50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Vành đai lửa - lộ Vòng Cung

Lê Quốc Khánh (ghi ) 31/01/2018 09:40

Xuân Mậu Tuất này là tròn 50 năm diễn ra sự kiện Tết Mậu Thân 1868 - cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa và nổi dậy của quân và dân trên hầu hết lãnh thổ miền Nam. Toàn bộ các hoạt động chiến đấu ở miền Nam từ đêm giao thừa Tết Mậu Thân kéo dài cho tới hết năm 1968 (trên 300 ngày) trong đó có 3 đợt tấn công cao trào: Đợt 1: từ 30/1 đến 28/3; Đợt 2: từ 5/5 đến 15/6; Đợt 3: từ 17/8 đến 30/9/1968.

50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Vành đai lửa - lộ Vòng Cung

Quân và dân tấn công ở mặt trận Tây Ninh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. (Ảnh: Tư liệu).

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến tại Việt Nam buộc Mỹ phải chuyển chiến lược quân sự, ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris, góp phần mang đến Đại thắng mùa Xuân 1975.

Nhắc đến trận đánh Tết Mậu Thân, người dân miền Tây Nam Bộ khắc ghi cung đường hết sức ác liệt: Lộ Vòng Cung, còn được gọi là “vành đai lửa” để tiến vào Cần Thơ, thủ phủ của Vùng 4 chiến thuật.

Giờ đây, những nhân chứng lịch sử trong trận tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân thật là hiếm hoi. Tất cả đều ở tuổi hơn thất thập cổ lai hy.

Ấy vậy mà khi trò chuyện về những ký ức của những ngày chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, cách đây 50 năm, những nhân chứng lịch sử kể lại hết sức sôi nổi, nói vanh vách như chuyện xảy ra mới hôm nào.

Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,Thượng tá Nguyễn Thị Vân, nguyên trung đội phó biệt động thành phố trực tiếp tham gia chiến đấu, phối hợp với đơn vị Đoàn 8 Đặc công Quân khu 9 trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

Chị Vân kể lại: Nhiệm vụ của biệt động thành trước tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là phải xây dựng cơ sở quần chúng để nuôi chứa lực lượng của biệt động khi vào bám trụ, chiến đấu trong nội thành.

Chỉ trong thời gian ngắn. lực lượng biệt động thành đã tổ chức được nhiều cơ sở trong nội thành, xây dựng hầm bí mật để nuôi chứa cán bộ và cất giấu vũ khí phục vụ cho tổng tiến công.

Lực lượng phải điều nghiên kỹ những căn cứ của địch như: Sân bay, cư xá Mỹ, kho tàng, các nhà hàng, qui luật đi lại của sĩ quan Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ của đơn vị của tôi gồm 3 người được giao đảm nhiệm đưa 5 tấn vũ khí từ Cà Mau vào nội ô Cần Thơ trước Tết Mậu Thân bằng đường thủy. Thế nhưng, có một người đã bỏ ngũ vì thấy quá nguy hiểm nên còn lại tôi và em Thái 12 tuổi.

"Tôi xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng bởi đoạn đường sông từ Cà Mau lên Cần Thơ cự ly hơn 180 km nhưng qua biết bao nhiêu chi khu, đồn bót địch mà đồn bót nào cũng xét hết sức gắt gao. Tôi dùng ghe bầu trọng tải 300 giạ lúa, ngụy trang chở lá lợp nhà chất đầy ghe, sẵn sàng phương án dùng mìn gài ở đầu mũi ghe để cho nổ tung ghe khi bị lộ, nhất quyết không để vũ khí lọt vào tay địch. Có lần, địch xốc đống lá gần tới đáy nơi chứa vũ khí nhưng may thay, chúng không xốc tiếp và cho đi. Sau 3 ngày vượt nguy hiểm, 5 tấn vũ khí đã được chuyển vào lộ Vòng Cung an toàn. Đêm giao thừa 30/1/1968, đơn vị của tôi được phân công cùng Đoàn 8 đánh vào các cứ điểm: Đài phát thanh, Dinh Tỉnh trưởng Cần Thơ, trại Lê Lợi, Trung tâm nhập ngũ số 4, căn cứ hải quân và phá khám lớn Cần Thơ đảm bảo cho anh em tù chính trị cùng nổi dậy, diệt ác, giải phóng thành phố. Trong những ngày chiến đấu trong nội thành, địa điểm nhà nghỉ Nam Phương là địa điểm bám trụ của các lực lượng nên địch tạp trung hỏa lực và lực lượng tiêu diệt. Lực lượng của ta còn quá ít, không thể mở rộng trận địa được. Tôi cùng anh em bị kẹt trong nhà nghỉ Phương Nam. Cuối cùng, anh em quyết định cho tôi ra hợp pháp bằng cách theo bà chủ và con gái bà chủ nhà nghỉ Phương Nam. Ngay sau đó, địch dùng hỏa lực mạnh có trực thăng yểm trợ đổ xăng đốt cháy tất cả anh em rồi hốt xác đem quăng xuống hồ Xáng Thổi gần đó.Thoát được vòng vây địch, tôi tìm đến với các đơn vị còn đang chiến đấu trong nội thành, được giao nhiệm vụ chuyển số tử thương và anh em bị thương đến đội phẫu thuật tiền phương. Những ngày sau đó, do địch phản công mạnh, các lực lượng được lệnh rút ra vùng ven để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho đợt tấn công thứ hai vào tháng 5/1968”- bà Vân nói.

Ông Nguyễn Hà Phan, nguyên Trưởng ban Binh vận chiến dịch Mậu Thân 1968 nhấn mạnh: Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là sức mạnh của lòng dân với cách mạng và ý chí chiến đấu kiên cường của bộ đội ta.

Thời điểm Tết Mậu Thân 1968, trước giờ G đêm giao thừa, các lực lượng của quân khu, tỉnh Cần Thơ, dân quân du kích và biệt động thành với súng ống, hậu cần, quân y, có đến hàng vạn người đã ém sát Vòng Cung sẵn sàng nổ súng vào thời khắc giao thừa.

Một số đã vào được các phường ở nội thành, trú ẩn cả trong những gia đình có con em phải đi lính, cầm súng Mỹ nhưng lại là “súng Mỹ, lòng ta”. Tất cả đều hòa vào trào lưu chuẩn bi đánh địch đón Tết.

Mặt trận và các đoàn thể ráo riết vận động các gia đình một mặt lo dọn dẹp nhà cửa cúng ông bà, đón giao thừa, mặt khác lo cho bộ đội ăn ở, giúp chỉ dẫn các vị trí địch đóng quân, những tên ác ôn cần tiêu diệt đồng thời giúp lo vận chuyển vũ khí, đưa quân vào nội thành.

Phải nói rằng, trên tuyến lộ Vòng Cung, đồn bót địch đóng dày đặc.

Thậm chí căn cứ lõm cũng không còn bởi đây là con đường huyết mạch vào Cần Thơ, nơi được gọi là thủ phủ của miền Tây Nam Bộ, có các cơ quan đầu não của chính quyền Saigon và Mỹ như: Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 và Vùng 4 chiến thuật; căn cứ hải quân; Tòa lãnh sự Mỹ; Sở chỉ huy Tiểu khu Phong Dinh; sân bay Lộ Tẻ; sân bay Trà Nóc; các sư đòan tinh nhuệ của quân đội Saigon như Sư đoàn 21, Sư đoàn 9; Liên đoàn biệt động quân cùng hàng chục tiểu đoàn bảo an, biệt kích, thám báo…

Những ngày trước Tết Mậu Thân, địch hành quân lùng sục, bắn pháo, rải bom kết hợp với mở các đợt hành quân lừa bắt, khủng bố tinh thần các gia đình và cán bộ cách mạng vùng nông thôn và vùng giải phóng.

Bất cứ nơi nào chúng nghị có lực lượng cách mạng là chúng hành quân, bắn pháo, cho máy bay bắn phá vô tội vạ.

Lộ Vòng Cung trở thành con đường tranh chấp ác liệt giữa ta và địch. Lực lượng của cách mạng vào đến Vòng Cung được nhân dân các xã An Bình, Long Tuyền, Mỹ Khánh, Giai Xuân, Nhơn Ái, Tân Thới, Thới An Đông, thị trấn Phong Điền và cả Phước Thới đùm bọc, chở che, nuôi nấng bảo đảm giữ vững phong trào cách mạng cho cả nội thành và vùng ven trong đó Đảng bộ và nhân dân xã An Bình trở thành hậu phương lớn để cán bộ, bộ đội bám trụ và tiến công vào nội ô Cần Thơ. Chỉ riêng xã An Bình có 205 gia đình nuôi chứa bộ đội, cán bộ dưới hầm bí mật trong nhà.

Chết chóc, tù đày, bị tra tấn, khủng bố nhưng người dân An Bình vẫn một lòng với cách mạng, không một ngày ly hương. Nơi đây còn là nôi của biệt động thành, nơi sản sinh ra đơn vị 823 biệt động từ những du kích xã.

Phải nói rằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, cả hai phía đều bị thiệt hại nặng nhưng quân Mỹ cũng không thể bình định được các vùng nông thôn miền Nam.

Đây là bước đột phá lớn trong chiến tranh nhân dân. Quân Giải phóng đã hoàn thành một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra là “Đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn thương lượng.

Đại tá Khưu Ngọc Bảy, năm nay tròn 80 tuổi. Thời điểm năm 1968, ông là đại đội trưởng đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 962, còn được gọi là H52. Đại đội 1 của ông Khưu Ngọc Bảy được giao nhiệm vụ bảo vệ hành lang Lộ Vòng Cung trong 2 năm 1968-1969 được Bộ tư lệnh Quân khu 9 nhận xét: “Tiểu đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, bám trụ vững chắc phục vụ tốt cho các lực lượng của Quân khu hoạt động có hiệu quả hướng Bình Thủy - Trà Nóc”.

Từ chiến trường Cà Mau, vốn là cán bộ của một trong 3 bến chính trong hệ thống đường vận tải chiến lược của đường Hồ Chí Minh trên biển Đông tiếp viện lực lượng, vũ khí, hậu cần vào chiến trường Tây Nam Bộ, đại đội 1 do ông Khưu Ngọc Bảy làm đại đội trưởng được Quân khu điều động lên mặt trận Cần Thơ hình thành tiểu đoàn 962, mật danh H52 tham gia trên mặt trận lộ Vòng Cung trong 2 năm 1968-1969.

Khó khăn của Tiểu đoàn là chiên đấu ở địa hình mới, tình huống diễn biến phức tạp và sau đó lại được giao nhiệm vụ bám trụ trong và ngoài lộ Vòng Cung.

Thế nhưng đơn vị đã gắn kết với Đảng bộ và quân dân ở địa phương xây dựng thế trận lòng dân, được nhân dân ở các địa bàn đóng quân như: Định Môn, Trường Lạc, Tân Thới, Giai Xuân, Long Tuyền,… đùm bọc, nuôi nấng, bảo vệ, nhờ đó giữ vững địa bàn, bảo vệ an toàn từ ngoài Lộ Vòng Cung đến các xã, phường nội ô của thị xã Cần Thơ.

Qua 420 ngày đêm bám trụ trên tuyến hành lang lộ Vòng Cung, Tiểu đòan đã cùng với du kích địa phương tham gia đánh địch 115 trận trong đó có 45 trận, Tiểu đoàn 962 chủ động tấn công địch, nổi bật có trận ở Trái Bầu – Trà An, xã Định Môn; trận đánh ở Ngã Cạy; trận đánh ở cầu Xẻo Cui; trận đánh ở vàm Rạch Súc, xã Long Tuyền;… gây cho địch tổn thất nặng nề góp phần giữ vững địa bàn.

Đứng chân trên địa bàn Lộ Vòng Cung, đơn vị đã đưa 50 đoàn cán bộ của Quân khu vào hoạt động trong lòng địch trong đó 4 lần dẫn đường và bảo vệ trận địa súng cối 120 ly của pháo binh Quân khu pháo kích vào sân bay Trà Nóc và đánh vào cụm pháo binh của địch ở Bình Thủy.

Nói về những ký ức chiến đấu bên hành lang lộ Vòng Cung, ông Khưu Ngọc Bảy bộc bạch: Tuyến lửa Vòng Cung là nơi thử thách lớn nhất, ác liệt nhất so với sức chịu đựng của con người. Ai đã vượt qua được cuộc chiến đấu máu lửa ở Lộ Vòng Cung thì đủ sức vượt qua những khó khăn lớn của cuộc đời!

Ngày 30/1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum tổ chức tọa đàm “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Nguyên nhân thắng lợi và bài học lịch sử”.

Vào thời điểm Xuân Mậu Thân 1968, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Tỉnh ủy Kon Tum đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh cùng với nhân dân toàn miền Nam tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy với tinh thần quyết chiến, quyết thắng.

Đêm 29 rạng sáng ngày 30/1/1968, quân và dân Kon Tum đã nổ súng tấn công vào các trung tâm đầu não của địch ở thị xã Kon Tum và huyện Đác Tô, Đác Giây. Các lực lượng của tỉnh đã đánh chiếm và làm chủ được 2/3 thị xã Kon Tum, trong đó có các khu vực quan trọng như: Tòa hành chính, ty cảnh sát ngụy, Tiểu khu Kon Tum và Sân bay Kon Tum, tiêu diệt 1.800 tên địch, phá hủy 260 xe quân sự, 26 máy bay và nhiều kho tàng đạn dược.

Tại buổi tọa đàm, các ý kiến trao đổi tiếp tục khẳng định và làm sáng tỏ thêm những vấn đề về chủ trương và quyết tâm chiến lược của Đảng mở cuộc tiến công và nổi dậy; quá trình chuẩn bị mọi mặt của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam nói chung và mặt trận Bắc Tây Nguyên nói riêng; diễn biến; kết quả; nguyên nhân thắng lợi và bài học kinh nghiệm từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

R.C.Kim

Lê Quốc Khánh (ghi )