Hỗ trợ vốn cho thanh niên xung phong phát triển kinh tế
Theo Bộ Nội vụ, sau 7 năm thực hiện Nghị định số 12/2011/NĐ-CP (Nghị định 12) đã phát huy được vai trò của thanh niên xung phong trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, trật tự an toàn giao thông, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Tuy nhiên, do thiếu cơ chế phối hợp trong việc triển khai Nghị định 12 nên việc tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi để sản xuất theo quy định của Nghị định gặp nhiều khó khăn. Mặt khác công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị định ở một số địa phương chưa thực sự thường xuyên, liên tục. Thẩm quyền thành lập, quản lý các đơn vị thanh niên xung phong tại địa phương chưa rõ nét, dẫn đến lúng túng trong công tác cán bộ và giải quyết chế độ, chính sách.
Mô hình hoạt động của các đơn vị thanh niên xung phong như làng thanh niên lập nghiệp, doanh nghiệp của thanh niên xung phong… chưa thật sự phù hợp. Đáng chú ý, quy định của Nhà nước và của các địa phương về chế độ, chính sách tiền lương cho thanh niên xung phong còn hạn chế nên chưa thu hút được thanh niên, trí thức trẻ có trình độ tham gia, phục vụ lâu dài tại các đơn vị thanh niên xung phong.
Còn thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên, đơn vị chủ quản và các đơn vị liên quan trong việc quản lý đất đai, hỗ trợ vốn, chuyển giao công nghệ… đối với đơn vị thanh niên xung phong. Việc tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi để sản xuất theo quy định của Nghị định gặp nhiều khó khăn. Do vậy, vai trò của đơn vị thanh niên xung phong đối với các hộ đội viên thanh niên xung phong bị giảm sút.
Tại Hội thảo góp ý kiến cho dự thảo Nghị định 12 do Bộ Nội vụ tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, để khắc phục những hạn chế trên cũng như tạo điều kiện để thanh niên xung phong dễ dàng tiếp cận vốn, Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định này cho phù hợp với tình hình thực tiễn đồng thời cần bổ sung quy định về phụ cấp đối với đơn vị không bố trí được biên chế, cán bộ phải hoạt động kiêm nhiệm nhằm nâng cao trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ này; bổ sung chính sách cho đội viên là hộ gia đình được tuyển chọn phát triển sản xuất từ giai đoạn đầu thành lập được vay vốn tín dụng ưu đãi; nghiên cứu quy định chính sách đối với thanh niên xung phong tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại vùng khó khăn.