Ngành 'hot' vẫn khát nhân lực

Phương Linh 29/01/2018 08:35

Logistics bao gồm việc quản lý các hoạt động từ khâu mua nguyên vật liệu đến khâu đưa nguyên vật liệu vào sản xuất, đưa thành phẩm đến tay người tiêu dùng. Công việc này góp phần đảm bảo hàng hoá đến tay người tiêu dùng có chất lượng và giá tốt nhất. Điều đáng nói, cho đến nay Logistics tuy là một ngành học “hot”, nhưng vẫn khan hiếm nhân lực.

Ngành 'hot' vẫn khát nhân lực

Logistics rất phù hợp với những bạn trẻ hướng ngoại.

Logistics - ngành học đầy hấp dẫn khối kinh tế

Ở miền Bắc, ĐH Thủ đô Hà Nội là trường duy nhất được Bộ GD&ĐT giao thí điểm đào tạo chính quy ngành Logistics từ năm 2016. Theo ông Đào Trường Thành- Phó Trưởng khoa Kinh tế và Đô thị, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, “Logistics là một trong những ngành nghề “hot” nhất hiện nay. Theo kết quả khảo sát, từ nay đến năm 2020, riêng TP Hà Nội cần tới 400.000 nhân lực chất lượng cao ngành Logistics”.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân dù đào tạo Logistics hơn chục năm vẫn chưa mở ngành riêng. Trong khi đó, các doanh nghiệp không ngừng tìm kiếm nguồn sinh viên tiềm năng trong ngành này. “Hiện nay nhiều công ty Logistics xuống khoa Quản trị kinh doanh làm việc, mong muốn kết nối. Có công ty sẵn sàng trả học phí trong 2-3 năm với điều kiện sinh viên làm việc 15-20h/tuần tại doanh nghiệp. Điều đó cho thấy nhu cầu của các doanh nghiệp rất lớn. Nhu cầu hiện nay về nhân sự ở mảng Logistics nhiều mà đào tạo thì chưa đến 50%”- ông Trần Mạnh Linh, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh – Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết.

Trong năm 2018, Trường ĐH Ngoại thương bắt đầu mở chuyên ngành Logistics, mặc dù môn học này đã manh nha từ những năm đầu thành lập trường. Theo PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương- Phó trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, nhà trường sẽ tuyển 50 chỉ tiêu ở miền Bắc và 50 chỉ tiêu ở miền Nam cho chuyên ngành Logistics trong năm đầu tuyển sinh.

Cũng theo PGS Hương, nội dung của Logistics rất rộng nên cơ hội nghề nghiệp rất lớn, không chỉ giới hạn trong phạm vi doanh nghiệp mà còn liên quan tới các cơ quan bộ, ngành. Ngoài vị trí việc làm truyền thống như chuyên viên xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, chuyên viên phụ trách kinh doanh trong thương mại quốc tế, vận tải ngoại thương hay quản trị kho hàng, những việc làm mới cũng xuất hiện trong thời gian gần đây như phụ trách chuỗi cung ứng hay chuyên viên phụ trách vấn đề tối ưu hóa của doanh nghiệp… Nếu như người học hoặc sau này đi làm mà thấy mình ham học hỏi hiểu biết thì đó là một sân rất rộng để mày mò tìm hiểu tiếp.

Trong tiến trình gia nhập vào Tổ chức thương mại thế giới WTO, một trong những cam kết mà Việt Nam phải tuân thủ đó là “Hiệp định tạo thuận lợi thương mại” TFA. Trong hiệp định TFA có rất nhiều phần chuyên môn liên quan tới chuỗi cung ứng logistics, làm sao nhà hoạch định chính sách hay nhà quản lý vĩ mô phải đưa ra những chính sách tạo thuận lợi cho thương mại và phù hợp với cam kết của Việt Nam. Nếu sinh viên trong trường ĐH mà không được cung cấp kiến thức nền thì sẽ không xử lý được vấn đề đó. Đây cũng là những cơ hội nghề nghiệp mang tính vĩ mô như làm việc ở các Bộ, Sở như Giao thông vận tải, Công thương, Kế hoạch đầu tư… hoặc UBND các tỉnh mắt xích về quản lý vĩ mô”- PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương cho hay.

Logistics được đào tạo như thế nào?

Ông Đào Trường Thành cho biết, hiện nay, ngành Logistics của trường có thời lượng thực hành rất lớn. Sinh viên được trải nghiệm thực tế từ năm thứ 3, 4, thậm chí ngay năm học đầu tiên sinh viên đã được đi đến doanh nghiệp. Cùng với tiếng Anh nhà trường còn đào tạo ngôn ngữ Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngoài việc được trang bị kỹ năng nghề nghiệp, thương mại, quản trịkinh doanh, sinh viên còn được đào tạo nghiệp vụ hải quan, thuế, kho bãi để ra trường có thể làm việc được ngay…

Trường ĐH Ngoại thương dự kiến, ngành Logistics sẽ có nhiều điểm mới trong chương trình đào tạo. Điểm mới thứ nhất là có sự phối hợp giảng dạy giữa giảng viên ĐH Ngoại thương và các chuyên gia. Một môn học 45 giờ thì giảng viên ĐH Ngoại thương sẽ đảm nhận 30 – 33 giờ còn lại là giờ của doanh nghiệp hoặc các cơ quan Bộ, ngành.

Trong một nhóm sinh viên (4-5 người) sẽ được một giảng viên hướng dẫn từ năm 2 đến hết trong thời gian học để sinh viên tiếp xúc sớm hơn với môi trường doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước. Các giờ tham quan thực tế được mở rộng, không chỉ giới hạn 1 ngày mà có thể kéo dài 2, 3 thậm chí 4 ngày. “Chúng tôi có thể cho sinh viên tham quan các địa điểm trong khu vực, ví dụ như Singapore, Malaixia, Thái Lan vì trong khu vực có những nơi làm Logistics rất tốt”- PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương chia sẻ.

Một điểm hấp dẫn phải kể tới là sinh viên có cơ hội nhận được một số chứng chỉ quốc tế, cụ thể là chứng chỉ của Liên đoàn các hiệp hội giao nhận quốc tếFIATA. Đây là cơ hội tốt cho sinh viên vì chứng chỉ này được công nhận toàn cầu, sinh viên không chỉ làm việc ở Việt Nam mà có thể làm việc ở các nước và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới.

Sinh viên cần có tố chất gì?

Nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy bộ môn Logistics, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương cho rằng, sinh viên phải thực sự cầu thị và ham học hỏi. Logistics rất phù hợp với những bạn trẻ hướng ngoại. Tuy nhiên, đây không phải yếu tố quyết định bởi ngành học này có nhiều vị trí việc làm khác nhau. Mặc dù vậy, trong điều kiện hội nhập hiện nay nếu không có ý chí thì rất khó để có một vị trí việc làm tốt, cứ làm thì sẽ thấy tính mở trong ngành này rất rộng nên các bạn sẽ không cảm thấy nhàm chán”- PGS Hương đưa ra lời khuyên cho sinh viên.

Còn Th.S Trần Mạnh Linh thì cho rằng, cùng với việc trau dồi vốn kiến thức, sinh viên cần chú trọng tới ngoại ngữ. Công việc này liên quan nhiều đến xuất nhập khẩu nên không thể không tích cực tìm hiểu về những biến động của thị trường hiện nay.

Phương Linh