Không mặn mà với xe đưa đón
Số lượng học sinh tham gia đi xe buýt đưa rước (có trợ giá) năm 2017 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục giảm. Chỉ có khoảng hơn 36 ngàn học sinh tham gia đưa đón bằng xe buýt, giảm 10% so với năm 2016.
Mặc dù thành phố bỏ ra hàng chục tỷ đồng để trợ giá, tuyên truyền, kêu gọi các em học sinh, sinh viên sử dụng xe buýt nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn.
Thậm chí, ở các quận trung tâm như quận 1, chỉ có vỏn vẹn 75 học sinh sử dụng xe buýt trong năm 2017. Kém hơn, quận Bình Thạnh với hàng chục ngàn học sinh, sinh viên nhưng chỉ có 30 em tham gia đi xe buýt có trợ giá…
Học sinh không đi xe buýt, hệ lụy nhìn thấy là nhãn tiền. Đó là sự gia tăng phương tiện cá nhân, ùn tắc, mất an toàn giao thông. Ngoài ra, phụ huynh cũng phải mất thêm thời gian đưa đón, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc hàng ngày.
Nguyên nhân chính khiến số lượng học sinh đi xe buýt ngày càng giảm theo tìm hiểu của chúng tôi là do các phương tiện xe buýt còn nhiều bất cập.
Trong đó việc thường xuyên ùn tắc, kẹt xe ở khu vực trung tâm khiến học sinh không thể sử dụng phương tiện này để di chuyển.
Thống kê cho biết, có tới hơn 70% số học sinh sử dụng xe buýt khi đi học là ở huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn.
Ngoài ra, việc trợ giá xe buýt cũng chưa thực sự đúng với nguyện vọng của học sinh, phụ huynh.
Theo đó, các em chỉ được trợ giá tối đa là 2 chuyến/ngày trong khi nhiều học sinh phải di chuyển tới 4 chuyến/ngày vì đi học thêm, học thể dục...
Chỉ riêng huyện Cần Giờ, học sinh được trợ giá 4 chuyến/ngày. Nếu tiếp tục di chuyển bằng xe buýt, các em phải đóng thêm tiền mua vé như hành khách thông thường.
Một chuyên gia giao thông đánh giá, việc trợ giá hiện nay tuy tốn tiền ngân sách nhưng lại chưa thiết thực với người sử dụng, vì tiền trợ giá thông qua các doanh nghiệp vận tải chứ không trực tiếp dành cho người đi xe buýt.
Vì thế, các phương tiện xe đưa rước tư nhân dù không được trợ giá nhưng vẫn dễ dàng thu hút học sinh tham gia hơn. Trong khi đó, dịch vụ của xe đưa rước không có nhiều thay đổi so với hàng chục năm trước, là các phương tiện xe buýt cỡ nhỏ, cũ kỹ. Thậm chí nhiều xe dưới 16 chỗ còn không có cửa kính.
Cùng thời gian này, nhu cầu sử dụng các phương tiện di chuyển của học sinh, phụ huynh ở khu vực nội thành đã có nhiều thay đổi.
Nhiều nơi, gia đình có mong muốn học sinh đi học bằng xe ôtô cho an toàn, thậm chí có cả máy lạnh, cửa kính tránh ô nhiễm môi trường.
Nhưng do tiền trợ giá ít thay đổi, các chủ phương tiện sau khi có hợp đồng trợ giá không chịu áp lực phải thay mới phương tiện khiến cho lượng học sinh đi xe buýt giảm theo.
Nhìn ra được những yếu điểm này, hy vọng thời gian tới mọi thứ sẽ được cải thiện để học sinh có thể sử dụng xe buýt như một giải pháp hữu hiệu nhất, vừa đảm bảo an toàn, vừa góp phần giải được bài toán ùn tắc giao thông ở nội đô.