Giải pháp nào cho vỉa hè?
Vỉa hè ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục là điểm nóng, cho dù gần 1 năm qua khi đồng loạt ra quân dọn dẹp, chỉnh trang vỉa hè, lòng đường. Sau khi vỉa hè Thủ đô được thay áo mới từ việc lát đá thì lại “nóng” lên bởi chất lượng lát đá chỉnh trang và phí dịch vụ vụt tăng. Còn tại TP Hồ Chí Minh, sau một thời gian ra quân, thì rồi ông Đoàn Ngọc Hải- phó chủ tịch UBND quận 1 cũng đã nộp đơn xin từ chức bởi thất bại trong cuộc chiến giành lại vỉa hè. Rồi đây “số phận” của lòng đường, vỉa hè tại
Vẫn gian nan bài toán vỉa hè.
Dọn vỉa hè để tăng phí?
Từ cuối năm 2016, TP Hà Nội đã triển khai cải tạo vỉa hè tại nhiều quận nội thành bằng đá lát tự nhiên. Lúc đó, cơ quan chức năng cho hay loại đá đưa vào lát vỉa hè có kết cấu bền vững bảo đảm sử dụng từ 50-70 năm.
Tuyến phố đầu tiên lát đá tự nhiên đó là phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), sau đó nhiều tuyến phố như Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Giải Phóng... được thực hiện.
Sau một thời gian, mặt đá lát trên một số tuyến vỉa hè đã bị bong tróc, gãy vỡ. Nguyên nhân được cho là quá trình quản lý thi công thiếu chặt chẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình và kết cấu.
Còn với việc ùn tắc trong nội thành thì sao? Để giảm mật độ phương tiện giao thông cá nhân đi vào trung tâm nội đô, HĐND TP Hà Nội đã ra nghị quyết tăng phí sử dụng lòng đường, hè phố, tức tăng phí trông giữ ôtô, xe máy. Việc tăng giá để người dân cân nhắc khi sử dụng phương tiện, từ đó đạt mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân.
Tuy nhiên, khi tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố tại Hà Nội để kinh doanh vẫn chưa được giải quyết, thì việc tăng phí đặt ra vấn đề liệu có dễ tạo cớ cho các điểm dịch vụ có phép và không phép tiếp tục đua tăng giá?
Giành lại vỉa hè chưa xong nhưng lại tăng phí cao khi trông giữ xe. Giá trông giữ phương tiện trên lòng đường, hè phố mới được áp dụng chính thức từ ngày 1-1-2018: xe máy tăng từ 3.000-5.000 đồng/xe/lượt, ôtô tăng từ 30.000 - 50.000 đồng/xe/lượt.
Có những khu vực mức giá trông xe tháng sẽ tăng từ 1.700.000 đồng lên 2.600.000 đồng/ôtô/tháng.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, việc đình chỉ, giải tỏa nhiều bãi xe trên vỉa hè khiến người dân gặp khó khăn để gửi xe khi vào trung tâm vì không biết để xe ở đâu. Từ đó, nhiều người đã mở dịch vụ trông xe trong nhà.
Theo ông Đoàn Ngọc Hải- phó chủ tịch UBND quận 1 thì trong quá trình triển khai từ tháng 1-2017, công tác lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường ở quận này đã tạo ra hiệu ứng tích cực.
Bộ mặt quận 1 cũng đã có thay đổi, được đại đa số người dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi lấn chiếm, lòng lề đường đã động chạm đến lợi ích rất lớn của các chủ bãi xe ôtô, gắn máy, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, các hộ kinh doanh mặt tiền và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó. Vì thế công việc gặp khó khăn.
Được biết, trong chiến dịch vừa qua, quận 1 đã đình chỉ 48 bãi giữ xe trên vỉa hè trung tâm.
Nhìn chung, vỉa hè tại 2 thành phố lớn chưa bao giờ nguội lạnh và luôn nóng nhưng vẫn loay hoay tìm hướng ra, từ cách quản lý cho đến hoạt động thường ngày và mưu sinh của người dân.
Bệnh phân tán quản lý hạ tầng
Ông Phạm Sỹ Liêm- nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, phải hiểu rõ chức năng căn bản của vỉa hè, thì mới có cách ứng xử đúng.
Thứ nhất, vỉa hè tách đường xe cơ giới ra khỏi đường đi bộ và dạo phố.
Thứ hai là không gian trung gian giữa con đường và nhà ở phố, muốn từ nhà vào đường phải qua không gian kết nối này.
Thứ ba là không gian công cộng mọi người ngồi nghỉ hẹn hò nhau.
Thứ tư là hạ tầng tức là dưới vỉa hè có hạ tầng ngầm của đô thị đi qua như điện cống nước.
Cho rằng hiện vỉa hè bị xe đỗ làm cản trở lối đi của người đi bộ, nhưng có nơi lại cho phép ôtô đỗ trên vỉa hè, ông Liêm đặt vấn đề: Nếu xét trên phương diện tách người đi bộ với lòng đường thì đó là cản trở, nhưng xét ở góc độ là trung gian giữa nhà và con đường, bán hàng thì người mua hàng phải có chỗ đỗ xe nếu không hàng bán cho ai? Lúc đó đỗ xe ở vỉa hè cũng là nhu cầu vì là trung gian giữa nhà và đường.
Vỉa hè là nơi gặp gỡ nhau, đi dạo mát của người già phải thân thiện tức là phải không có nguy hiểm, có nơi đặt ghế cho khách ngồi đọc báo, đó là không gian công cộng.
3 công năng trên đều muốn vỉa hè bằng phẳng nên Hà Nội lát đá để đi lại cho dễ nhưng lại vướng công năng thứ tư là ở dưới có hạ tầng điện, nước, cống.
Nếu lát ở nơi hạ tầng không ổn định, ít lâu lại đào lên thì tốn kém chi phí.
Do vậy theo ông Liêm, chỉ nên lát đá ở nơi hạ tầng ở dưới đã ổn định không có thay đổi chứ không phải nơi nào cũng lát đá. Chứ lát đá xong lại đào lên làm nước, điện, cống thì càng tốn kém.
“Nghĩa là quản lý phải biết hết các chức năng để quan tâm hết chứ không chỉ biết 1 chức năng rồi ào ào vào làm. Nhược điểm của ta chính là ở chỗ đó”- ông Liêm nói.
Cũng theo ông Liêm không phải các nhà quản lý không biết nhưng không giải quyết được do bệnh “phân tán quản lý hạ tầng ở trong đô thị”.
Từ nước cho đến lát vỉa hè, trồng cây, cột điện là những thứ nằm trên vỉa hè nhưng không có người quán xuyến, phối hợp các khâu đó lại, mỗi người chỉ biết phần của mình làm cho quản lý vỉa hè bị manh mún, anh nọ cản trở anh, kia chức năng này cản trở chức năng khác.
Theo TS Phạm Sanh- chuyên gia giao thông đô thị thì trên thế giới thường áp dụng 3 giải pháp để giải quyết chỗ gửi xe cho người dân.
Thứ nhất, trên 60% để gửi xe dọc theo các con đường, có nghĩa là khi làm đường thì phải có chỗ mở rộng để người dân gửi xe.
Thứ hai, tại những trung tâm công cộng, khu thương mại phải bố trí đủ chỗ gửi xe.
Thứ ba, ở những khu vực phát triển mới sẽ có những bãi gửi xe tư nhân.
Ông Sanh cho rằng, 3 giải pháp này tiến hành song song và phải có những tính toán khi thiết kế dự án.
Do đó, phải tìm ra giải pháp xây dựng các bãi đậu xe công cộng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trước khi thực hiện được giải pháp lâu dài thì các bãi xe tình thế cần được quản lý một cách chặt chẽ hơn chứ không nên xóa sổ ngay tức khắc.
Cấm hay tăng giá cũng phải tùy chỗ
Trước vấn đề tăng giá dịch vụ, trong đó có giá trông giữ xe, ông Liêm nhìn nhận, tăng giá sử dụng lên, tức không muốn cho xe đỗ vì giá đắt là xe đỗ ít.
Nhưng nó chỉ đúng phương diện giảm xe ở những nơi phố vắng vẻ, ít buôn bán và các sản phẩm dịch vụ.
Nhưng ở nơi phố buôn bán thì không hợp lý vì vào cửa hàng mua lọ thuốc mấy chục nghìn nhưng đỗ xe ra mất mấy chục nghìn thì quá đắt, như vậy làm cho cuộc sống đắt đỏ. Đó chỉ là một ví dụ, còn các cái khác nữa chưa kể cuộc sống hàng ngày phải ra- vào nhiều.
“Vấn đề là, ở những nơi đông người mua bán, không phải là tăng giá gửi lên, bởi càng nhiều người đến nhiều tức là kinh doanh càng phồn vinh chứ không thể “đuổi đi”. Do vậy cần phải tạo ra không gian để xe cho trật tự chứ không phải tăng giá để đuổi, họ đến ít thì kinh doanh của người dân thế nào?
Vì vậy nó vấp ngay phải sự phản đối của chủ cửa hàng và người có xe”- ông Liêm phân tích và cho rằng cấm hay tăng giá cũng phải tùy chỗ. Hay tại các trường học, cấm không được buôn bán vì lúc vào học và tan tầm là rất đông xe. Bố mẹ đưa đón con mà làm thì cản trở vận hành của trường do đó nên cấm chứ không nên cho gửi mà lấy tiền cao, nếu cách đó một đoạn có thể cho để xe. “Cho nên tùy xét từng nơi, làm sao quy định cho phù hợp với tình hình thực tế chứ cứ đồng loạt là không ổn. Vì mỗi nơi điều kiện khác nhau. Muốn tiện cho quản lý cứ đồng loạt thì chỉ tiện cho chính quyền chứ không tiện cho người dân sử dụng”- ông Liêm nói.
Còn theo luật sư Đặng Quang Thắng (Hội Luật gia Việt Nam), khi bàn hành quyết định phải đảm bảo hội tụ đầy đủ các yếu tố hài hòa lợi ích của người dân kinh doanh lẫn người tham gia giao thông.
Nếu cho phép để xe, hay kinh doanh trên vỉa hè thì cần xem tại nơi đó có cản trở người đi bộ không? Cấp phép nhưng phải vì lợi ích chung của cộng đồng. Vỉa hè dành cho người đi bộ nhưng cấp phép cho bãi để xe hay kinh doanh thì tại nơi đó có cản trở người đi bộ không?
“Ở nước ngoài nhiều người đi bộ trong khi ở ta người dân ngại đi bộ vì vỉa hè không dành cho người đi bộ mà dành cho người buôn bán nhiều hơn. Do vậy nhà quản lý phải xem xét chỗ được chỗ hơn. Bởi một đô thị văn minh thì vỉa hè là dành cho người đi bộ”- ông Thắng bày tỏ.
Luật sư Nguyễn Hữu Danh (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, nguyên Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho rằng ở góc độ pháp luật, vừa làm sao vừa tiện cho quản lý nhưng phải đảm bảo quyền lợi của người dân. Phải có quy hoạch cụ thể về kế hoạch sử dụng vỉa hè, khoảng cách nào lề đường bao nhiêu thì được để xe, giá cả làm sao. Phải kiểm tra giám sát để đừng tăng giá hay lấn chiếm hết vỉa hè. Như vậy mới giải quyết được vấn đề, vì hiện nhiều đường cho để xe cả ở bên trái và phải nhưng không kiểm tra. Vừa có kế hoạch và quy hoạch vừa kiểm tra kiểm soát chứ không thể buông lỏng. |