Khi người dân tự quản
Những mô hình tự quản bảo vệ môi trường đang ngày càng được nhân rộng ở nhiều khu dân cư, từ nông thôn tới thành thị.
Hạn chế sử dụng túi nilong là góp phần bảo vệ môi trường.
Đơn cử như ở nhiều khu đô thị mới tại Hà Nội hiện nay, dù việc thu gom rác, dọn cỏ vườn hoa công cộng… đã được chuyên nghiệp hóa thông qua dịch vụ, nhưng cứ mỗi thứ bảy hay chủ nhật hàng tuần, cư dân các tòa nhà vẫn cùng nhau dọn vệ sinh chung. Chỉ có sự vào cuộc của chính những người thụ hưởng, thì việc gìn giữ, giám sát, bảo vệ môi trường mới thực sự đạt hiệu quả.
Nếu xét ở góc hẹp, thì ô nhiễm rác thải hiện đang là nỗi sợ của người dân nông thôn. Nếu như xưa các vật dụng gói đồ đi chợ thường bằng lá chuối, lá sen…thì nay tất cả đã được “nilon hóa”. Người dân nông thôn cũng đã rất lâu rồi không đi chợ bằng thúng, bằng làn mà chủ yếu đi tay không ra chợ rồi dùng túi nilon cho tiện lợi.
Vì thế nên việc một chợ quê ít sử dụng túi ni lon như chợ Hòa Bình (xã Liên Chung - Tân Yên- Bắc Giang) chẳng hạn, cũng đang trở thành một mô hình đáng để nhân rộng. Khi được hỏi, cộng đồng cư dân ở đây không phủ nhận những tiện ích mà túi nilon mang lại trong sinh hoạt hằng ngày. Nhưng họ bảo nó cũng đang gây hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng.
Nếu tính bình quân mỗi ngày một hộ dân dùng từ 5- 7 túi nilon, thì với xã Liên Chung, 2000 hộ dân sẽ dùng và xả ra môi trường trên 10 kg túi nilon/ngày. Một con số đáng báo động.
Chính vì nhận thức được vậy, nên các đoàn thể, đặc biệt là Hội Phụ nữ xã luôn quan tâm khuyến khích hội viên và mọi người dân giữ gìn môi trường, cấp túi thân thiện môi trường cho người đi chợ đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và nói không với túi nilon…
Giờ đây, để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ở nhiều tỉnh thành, Ủy ban MTTQ đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể xây dựng và nhân rộng mô hình điểm khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường.
Chẳng hạn như thôn Hai, xã Hiệp Hoà, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) được lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” theo chương trình “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường” của UBTƯMTTQ Việt Nam.
Để giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, có kiến thức, kỹ năng bảo vệ môi trường, Ban Công tác Mặt trận đã đi học hỏi kinh nghiệm của những địa phương điển hình làm tốt về môi trường để về tuyên truyền, lồng ghép trong các buổi họp khu dân cư để người dân có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường sống của chính gia đình mình và khu vực nơi mình sinh sống; đến từng nhà vận động để người dân ký vào bản cam kết thực hiện “3 không”.
Đó là không đổ rác thải bừa bãi; không phóng uế, vứt xác động vật ra môi trường xung quanh; không chặt phá cây xanh, thả rông súc vật…
Theo đánh giá từ nhiều địa phương, nhờ các mô hình dân cư tự quản bảo vệ môi trường, người dân đã nhận thức đầy đủ hơn về tác hại của ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước thải, rác thải ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Việc xây dựng các mô hình đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Bảo vệ môi trường của mỗi người dân, giúp cho mọi người thấy được lợi ích của việc tự quản bảo vệ môi trường đem lại cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, tăng cường tình làng, nghĩa xóm, giúp nhau xây dựng đời sống kinh tế - văn hóa ngày càng phát triển.
Tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Quy định Bộ chỉ số đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do UBTƯMTTQ Việt Nam vừa tổ chức, một nội dung cũng được nhấn mạnh đó là việc đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường có thực chất hay không còn phụ thuộc trực tiếp vào những người được thụ hưởng trong việc bảo vệ môi trường.
Vì lẽ đó, dự thảo rất cần làm rõ hơn tiêu chí đánh giá sự hài lòng của người dân, trong đó cần bổ sung vai trò của cộng đồng trong việc đánh giá bảo vệ môi trường- nhìn từ mô hình tổ tự quản như đã nêu trên.
Chung tay bảo vệ môi trường, nói một cách thiết thực chính là bắt đầu từ bảo vệ, cải thiện môi trường sống ngay xung quanh mình.