết kinh tế khu vực.
Tuy nhiên, “chúng ta cũng nhận thấy rõ những trở ngại, thách thức trước sự nổi lên của xu hướng bảo hộ và những quan điểm khác biệt về hội nhập và toàn cầu hóa. Trong bối cảnh đó, hợp tác liên kết giữa các nền kinh tế trong khu vực càng phải sâu sắc hơn, xử lý hiệu quả hơn những cản trở thương mại và đầu tư vì sự phát triển bền vững. Việc tìm kiếm các động lực tăng trưởng trên diện rộng và dựa trên cơ sở đổi mới sáng tạo, phát triển bao trùm đòi hỏi các nước cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, phải tăng cường trao đổi kinh nghiệm và đảm bảo sự đồng thuận, hài hòa. Trong đó, những lĩnh vực mới như chuỗi giá trị, kết nối, cạnh tranh, thương mại điện tử sẽ mang lại lợi ích lớn hơn từ liên kết hợp tác kinh tế khu vực”, Phó Thủ tướng nói.
Cho rằng, chúng ta cần có những hành động thiết thực nhằm cải thiện kết nối, như những sáng kiến của APEC, ASEAN tập trung vào 3 trọng tâm: hạ tầng, con người và thể chế, mà trong đó Nghị viện đóng vai trò quan trọng là cơ quan lập pháp tại mỗi quốc gia. Sự phát triển bùng nổ của Internet và ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo ra sự kết nối mạnh mẽ chưa từng có và mang đến nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa như tiếp cận công nghệ thuận lợi hơn, chi phí rẻ hơn và gắn kết với phát triển thương mại điện tử.
Phó Thủ tướng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam và nhiều nước là, cần tiếp tục phát huy vai trò của Quốc hội, Chính phủ trong xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách, quy tắc tạo thuận lợi cho gia nhập và rút khỏi thị trường, bảo đảm cạnh tranh công bằng, tăng cường kết nối cung cầu và nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Cơ hội từ Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ dành cho các nước phát triển mà cho cả các nước đang phát triển như Việt Nam.
“Thế giới ngày hôm nay là thế giới của công nghệ và sáng tạo. Trong thời đại này, với nhiều công nghệ mang tính sáng tạo phá hủy đã loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, của hạ tầng cũ và môi trường kinh doanh cũ. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, tương lai và triển vọng kinh tế của mỗi quốc gia không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nên một quốc gia đang phát triển, với ít hành trang của quá khứ, hoàn toàn có thể đi nhanh hơn và đuổi kịp các nước phát triển. Cũng vì vậy, cơ hội của cuộc cách mạng 4.0 chủ yếu dành cho những nền kinh tế, những doanh nghiệp dám thay đổi tư duy, biết phát hiện nhu cầu của đất nước, mạnh dạn tìm kiếm những mô hình kinh doanh mới, hành động nhanh và hữu hiệu”, Phó Thủ tướng nói.
Biến đổi khí hậu và việc vượt lên thách thức này
Thế giới hôm nay chứng kiến biến đổi khí hậu đang diễn biến rất phức tạp, nhanh hơn dự báo, kéo theo thiên tai, biến động thời tiết bất thường và hệ lụy ngày càng lớn, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp. Không ít nền kinh tế và thậm chí trên cả bình diện khu vực có thể sẽ đối mặt với vấn đề giảm sản lượng lương thực và tăng giá lương thực. Đồng bằng sông Mê Kông đứng trước thách thức lớn chưa từng có trong lịch sử về an ninh nguồn nước và xâm nhập mặn. Nửa đầu năm 2016, lần đầu tiên ở Việt Nam, nông nghiệp tăng trưởng âm do tác động khốc liệt của hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng. Riêng thiệt hại do thiên tai, bão lũ liên tiếp, bất thường năm 2017 đã gây thiệt hại cho Việt Nam gần 3 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, “phát triển nông nghiệp bền vững và bảo đảm an ninh lương thực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả tầm quốc gia, khu vực và toàn cầu”.
Chúng ta cần một khung khổ hợp tác bao quát với các trụ cột như trong Kế hoạch hành động về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu 2018-2025 được Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Tài chính APEC thông qua tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017, bao gồm: Chính sách và hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng năng suất và thu nhập bền vững trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; Cải thiện khả năng thích ứng và khả năng chống chịu đối với biến đổi khí hậu; Hành động nhanh hơn, mạnh mẽ hơn để giảm thiểu quy mô, giảm thiểu tác động của phát thải khí nhà kính trong điều kiện cho phép. Việt Nam cũng đang tái cơ cấu mạnh mẽ ngành nông nghiệp cả về tổ chức lại sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Năm 2017, ngành nông nghiệp lấy lại đà tăng trưởng trên 3,00%, giá trị xuất khẩu nông sản đạt trên 36 tỷ USD.
Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng nhận thức rõ khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng là khu vực dễ bị tổn thương nhất. Các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững do Quốc hội quyết định, Chính phủ tổ chức thực hiện, đã và đang đạt được những kết quả rất đáng tự hào, gần 40% số xã trong toàn quốc đã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ giảm nghèo giảm nhanh, bình quân 1,5- 2% mỗi năm, riêng các huyện nghèo giảm 4%/năm, đến 2017 chỉ còn khoảng 8% hộ nghèo theo tiêu chuẩn tiếp cận đa chiều. Đây là kết quả của phong trào cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, nhằm mục tiêu phát triển bao trùm, theo phương châm “ Đất nước tiến lên phía trước nhưng không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ với những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra yêu cầu mới đối với các chủ thể kinh tế tham gia, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp.
Yêu cầu ấy càng bức thiết hơn đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, vốn chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối trong khu vực, trong đó ở Việt Nam chiếm đến 97%. Đây là những chủ thể kinh tế không có lợi thế về quy mô nhưng lại rất chủ động, linh hoạt, dễ thích ứng. Yêu cầu phát triển bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp này vừa phải nỗ lực cải thiện khả năng cạnh tranh, vừa phải thân thiện với môi trường, nhận thức tốt hơn về lợi ích từ hoạt động kinh tế “xanh” để định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ phù hợp, tránh rủi ro tiềm ẩn.
Đây là yêu cầu rất quan trọng nhưng cũng là thách thức lớn, đòi hỏi nỗ lực của chính doanh nghiệp và những thay đổi cần thiết trong thể chế và quản trị quốc gia. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần được đào tạo các kỹ năng cần thiết, có tư duy mới về cạnh tranh dựa trên nền tảng công nghệ mới, số hóa và phát triển những hướng kinh doanh mới như thương mại điện tử, cả trong phạm vi quốc gia và xuyên quốc gia. Các doanh nghiệp này cần được hỗ trợ phù hợp để tuân thủ và đáp ứng tốt hơn các chuẩn mực quốc gia và quốc tế, đặc biệt cần có chiến lược và giải pháp cụ thể tham gia vào các mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.
Ở tầm vĩ mô, chúng ta cần tăng cường đối thoại, trao đổi, hợp tác để các chuẩn mực quốc tế, trong đó có quản trị, công nghệ và môi trường, trở thành động lực chứ không phải rào cản đối với sự phát triển.
Quang cảnh Hội nghị APPF - 26.
Đổi mới sáng tạo giúp Việt Nam bứt phá
Kinh nghiệm của nhiều nước APEC, ASEAN và Việt Nam là minh chứng sống động cho quá trình đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện không ngừng, từ thể chế, chính sách đến chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức triển khai thực hiện trong các lĩnh vực mà Diễn đàn chúng ta nêu ra. Việt Nam kiên trì đường lối đổi mới, phát triển và hội nhập sâu rộng, cùng các nước từng bước chắc chắn giải quyết các vấn đề đặt ra trong liên kết hợp tác khu vực, phát triển nông nghiệp bền vững, an ninh lương thực và phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Thực tiễn cho thấy, việc hiện thực hóa các cơ hội từ thị trường rộng lớn của khu vực và từ cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi nỗ lực không chỉ của từng quốc gia mà còn trong liên kết hợp tác, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các quốc gia. Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tốt điều này, nhất là nỗ lực cải cách thể chế, chính sách tạo đột phá, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, trong đó ban hành riêng Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Năm 2017, năng lực cạnh tranh Quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc, đứng thứ 55/137 nước (theo WEF), chỉ số môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, xếp hạng 68/190 quốc gia (theo WB) và chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 12 bậc lên vị trí 47/127 nền kinh tế; phong trào khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp có thể nói là đang bùng nổ ở Việt Nam. Năm 2017, chúng tôi có 127 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và hướng tới mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Quốc hội, Chính phủ Việt Nam nhận thức rõ và đang tập trung làm tốt hơn việc rà soát, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách trên cơ sở nguyên tắc thị trường, tôn trọng cạnh tranh bình đẳng và công khai minh bạch.