Nông dân lo mùa 'mía đắng, gừng cay'

Nguyễn Tuấn Anh 26/01/2018 09:00

Cả năm quần quật trên đồng ruộng chăm bón, chỉ mong cây cối cho hoa thơm quả ngọt, thế nhưng khi thành quả sắp được hưởng thì nhiều nông dân ở Đắk Lắk lại phải đối mặt với những khó khăn từ thiên tai cho đến giá cả. Câu chuyện về cây gừng, cây mía ở Đắk Lắk đang khiến người nông dân lâm vào thế khó.

Nông dân lo mùa 'mía đắng, gừng cay'

Giá mía giảm khiến nông dân điêu đứng.

Mùa mía đắng

Tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 175 nghìn ha mía đang bước vào kỳ thu hoạch. Do ảnh hưởng của cơn bão số 12 nhiều ruộng mía ở các địa phương bị đổ ngã, năng suất giảm, trữ lượng đường thấp, giá mía nguyên liệu giảm, khiến người trồng mía gặp khó khăn.

Chị Ngân Thị Tơ, ở thôn 13, xã Ea Bin, huyện M’đrắk cho biết, gia đình có 2 ha đất trồng mía.

Vụ trước, nhờ chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi nên thu được khoảng 220 tấn mía, trừ chi phí đầu tư gia đình thu lời khoảng 80 triệu đồng.

Tuy nhiên, vụ mía năm nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 12 hồi tháng 11 năm 2017 khiến toàn bộ diện tích mía bị đổ rạp, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây giai đoạn tạo đường nên sản lượng và chất lượng mía giảm đáng kể.

“Vụ này, thu nhập đủ chi phí cho đầu tư đã là may mắn”- chị Tơ nói.

Vụ mía năm 2016, gia đình anh Lê Văn Đen, ở thôn 13, thị trấn Ea Knốp, liên kết trồng hơn 6 ha mía nguyên liệu, sau khi thu hoạch, trừ chi phí nhân công, đầu tư lãi gần 300 triệu đồng.

Nhưng năm nay thời tiết không thuận lợi, năng suất và sản lượng mía giảm, giá nhân công tăng và đặc biệt là giá mía nhập cho nhà máy cũng giảm so với năm ngoái nên gia đình gặp không ít khó khăn.

Ông Lê Tuân - trưởng phòng nguyên liệu thuộc Công ty cổ phần mía đường 333 Đắk Lắk cho biết, hiện nay, đơn vị đang liên kết bao tiêu sản phẩm cho khoảng 7.000 ha mía nguyên liệu của các hộ nông dân ở hai huyện Ea Kar và M’đắk.

Vụ mía năm nay, do ảnh hưởng thiên tai nên diện tích mía của các hộ dân bị giảm năng suất và sản lượng. Để hỗ trợ người nông dân trồng mía vượt qua khó khăn, ngay sau khi bão đi qua đơn vị đã trích 4,8 tỷ đồng để hỗ trợ các hộ bị thiệt hại.

Hiện nay, giá thu mua mía sạch tại ruộng là khoảng 800 nghìn đồng/1tấn, giảm 130 nghìn đồng/tấn so với năm ngoái. Nguyên nhân của việc giảm giá là do trước đây giá đường bình quân nằm từ 14-15.000 đồng/1kg nhưng năm nay chỉ còn có 12.000 đồng.

Cùng với đó, giá mía nguyên liệu giảm ở thởi điểm hiện tại là do ảnh hưởng từ Hiệp định ATIGA khi áp dụng thuế nhập khẩu đường từ thị trường Đông Nam Á vào Việt Nam được áp dụng.

Nông dân lo mùa 'mía đắng, gừng cay' - 1

Mặc dù giá mía giảm nhưng các hộ nông dân vẫn phải thuê nhân công giá cao để thu hoạch.

Cụt vốn vì gừng

Sau khi đi dự các buổi giới thiệu về dự án trồng gừng sạch xuất khẩu và cầm trong tay bản dự toán chi phí trồng gừng hiệu quả do Công ty Cổ phần Xuất khẩu Nông sản sạch Việt Nam (XKNSS) (có địa chỉ tại 27 Phan Đăng Lưu, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) - một đơn vị chuyên cung cấp giống gừng trâu, chuối tiêu Nam Mỹ - chuyển giao kỹ thuật theo mô hình trồng nông sản sạch xuất khẩu và bao tiêu đầu ra sản phẩm, nhiều hộ nông dân đã vui mừng.

Theo giới thiệu cứ trồng 10.000 bao gừng trồng trên diện tích đất khoảng 2.200 m2 với chi phí đầu tư 290 triệu đồng, sau 9 tháng sẽ cho năng suất 3kg/bao gừng, với giá thị trường 18.000 ngàn đồng/kg sẽ mang về lợi nhuận 250 triệu đồng.

Theo hợp đồng: Công ty hỗ trợ cho người trồng 50% các loại tiền đầu tư như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, còn người dân chỉ phải thanh toán 50% số tiền còn lại theo quá trình mà Công ty cung ứng vật tư; bao tiêu toàn bộ sản lượng gừng sau khi thu hoạch với giá 18.000 đồng/kg; gừng sẽ đạt năng suất 2,5kg/bao…

Tin tưởng vào bản hợp đồng và những lợi nhuận từ gừng mang lại, nhiều hộ nông dân đã đặt bút ký hợp đồng và bỏ vốn đầu tư.

Tháng 5/2017, ông Đèo Minh Thiện (57 tuổi, thôn Tân Hưng, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) ký hợp đồng trồng 10.000 bầu gừng với Công ty Cổ phần XKNSS. Bên cạnh việc được hỗ trợ, ông đã nộp cho công ty 109 triệu đồng.

Sau khi xuống giống, đến tháng thứ 4 gừng bắt đầu bị vàng lá. Ông Thiện gọi điện báo lên thì công ty cho kỹ thuật xuống kiểm tra, hướng dẫn bỏ thuốc vài ba lần.

Thế nhưng càng chữa thì cả vườn gừng bệnh càng nặng, thối cả rễ lẫn củ. Ông đã nhiều lần liên hệ để Công ty giải quyết sự việc theo hợp đồng nhưng gọi điện không được, tìm đến trụ sở thì cửa khóa, then cài.

Gia đình anh Đặng Kim Cương (hẻm 4, đường Mai Xuân Thưởng, TP Buôn Ma Thuột) cũng liên kết trồng 20.000 bao gừng trâu với Công ty XKNSS bằng hợp đồng trị giá khoảng 500 triệu đồng và anh đã chuyển cho họ 118 triệu đồng.

Trong khoảng 2 tháng đầu giống gừng phát triển tốt, tuy nhiên bắt đầu sang tháng thứ 3 toàn bộ diện tích gừng có dấu hiệu vàng lá, rũ ngọn, thối gốc và chết hàng loạt.

Anh Cương báo lên Công ty XKNSS, phía Công ty cũng cho kỹ sư xuống ghi nhận tình hình, lập biên bản và hứa sẽ khắc phục.

Thế nhưng đến nay đã 3 tháng trôi qua mà vườn gừng vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào. Hiện cả vườn gừng đã chết gần hết, gia đình anh đang phải gánh nợ vì khoản đầu tư mà chưa biết khi nào lấy lại được.

Trước những cam kết thiếu trách nhiệm của công ty, các hộ dân đang tiến hành các thủ tục kiện công ty này.

Nguyễn Tuấn Anh