Ngành hồ tiêu trước áp lực tái cơ cấu
Chiều 25/1, tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất phát triển hồ tiêu bền vững được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường lưu ý, nếu ngành hồ tiêu không kịp thời tháo gỡ khó khăn, bất cập trong sản xuất hiện nay thì nguy cơ phá vỡ ngành hàng, giảm uy tín… là rất lớn.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, chỉ trong vòng 8 năm gần đây, từ 2010-2017, ngành hồ tiêu đã có sự phát triển thần tốc, với diện tích năm 2017 tăng gấp 3 lần so với năm 2010; sản lượng cũng tăng tương ứng gần 3 lần trong khoảng thời gian đó.
Cụ thể, nếu năm 2010 cả nước chỉ trồng 51.500 ha hồ tiêu thì đến năm 2017 diện tích đã tăng lên trên 152.000 ha, tăng 196,3% so với năm 2010 và vượt quy hoạch trên 100.000 ha.
Kết quả này thể hiện sự cố gắng của doanh nghiệp, nông dân, địa phương và cả ngành hàng, tuy nhiên cũng cho thấy có nhiều bất cập trong sự phát triển thần tốc đó.
Nếu không nhanh chóng tháo gỡ, nguy cơ phá vỡ ngành hàng, không có người mua, giảm uy tín sản phẩm… là rất lớn.
Chỉ ra một loạt bất cập hiện nay của ngành hồ tiêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc diện tích tăng quá nhanh nên cơ bản không kiểm soát được quá trình phát triển.
Cứ có dây giống là trồng, cứ trồng là đào hố sâu mà không quan tâm đến vấn đề địa hình, thổ nhưỡng, vùng miền.
Kèm theo đó là quy trình sản xuất từ khâu cây giống, mật độ trồng… không đảm bảo yêu cầu; vấn đề nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật trong ngành hàng còn nhiều bất cập.
Sự phát triển của các doanh nghiệp từ thu mua, chế biến, tổ chức xuất khẩu chưa tương xứng với ngành hàng có giá trị xuất khẩu 1,19 tỷ USD...
Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, ngành hàng hồ tiêu là sản phẩm gia vị nên cần phải được sản xuất thật sạch, thật ấn tượng (phải thơm, cay..), phải bắt mắt và không thể quá nhiều sản lượng. Do vậy, trong thời gian tới kiên quyết không để tăng diện tích trồng mới hồ tiêu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương đẩy mạnh tuyên tuyền, giảm diện tích hồ tiêu ở những nơi đang trồng không đúng vùng sinh thái, để giảm diện tích đến mức cần thiết và dành cho những cây trồng khác phù hợp.
Đứng trước tình hình khó khăn hiện nay của ngành hồ tiêu, đặc biệt về giá cả, giá hiện đã gần sát mức giá thành của người nông dân, các đại biểu tham dự Hội nghị đều thống nhất giải pháp ngưng không trồng mới, cắt giảm diện tích sản xuất và ổn định ở mức 100.000 ha, với mức sản lượng 180.000-200.000 tấn/năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, để cắt giảm diện tích sản xuất cần khuyến khích người nông dân không trồng mới trong năm 2018.
Các địa phương rà soát lại các diện tích không đủ điều kiện trồng trọt hoặc những vườn tiêu bị sâu bệnh, vườn tiêu năng suất thấp dưới 1 kg/trụ thì khuyến cáo nông dân chuyển đổi cây trồng sang các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao hơn.