Trang sử mới từ Hiệp định Paris
Hôm nay tròn 45 năm ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973 - 27/1/2018). Hiệp định Paris - Hiệp định về hòa bình có quá trình đàm phán lâu dài nhất, khó khăn nhất, phức tạp nhất và thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử ngoại giao của nước nhà.
Đàm phán kéo dài 4 năm, 8 tháng, 14 ngày với 247 phiên họp mà mỗi phiên họp là một lần đấu tranh ngoại giao hết sức cam go, quyết liệt, thể hiện ý chí sắt đá của chúng ta trong đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Hiệp định Paris đã góp phần quan trọng mở ra một chương mới trong lịch sử dân tộc.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ảnh: TL.
Nói đến thắng lợi của Hiệp định Paris năm 1973 cũng cần phải nhấn mạnh đó là thắng lợi nhờ biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa đấu tranh chính trị trên mặt trận ngoại giao và đấu tranh trên chiến trường miền Nam. Vào thời điểm 1968-1973, chúng ta đã mở nhiều đợt tấn công vào tận sào huyệt của quân Mỹ mà mở đầu là Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân- từ cuộc Tổng tiến công này, một số lượng lớn quân Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Rôi trong các năm từ 1970- 1972, ngay trước ngày ký kết Hiệp định Paris chúng ta còn có chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào; cuộc tiến công chiến lược năm 1972 với Trị Thiên là hướng tiến công chủ yếu. Đông Nam bộ và Tây Nguyên là hướng tiến công chủ yếu. Nhưng đỉnh điểm có lẽ chính là cuộc tập kích kích bằng B52 do chính quân Mỹ khơi mào để rồi chính họ lại nhận về quả đắng khi phải chịu thua trên bầu trời Thủ đô. Chính những trận đánh dồn dập ấy đã khiến người Mỹ nao núng trên chiến trường miền Nam và tác động tới thành công trên bàn đàm phán Paris. Có lẽ cũng vì lý do ấy mà giai đoạn đàm phán Paris được xem như giai đoạn vừa đánh vừa đàm rất đặc biệt trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của ta.
Chia sẻ những câu chuyện về Hiệp định Paris, nhà ngoại giao kỳ cựu, Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh- người đã tham gia đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1968-1973 nhìn nhận: “Từ khi bắt đầu chống Mỹ ta đã nhiều lần tính đến việc giành thắng lợi quyết định; nhưng phải đến Hiệp định Paris- tổng hòa thắng lợi quân sự, chính trị, ngoại giao, ta mới buộc được Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân. Đó là thắng lợi mở đường đi tới toàn thắng mùa Xuân 1975”.
Nhớ về những ngày đàm phán Hiệp định Paris tại ngôi nhà trên đại lộ Kleber, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khi ấy là Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhận định: Trong quá trình đàm phán mấy năm đó, hoạt động ngoại giao bám chặt diễn biến trên chiến trường, phát huy thắng lợi của quân ta, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn cũng như tội ác của đối phương.
Cũng phải nói thêm rằng, vào thời điểm diễn ra đàm phán Paris, Việt Nam là một nước nhỏ bé; một nửa nước đang bị quân Mỹ chiếm đóng. Nền ngoại giao của Việt Nam cũng còn rất non nớt nhưng không vì thế mà chúng ta chịu lép vế. Ngay tại bàn đàm phán Paris, chúng ta đã đưa ra giải pháp toàn bộ gồm 10 điểm để chấm dứt chiến tranh và giải quyết vấn đề chính trị ở miền Nam (tháng 5 năm 1969); Kế hoạch 8 điểm (tháng 9/1970). Đến khi có khả năng đi vào thương lượng thực chất ta đưa ra giải pháp 7 điểm (tháng 7/1971) và sau đó là 2 điểm nói thêm (tháng 2/1972). Có thể nói đó là những cuộc “tấn công” trên mặt trận ngoại giao có tính toán kỹ lưỡng về chiến lược từ những nội dung cơ bản của mỗi lần nêu sáng kiến cho đến tính thời điểm có kết hợp với cuộc đấu tranh trên thực địa tại quê hương. Điều đó đã đẩy đối phương vào thế bị động trên bàn đàm phán. Đặc biệt, trong giai đoạn “nước rút” của đàm phán Paris, chúng ta cũng đã thể hiện được sách lược rõ ràng và quan trọng khi đề nghị tạm gác vấn đề chính trị ở miền Nam cùng với việc tập trung đòi Mỹ phải rút quân.
Nói đến một số trong vô vàn những câu chuyện, những chi tiết sống động của cuộc đàm phán lịch sử chưa thể thấy hết nỗ lực của những người lính trên chiến trường và những người lính trên mặt trận ngoại giao năm ấy. Nhưng có lẽ, điều mà các nhà nghiên cứu dễ dàng thừa nhận đó là: Hiệp định Paris là một thắng lợi to lớn trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đấu tranh cho độc lập dân tộc thống nhất nước nhà; dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và nhận được sự ủng hộ của nhân dân thế giới, trọng đó có cả nhân dân Mỹ. Thắng lợi này vì thế mang tính chất thời đại và là sự thể hiện mẫu mực phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh quốc gia với sức mạnh quốc tế; sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao;giữa chiến lược và sách lược thắng lợi trên chiến trường quyết định thắng lợi trên mặt trận đàm phán và việc ngoại giao hỗ trợ trực tiếp và đắc lực cho đấu tranh quân sự.
Nhà ngoại giao Võ Văn Sung- người từng tham gia chuẩn bị cho quá trình đấu tranh ngoại giao tại Hiệp định Paris thì nhấn mạnh: Chỉ ở Việt Nam vào thời đại Hồ Chí Minh mới có một cuộc “vừa đánh vừa đàm” nổi tiếng, trong đó quân sự và ngoại giao hợp đồng với nhau dẫn đến một sự trùng lặp kỳ tác của lịch sử. Ý ông Sung muốn nhắc đến sau trận điện Biên Phủ mặt đất ta có Hiệp định Geneve với người Pháp; còn sau trận Điện Biên Phủ trên không chúng ta có Hiệp định Paris với người Mỹ. Một thì mang lại hòa bình cho toàn miền Bắc; còn một khác thì mang lại độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ cho nhân dân Việt Nam.
Từ thành công của Hiệp định Paris, có thể thấy những bài học không bao giờ cũ. Một quốc gia dù nhỏ yếu nhưng với chính nghĩa và quyết tâm chiến đấu vì độc lập tự do cho dân tộc mình, dân tộc ấy sẽ chiến thắng bất kỳ lực lượng xâm lược nào. Và, Hiệp định Paris vì thế đã trở thành niềm cổ vũ lớn lao, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do, hòa bình và công lý.