Bẽn lẽn, thẹn thùng và xấu hổ
Sự xấu hổ là cái giá đỡ cho đức hạnh, nó giữ cho đức hạnh khỏi bị tổn thương”- Nhà văn Commerson (1802 – 1879)
1. Bẽn lẽn, thẹn thùng, ngượng ngùng, xấu hổ, đỏ mặt ... là những cung bậc cảm xúc đẹp nhất, đáng xúc động nhất, đáng tự hào nhất mà chỉ có con người mới có được. Đây là một đặc ân của Thượng đế ban cho chúng ta. Nhà thơ tài hoa ở thế kỷ trước – Hàn Mạc Tử (1912 – 1940) đã để lại cho đời một định nghĩa rất chuẩn về bẽn lẽn, đã giới thiệu một hoàn cảnh rất con người của bẽn lẽn qua những câu thơ bất hủ sau đây:
Vô tình để gió hôn lên má,
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm.
Em sợ lang quân em biết được,
Nghi ngờ đến cái tiết trinh em.
Ôi cao quý làm sao, trong sạch làm sao tấm lòng thanh cao, trong trắng của một người đàn bà, một người vợ yêu chồng đến mức phải bẽn lẽn, phải sợ hãi chỉ vì vô tình chót để gió mơn man ve vuốt, hôn hít trên mặt mình, trên má mình lúc nửa đêm.
Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học biên soạn: Trang 48 thì: “Bẽn lẽn là có dáng điệu dụt dè, thiếu tự tin vì e thẹn và chưa quen. Thí dụ: Bẽn lẽn như gái mới về nhà chồng”. Trang 855 thì: “Thẹn là: 1/ Tự cảm thấy bối rối mất tự tin khi tiếp xúc với đám đông hay người khác giới. 2/ Tự cảm thấy mình có điều gì đó không nên không phải, không xứng đáng. Thí dụ: Thấy trăng mà thẹn với lời non sông (Nguyễn Du)”. Trang 1055 thì: “Xấu hổ là: 1/ Cảm thấy hổ thẹn khi thấy mình có lỗi hoặc kém cỏi trước người khác. Thí dụ: Xấu hổ vì đã chót nói dối, lấy làm xấu hổ vì sự dốt nát của mình. 2/ Ngượng ngùng, e thẹn. Thí dụ: Xấu hổ quá, đỏ cả mặt lên”.
Như thế, bẽn lẽn, thẹn thùng và xấu hổ là xúc cảm đã trải qua giai đoạn lý trí, giai đoạn suy nghĩ. Chỉ có người tốt, người lương thiện, người biết phải biết trái mới cảm thấy thẹn, thấy xấu hổ, thấy ngượng trước việc làm sai trái của bản thân.
Đúng như Mathew Henry (1662 – 1714) đã định nghĩa rất chuẩn, rất chính xác: “Đỏ mặt là màu sắc của đức hạnh” (Blushing is the colour of virtue). Ta nên đi sâu một chút vào cái hiện tượng “đỏ mặt” mà Henry đã phát hiện ra từ hơn 300 năm về trước. Khi nào người ta đỏ mặt? Đó là lúc người ta “phải lòng nhau” dù ở bất cứ tuổi tác nào khi có sự tiếp xúc giữa hai con người khác giới với nhau. Cô con gái tinh ý thấy chàng trai nhìn trộm mình rồi đỏ mặt quay đi, đó là tiếng sét ái tình đấy! Còn chàng trai thấy một cô gái bẽn lẽn thẹn thùng trong cả đám bạn gái đông vui, đó là dấu hiệu tốt, có triển vọng đấy! Vì như thi sỹ Havellock Ellis (1859 – 1939) đã nhận xét tài tình: “Trong nghệ thuật yêu đương, vẻ bẽn lẽn có sức mạnh hơn sự quyến rũ. Nó là món ăn tinh thần rất quan trọng” (Dans l'art d'aimer, la pudeur est plus qu'un charme. Elle est un aliment essentiel). Theo dõi caméra từ một phòng giao tiếp giữa các thành viên của câu lạc bộ độc thân, tìm hiểu nhau để tiến tới hôn nhân khi đã “quá lứa lỡ thì”, người ta vẫn phát hiện ra những sự bẽn lẽn, lúng túng, “đỏ mặt, tía tai” ở những ông bà 50, 60 tuổi.
Trong đời sống hàng ngày thì hiện tượng “đỏ mặt, tía tai” còn gặp ở đâu nữa? Đó là khi đối tượng ăn gian, nói dối bị “lật tẩy” giữa đám đông, không còn chối cãi đằng nào được nữa, đành mặt mũi đỏ dừ, lắp bắp chối tội quanh co. Thế có kẻ nào bị lật tẩy, bị vạch mặt giữa đám đông mà mặt vẫn bình thản, không hề đỏ mặt không? Có đấy ! Đó là bọn mặt trơ, trán bóng, vô liêm sỉ, chuyên ném đá dấu tay. Với bọn này, chỉ có một cách nhờ pháp luật trừng trị, giáo dục, răn đe thì chúng mới sợ. Phải vô cùng biết ơn học giả Sully Prudhomme (1839 – 1908) khi ông phân tích: “Sự đỏ mặt xấu hổ là một biểu hiện của nhân cách” (La pudeur est une forme de la dignité personnelle). Có thể dùng ngay “nghiệm pháp đỏ mặt xấu hổ” này làm phép thử để đánh giá con người trong các sinh hoạt hàng ngày. Có ai đó đã nói “Con người còn biết xấu hổ thì chưa đến nỗi bỏ đi” cũng rất chí lý và rất thực tế trong đời sống nhân sinh.
2. Con người còn biết xấu hổ thì chưa đến nỗi bỏ đi:
Đây là một tiêu chuẩn rất dễ nhận thấy, rất dễ phát hiện để theo dõi và đánh giá một con người đã từng mắc khuyết điểm, đã từng có phút yếu lòng, đã từng có tiền án tiền sự.
Câu chuyện nổi tiếng về sự xấu hổ và sau đó ăn năn, hối lỗi trở thành người tốt là nhân vật chính trong tiểu thuyết vĩ đại “Những người khốn khổ” (Les misérables) của Đại văn hào Pháp Victor Hugo. Tóm tắt chuyện như sau: Ông Jean Vanjean là một người tù mới được thả. Trên đường lang thang, ông đã ăn chặn một đồng tiền của một cậu bé, khiến cậu bé khóc lóc khổ sở. Sau đó ông đã ăn trộm một số cây đèn bằng bạc của một nhà thờ. Bị cảnh sát bắt, đưa đến nhà thờ. Thật đáng kinh ngạc là ông cha đạo đã nói với viên cảnh sát là nhà thờ đã cho ông Jean số cây đèn bằng bạc này chứ không phải ông đã lấy trộm của nhà thờ, do vậy ông được thả tự do.
Chính hành động cao thượng và nhân từ của ông cha đạo đã khiến ông Jean xấu hổ khi nghĩ lại việc mình đã dùng chiếc giầy dẫm lên đồng tiền của cậu bé để ăn cắp, còn dọa đánh cậu bé và việc lấy trộm cây đèn của nhà thờ mà lại được ông cha đạo tha thứ. Từ sự xấu hổ này đã dẫn đến lòng ân hận và biến ông Jean khi đã trở thành một người giầu có thì suốt đời chỉ đi cứu giúp người nghèo, giúp đỡ trẻ em mồ côi, nâng đỡ những người đàn bà góa bụa, bị bóc lột. Qua cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này, Victor Hugo muốn truyền đạt đến mọi người một tư tưởng vô cùng nhân ái, vô cùng cao thượng, đó là sự biết xấu hổ trước những lầm lỗi do mình tạo ra. Từ đó con người mới tỉnh ngộ, dần dần phấn đấu, dần dần vươn lên để thay đổi chính con người cũ của mình. Đúng như nhà văn Commerson (1802 – 1879) đã phát hiện: “Sự xấu hổ là cái giá đỡ cho đức hạnh, nó giữ cho đức hạnh khỏi bị tổn thương” (La pudeur est le corset de la vertu, elle n'empêche de tomber).
Từ câu danh ngôn này của Commerson có thể suy ra: Ai còn tự biết xấu hổ trước lỗi lầm của mình thì người đó còn có cơ hội vươn lên, còn có thể thay đổi được cuộc đời mình. Những ai không biết xấu hổ, không biết thẹn, không biết ngượng trước việc làm sai trái đạo lý của mình thì người đó đã đánh mất cái “giá đỡ” cho đức hạnh của mình, chắc chắn “đức hạnh” bị tổn thương, rất dễ sa ngã, rất dễ đi vào con đường bất chính, con đường tội lỗi. Theo học thuyết “nhân quả” rất khoa học, rất cập nhật, rất hiện đại thì quả đắng đang chờ đón người đó. Có ai đó đã viết rất chuẩn: “Nhân ác dù có gieo ở xa tận đâu nhưng quả đắng lại mọc ngay trong vườn nhà mình”. Thành ra xấu hổ, đỏ mặt chính là vắcxin rất hữu hiệu phòng những bệnh nan y mà con người rất dễ mắc phải trong đời sống hàng ngày. Nếu ai biết xấu hổ vì đã ăn trộm mấy quả trứng gà của hàng xóm thì sẽ tránh được cái tật xấu ăn cắp của công, tham nhũng của công, cậy quyền cậy thế sau này, nghĩa là tránh được cái tương lai “bóc lịch dài dài” do coi thường sự xấu hổ, sự hổ thẹn.
Khi không còn biết xấu hổ là gì, không biết ngượng, không biết thẹn khi nhận biệt thự hàng chục triệu đô, nhận ô tô loại sang hàng triệu đô hoặc kín đáo hơn là các phong bì to, nhỏ tức là các quan tham đã ngang nhiên làm gương cho con, cho cháu ngay trong nhà mình, để bọn chúng chuẩn bị hái quả đắng về sau. Từ khi còn là đứa trẻ con, con cháu quan tham cứ đinh ninh mình sẽ được sung sướng suốt đời, việc gì phải lo học hành, phải làm việc làm gì cho vất vả. Như thế, theo thời gian, con cháu quan tham lớn dần với phần “con” luôn luôn đè bẹp phần “người” và hậu quả thì ai cũng đã biết cả. Đài, báo cũng đã công khai đưa tin, không còn điều gì phải bàn luận thêm nữa.
Như thế cái xấu hổ, cái ngượng, cái thẹn của một người còn có tác dụng giáo dục và dạy dỗ cho các con, các cháu của họ những bài học để đời, giúp cho các thế hệ sau biết đường tu tâm dưỡng tính, phấn đấu làm một người lao động bình thường, lương thiện, có ích cho xã hội.
Để kết thúc trang viết, cần nhắc đến lời dạy bảo của Saint Augustin (Thế kỷ thứ 5): “Xấu hổ thay cho những kẻ nào không biết xấu hổ” (Il est honteuse d'être sans honte).