Các bên lạc quan về vòng 6 tái đàm phán Hiệp định NAFTA
Càng về những ngày cuối, vòng 6 tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang diễn ra ở thành phố Montreal, Canada, càng xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan về khả năng các bên sẽ đạt được bước tiến lớn trong những vấn đề quan trọng.
(Nguồn: AFP).
Theo đánh giá của các nguồn tin tại hội nghị, đây là vòng tái đàm phán đem lại nhiều hy vọng nhất từ trước tới nay và hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho việc duy trì, thay vì phá vỡ, hiệp định thương mại 24 năm tuổi này.
Tính đến ngày áp chót của vòng đàm phán 28/1, tín hiệu tích cực nhất là các đại biểu của ba nước Mexico, Mỹ và Canada đã cùng xem xét và thảo luận nghiêm túc về những vấn đề gây tranh cãi nhất, điều mà họ đã không thể làm được trong những vòng đàm phán trước. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về những vấn đề gai góc mới chỉ bắt đầu và chưa có một chủ đề nào được hoàn tất.
Một số chủ đề khác biệt khác như quản lý nguồn cung và chuỗi cung ứng trong ngành trứng, sữa; hay cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại trong Chương 19 vẫn chưa được các bên đề cập. Mặc dù vậy, việc các bên bình tĩnh lắng nghe quan điểm của nhau, thay vì đe dọa và khăng khăng đổ lỗi cho nhau như trước đây, đã là một bước tiến không thể phủ nhận.
Nghị sỹ Mỹ Bill Pascrell thuộc Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Mỹ cho biết ông cảm thấy lạc quan hơn so với sáu tháng trước, đồng thời nhấn mạnh đã đến lúc NAFTA cần có sự thỏa thuận lại với nhau để đảm bảo lợi ích cho các bên tham gia, không chỉ về thương mại mà còn về tất cả các vấn đề khác.
Hạ nghị sỹ đến từ bang New Jersey này cũng cho rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump có thể đã sai khi tuyên bố không cần NAFTA. Trong khi đó, nghị sỹ Sander Levin cho rằng "không có bất kỳ lý do gì để Mỹ rời bàn đàm phán vào thời điểm này, trừ khi bị đẩy vào thế rất xấu,” đồng thời bày tỏ tin tưởng các bên sẽ tiếp tục thảo luận những đề xuất mới của Canada. Tuy bày tỏ lạc quan nhưng cả hai nghị sỹ này đều cho rằng các tiêu chuẩn lao động của Mexico là một trở ngại cho các cuộc đàm phán.
Trước đó, để tạo cú hích cho vòng đàm phán này, nước chủ nhà Canada đã đưa ra những “sáng kiến linh hoạt” liên quan đến cách tính tỷ lệ nội địa hóa ôtô, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư quy định trong Chương 11 và “điều khoản hoàng hôn” cho phép NAFTA tự động hết hạn sau 5 năm trừ khi ba nước cùng nhất trí tiếp tục kéo dài. Theo đó, các nước sẽ tính thêm chi phí về nghiên cứu và phát triển (D&R) và quyền sở hữu trí tuệ trong tỷ lệ nội địa hóa ôtô Bắc Mỹ, vốn đều là những thế mạnh của Mỹ.
Ngoài ra, Canada cũng gợi ý cải tiến cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư theo hướng tăng thêm quyền lợi cho các nước tham gia và cho phép Mỹ rút khỏi cơ chế này nếu muốn.
Ngoài việc thảo luận những vấn đề chính, một tín hiệu tích cực khác tại vòng 6 tái đàm phán NAFTA là các bên đã đàm phán và khép lại Chương về chống tham nhũng; đồng thời nhất trí sẽ tiến hành các vòng đàm phán tiếp theo ở thủ đô của Mexico và Mỹ trong hai tháng tới, tăng một vòng so với kế hoạch ban đầu.
Trước khi vòng đàm phán này diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chính thức khởi động tiến trình pháp lý 60 ngày để rút khỏi NAFTA nếu bầu không khí bi quan vẫn tiếp tục bao trùm. Tuy nhiên, các bên đang rất nỗ lực thẳng thắn thảo luận với nhau về những vấn đề gai góc nhất nhằm tránh nguy cơ phá vỡ thoả thuận thương mại duy nhất trong khu vực vốn đã gắn kết chặt chẽ các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và giúp tạo ra hàng chục triệu việc làm ở cả ba nước.
Dự kiến, trong ngày 29/1 sẽ có cuộc họp báo chung giữa Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo để thông báo về các bước đi tiếp theo.