Thành lập Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam
Sáng 23/1, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chính thức trao quyết định thành lập Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam (VCDC).
Ông Vũ Quốc Thành (thứ ba từ trái sang) và các thành viên sáng lập VCDC. (Ảnh: Vietnam+).
VCDC gồm 7 thành viên sáng lập gồm Bkav-CA, Viettel-CA, VNPT-CA, FPT-CA, Nacencomm (CA2), Công ty Chữ ký số Vina (Smart-Sight) và Công ty Chữ ký số NewCA (NewCA). Tại lễ ra mắt, VCDC công bố quyết định kết nạp thêm 6 thành viên mới.
Theo đại diện VCDC, tổ chức này được ra đời nhằm góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên tham gia; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu công nghệ, thông tin kinh tế, thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy quan hệ hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, VCDC sẽ là cấu nối giữa các doanh nghiệp với nhau cũng như với chính quyền. Đây cũng là nơi tập hợp nguyện vọng của thành viên với cơ quan quản lý để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh, đưa dịch vụ chứng thực chữ ký số trở thành dịch vụ công nghệ quan trọng trong hạ tầng thông tin quốc gia, công cụ hữu hiệu trong phát triển giao dịch điện tử, Chính phủ điện tử.
Theo ông Vũ Quốc Thành, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNISA, ở nhiều nước, ban đầu các CA công cộng được thành lập nhiều, sau đó sẽ sáp nhập, giải thể và thường thì mỗi nước chỉ còn từ 1-2 CA.
Thế nhưng, ở Việt Nam, theo quan sát của ông Thành thì các CA công cộng dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đứng vững. Việc các doanh nghiệp chữ ký số và giao dịch điện tử tập hợp với nhau tạo ra tổ chức liên kết là điều rất đáng khích lệ. VCDC sẽ không chỉ giúp khách hàng và các doanh nghiệp có đầu mối khi có vấn đề cần giải quyết mà còn hỗ trợ phát triển thị trường.
Trong khi đó, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) cho biết, thời gian qua, các CA công cộng đã hoạt động hết sức năng động, nhưng các doanh nghiệp cạnh tranh quyết liệt nhất là về giá. Điều này đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho cơ quan nhà nước trong việc đưa ra chính sách.
Do đó, ông Trung hy vọng với việc VCDC ra đời sẽ giúp các doanh nghiệp có thể ngồi lại trao đổi, chia sẻ sòng phẳng nhằm bảo đảm quyền lợi cho mình, cho khách hàng cũng như nâng cao hơn chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, VCDC sẽ trở thành đầu mối phản biện, đóng góp ý kiến để nhà chức trách hoàn thiện chính sách trong lĩnh vực này.