Trên kệ sách tuần này - từ 21/1
Đại Đoàn Kết trân trọng giới thiệu tới độc giả 3 cuốn sách vừa mới xuất bản và đang gây nhiều chú ý trong thời gian qua.
Bìa cuốn "Mẹ đã đi chợ về".
Mẹ đã đi chợ về
Cuốn sách mới nhất của nhà thơ Lê Minh Quốc, vừa được NXB Trẻ ra mắt trước thềm Xuân Mậu Tuất.
“Mẹ đã đi chợ về” gồm những trang văn, những bài thơ về mẹ và những người thân trong gia đình đã khuất của chính tác giả: cha, mẹ, anh, chị.
Theo nhà biên kịch Đoàn Tuấn, những trang viết trong sách cho thấy một tình yêu mãnh liệt, một xúc động tràn bờ đối với những cảm tình thiêng liêng, vô cùng đặc biệt ấy.
Cũng qua những trang viết và hình ảnh “Bà Mẹ” của tác giả, bạn đọc cũng sẽ có thể thấy hình ảnh của bà mình, mẹ mình, bởi các bà mẹ Việt Nam đều có chung một gương mặt, một cuộc đời.
Qua 250 trang sách, độc giả sẽ gặp những hình ảnh mộc mạc về những gì thân thương, gắn bó qua một giọng văn chân thành, giàu cảm xúc. Lê Minh Quốc, với ngòi bút sắc bén, bền bỉ, đã chạm đến từng ngõ ngách trong tâm hồn người đọc, bằng hình ảnh nỗi nhớ tác giả vẽ nên.
Bìa cuốn "Sài gòn kỳ án".
Sài Gòn kỳ án
Hài hước và chân thật, cuốn sách “Sài Gòn kỳ án” của tác giả Phạm Gia Trang quê ở Đăk Lăk lôi cuốn người xem ngay từ những trang đầu tiên.
Chứa trong đó, là câu chuyện của một người trẻ nhập cư, tìm kiếm cơ hội khẳng định bản thân ở Sài Gòn - TP HCM. Lạ lùng là, câu chuyện ấy, mang đầy tính phiêu lưu, kỳ ảo.
Một đề tài không mới, nhưng trong “Sài Gòn kỳ án” (First News và NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành), tác giả có những góc nhìn rất mới.
Phạm Gia Trang không mang đến người đọc một kỳ án theo nghĩa trinh thám, khám phá mà là hành trình của những giấc mơ đậm chất phiêu lưu. “Sài Gòn xa hoa giống như giấc mơ của nhiều người.
Cuộc đời mỗi con người là tập hợp của những “sự việc xảy đến với họ” và mỗi người đều phải đi tìm lời giải cho những điều đó”- Phạm Gia Trang nói vậy.
Anh gọi, chuỗi ngày mà mỗi người đang sống là một chuyến hành trình thú vị, ai nhiều háo hức, nhiều sáng tạo thì càng gặt được nhiều niềm vui sống…
Bìa cuốn "Bến khách".
Bến khách
Tập truyện ngắn của nhà văn Dương Hướng- người nổi tiếng với tiểu thuyết “Bến không chồng” từng được dựng thành phim điện ảnh và truyền hình.
Hơn 300 trang, với những truyện ngắn chủ yếu xoay quanh đề tài hậu chiến mà mỗi câu chuyện như vén lên bức màn về từng số phận, từng cảnh đời cùng chung chịu nỗi đau bởi sự tàn bạo của chiến tranh.
Nông thôn cũng là nông thôn từng đớn đau dằn vặt trong chiến tranh.
Con người cũng là những kiếp người bị đè nén, giày xéo đến khô héo vì chiến tranh. Những sự đợi chờ, niềm khao khát hạnh phúc cũng trở nên mong manh đến tội nghiệp trước hiện thực nghiệt ngã.
Thân phận người phụ nữ cứ trở đi trở lại trong tác phẩm của nhà văn Dương Hướng như nỗi khắc khoải ám ảnh triền miên.
Đó là những người phụ nữ dám sống, dám yêu, dám cháy hết mình vì tình yêu, hạnh phúc lại phải sống cả đời trong cô đơn, bất hạnh. Sách do NXB Trẻ ấn hành.