Chuyến đi đời người
Đầu năm 1948, Kỹ sư Nguyễn Như Kim - nguyên chủ nhiệm Khoa Cơ khí-điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội – được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu giao nhiệm vụ đi sang Thái Lan với một bọc vàng để mua phụ tùng máy móc vô tuyến điện cho Đài Tiếng nói Việt Nam và cho quân đội. Lúc trở về trên biển, tầu hàng đụng địch, phải đốt tầu, ông cùng đoàn thủy thủ bị địch bắt lại.
Nhà giáo, kỹ sư Nguyễn Như Kim. (Ảnh do tác giả chụp tại nhà riêng của bác giữa năm 2007).
Nhìn lại lịch sử Đường mòn trên biển, thì đây là chuyến hàng đầu tiên không phải là từ Bắc vào Nam như sách báo thường nói, mà theo chiều ngược lại và hầu như đến nay rất ít người biết chuyện này.
Năm 1941, Nguyễn Như Kim vào học ở trường Cao đẳng Khoa học Hà Nội. Cách mạng mùa thu năm 1945 nổ ra, ông cùng nhiều đồng môn “xếp bút nghiên lên đàng tranh đấu”. Tháng 1/1947, ông được kết nạp Đảng trên chiến khu Việt Bắc, khi đang là phó giám đốc Sở Vô tuyến điện, kiêm phó giám đốc kỹ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đầu năm 1948, ông được Bộ Quốc phòng, mà người trực tiếp là Thứ trưởng Tạ Quang Bửu giao nhiệm vụ đặc biệt. Một mình bác mang một bọc vàng lớn sang Thái Lan mua hàng, đã nói lên sự tin cậy rất cao của tổ chức. Chuyện đi sang Xiêm mua hàng đã qua nhiều năm, lúc kể với tôi, bác cũng không nhớ cụ thể “bọc vàng” đó là bao nhiêu cân. Sau này do một sự tình cờ, người nhận số vàng từ tay bác ở bên Xiêm là cụ Trần Hữu Quảng, cũng đang sống ở Hà Nội. Lúc đó cụ đã 95 tuổi, nguyên là chủ nhiệm Hợp tác xã đông y Chùa Bộc, cụ cho biết: “Ngày ấy bên Xiêm, ông Nguyễn Đức Quỳ (sau là thứ trưởng Bộ Văn Hóa) lãnh đạo chúng tôi. Tôi phụ trách Tổng hội thanh niên Việt kiều, chính tôi nhận bàn giao số vàng từ tay ông Nguyễn Như Kim, cụ thể là 18 kg, toàn vàng lá Sư tử. Tôi là thủ kho giữ vàng, chi ra từng đợt cho người đi mua hàng, chưa đến nửa năm mà tôi đã sút mấy kí, vì lo giữ số vàng công quỹ sao cho trọn vẹn.”
Từ ATK vào trạm giao liên đầu tiên sang Lào đặt ở Đô Lương, Nghệ An, phải qua vùng do địch kiểm soát, mang vàng thế nào cho trót lọt? Cuối cùng phải chọn phương án mạo hiểm. Trên cử một anh vệ binh đi theo, cả hai cải trang thành thợ mộc, vàng được bọc kỹ trong túi vải bao bố bên trên buộc lẫn với cưa đục, đèo sau booc-ba-ga xe đạp. Thế mà hai anh thợ nhếch nhác, lọc xọc đạp xe đi các tỉnh kiếm ăn, đã qua mắt được bọn lính dõng và mật thám. Nhưng có một lần suýt lộ. Đến bến đò Trung Hà (Phú Thọ), ông lái đò sốt sắng chạy lên bê giúp xe của bác Kim xuống đò, chợt kêu toáng: Cái quái gì nặng thế? Bác vội nói: Cái hòn đá mài tràng đục đấy mà. May mà lúc đò đầy, ồn ào không ai để ý. Đến trạm Đô Lương, vừa lúc có đoàn chuẩn bị sang Xiêm, có một tiểu đội vệ binh đi kèm. Thế là bác nhập đoàn với cái ba lô vàng bất li thân sau lưng. Hành quân xuyên rừng, ngang qua Trung Lào, đến sông Mê Kông, mất nửa năm trời mới đặt chân lên đất Thái. May mà trên đường không đụng địch, thổ phỉ, chỉ đôi lần đụng hổ, báo, voi chúng đều “lảng” vì thấy đông người. Ngày đó chính phủ Xiêm do ông Pridi Phanomyong đứng đầu, ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta, nên đã tạo điều kiện cho các tổ chức yêu nước của Việt kiều hoạt động.
Đại diện của chính phủ ta tại Băng Cốc nhận đủ số vàng, khẩn trương tìm mua các loại vật tư kỹ thuật, thiết bị, thuốc men, sách vở chuyên môn… theo yêu cầu trong nước. Số hàng gom nặng khoảng hơn 1 tấn, được đóng thùng. Lúc đầu định chuyển về nước bằng máy bay. Bà chủ người Thái có chiếc thủy phi cơ Catelina, đồng ý chuyển thùng hàng về miền Trung Việt Nam. Trong nước đã huy động dân quân ở một địa phương thuộc Nghệ An san quả đồi thấp thành sân bay dã chiến, có cả một tổ điện đài túc trực để thông báo thời tiết cho phi công. Nhưng đến phút chót, bà chủ đổi ý không cho thuê máy bay nữa. Tính nát nước, chỉ còn cách đi theo đường biển. Hàng lại được chia nhỏ ra các thùng, bà con Việt kiều chở nhiều chuyến trên vịnh Thái Lan về bán đảo Cà Mau. Bác Kim tìm mua ở Xiêm một con tầu vận tải cũ 100 tấn mang tên “Prasamud”. Sửa sang, gắn thêm máy mới, đặt tên khác là Sông Lô. Về đến Cà Mau, bác liên hệ với Việt Minh Khu 9, tuyển được một đội thủy thủ 20 người, thuyền trưởng vốn là người thạo đi biển, bác chỉ còn nhớ tên là Hóa, hai thuyền phó Liêm và Nhã. Một chi bộ được thành lập, bác tham gia cấp ủy, bí thư là ông Đặng Văn Qua (Sau này ông là cục phó Cục Đường biển, Bộ GTVT). Danh nghĩa tầu chở gạo từ Nam ra Bắc, hàng mua ở Xiêm được giấu kỹ dưới những bao gạo. Trên tầu còn đặt mấy phuy xăng, đã thống nhất trong cấp ủy, khi gặp nguy cấp thì tưới xăng, đốt tầu, không để hàng rơi vào tay giặc.
Một đêm trăng hạ huyền tháng 6/1949, tầu Sông Lô xuất phát từ bến Tam Giang vòng qua Côn Đảo ra đường biển quốc tế, nhắm hướng Bắc. Đêm không đèn, định hướng bằng la bàn và chòm sao Đại Hùng, ban ngày ghé vào nơi có rừng dừa nước rậm rạp trú ngụ, lấy thêm nước ngọt, thực phẩm. Đã đi được gần nửa tháng, đến vĩ độ ngang với miền Trung. Tầu quay mũi, đích đến là cảng Bến Thủy. Một buổi chiều, bỗng thấy chiếc Hellcat vè vè lượn sát trên tầu mấy vòng, rồi mất hút vào chân trời tím sẫm. Mọi người đều linh cảm sắp gặp chuyện chẳng lành. Cấp ủy quyết định thay đổi lịch trình, tầu tăng tốc ngược lên phía đảo Hải Nam để tránh địch. Nhưng không kịp! 4 tầu chiến Pháp lù lù bủa vây. Chúng gọi loa: Dừng lại, để tầu quân đội Pháp dắt vào cảng! Bác Nguyễn Như Kim dùng bàn tay làm loa, nói tiếng Pháp: Tầu buôn gạo, để chúng tôi đi! Tầu chiến địch vẫn hùng hổ áp sát. Không còn cách nào khác: tưới xăng. Đốt! Phút chốc cả con tầu bùng lên thành đụn lửa khổng lồ, khói đen bốc mịt mù một vùng biển. Mọi người trên tầu đều nhất loạt nhảy xuống biển. Khi bác Kim tỉnh dậy thấy mình bị trói trên sàn tầu chiến, về sau có tên Pháp cho biết, đã bắt được bác khi đang bám vào một tấm ván bao bì, sặc nước đã suýt chìm nghỉm. Các thủy thủ khác cũng đều bị bắt, hầu hết bị bỏng, có một người hy sinh.
Bác Kim bị đưa thẳng về bốt Catinat Sài Gòn, sau giam ở “căng” Phú Lâm. Nhiều ngày đêm tra tấn, tra hỏi, bác một mực khai tên là Nguyễn Văn Hai, đi buôn gạo. Bị giam 1 năm, chúng đưa bác ra Hà Nội, dưới sự giám sát của hiến binh. Rồi đầu năm 1951, bác cùng người vợ mới cưới sang Pháp danh nghĩa du học. Sau mấy năm, bác có bằng kỹ sư điện tử, bác gái Trần Thị Ân có bằng tiến sĩ hóa sinh. Khi vừa ổn định việc làm, sắm được nhà, xe hơi thì một hôm có bác sĩ Hồ Đắc Di trong phái đoàn chính phủ ta sang Pháp, đến nhà riêng của bác. Bác sĩ đưa thư mời trở về nước của GS. Tạ Quang Bửu, lúc đó là Phó chủ nhiệm, kiêm tổng thư ký Ủy ban Khoa học Nhà nước. Trong thư có đoạn viết: “Sắp tới chính phủ thành lập trường đại học kỹ thuật đầu tiên ở Hà Nội, mời anh về làm chủ nhiệm một khoa, có thể là cơ khí-điện tử...”.
Thế là vợ chồng bác cùng cậu con trai mới 2 tuổi bay về Vientian, Lào rồi quá cảnh về nước theo đường bộ. Bác làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của hiệu trưởng Tạ Quang Bửu. Bác gái dạy Đại học Y khoa, là đại biểu Quốc hội các khóa 2,3,4,5. Bác nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu, lúc đầu là chủ nhiệm liên khoa cơ khí và điện tử, sau tách ra hai khoa. Học trò, đồng nghiệp rất quý mến thầy Kim vì thầy có kiến thức sâu rộng lại tận tình giúp đỡ mọi người và ai cũng chỉ biết thầy là Việt kiều ở Pháp về. Về nước một thời gian ngắn bác được kết nạp Đảng lại. Một công trình nổi tiếng ngày ấy có sự đóng góp của bác, là vào năm 1965 Đại học Bách khoa lần đầu tiên phát chương trình truyền hình cáp do trường tự nghiên cứu, lắp đặt thiết bị, phải gần chục năm sau đó ở nước ta mới chính thức có vô tuyến truyền hình. Bác giảng dạy một thời gian rồi chuyển về Viện thông tin KHKT thuộc Ủy ban Khoa học nhà nước trong vai trò giám đốc. Những năm gần 70 tuổi, bác còn có thời gian làm tham tán khoa học kỹ thuật của đại sứ quán nước ta tại Cộng hòa Pháp.
Bác có 3 người con. Con trai đầu là giáo sư vật lý Nguyễn Mạnh Đức nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu tại đại học Oxford, Vương quốc Anh; con gái thứ TS.Nguyễn Kim Ánh, hiệu phó Đại học FPT, Hà Nội và một người con trai út cũng làm việc ở Hà Nộị.
Một buổi sáng cuối năm 2007, như lệ thường tôi đến thăm bác Nguyễn Như Kim tại nhà riêng ở phố Nguyễn Chế Nghĩa, trò chuyện đôi hồi, thấy bác bảo hơi mệt, tôi xin phép ra về sớm. Ai ngờ chiều hôm đó bác bị cơn đột quỵ, cấp cứu tại bệnh viện Việt Xô. Thật đau lòng, sau cơn tai biến, bác bị rơi vào tình trạng hôn mê sâu, sống “thực vật” thêm một năm nữa. Nhà giáo, kỹ sư Nguyễn Như Kim về trời ngày 4/10/2008, hưởng thọ 87 tuổi.
Đến mùa xuân 2018 này, tròn 70 năm “Chuyến đi đời người” và bác Nguyễn Như Kim cũng rời dương thế được 10 năm. Tôi viết lại câu chuyện bác từng kể dạo ấy, thay cho nén hương tưởng niệm người trí thức yêu nước thời trai trẻ từng có cuộc bộ hành gian khổ xuyên bán đảo Đông Dương.