Thừa Thiên - Huế: Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới
Ngay từ đầu năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Tuổi trẻ Thừa Thiên - Huế xung kích tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh T.L.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng đề án “Mỗi xã mỗi sản phẩm” nhằm đạt tiêu chí về nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh khuyến khích, thu hút đầu tư trong lĩnh vực môi trường. Sở Công thương, Sở Xây dựng, Sở Y tế, Sở Văn hóa và Thể thao theo chức năng nhiệm vụ, chủ trì nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách linh hoạt trong thực hiện các tiêu chí về xây dựng các thiết chế ở nông thôn như: Chợ liên xã, nghĩa trang liên xã, trạm xá liên xã, nhà văn hóa liên xã, liên thôn... để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư, phát huy hiệu quả các thiết chế nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch vận động các doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho người dân từ sản xuất đến chế biến, sử dụng.
UBND các huyện, thị xã tập trung chỉ đạo khắc phục các tồn tại, hạn chế, huy động và bố trí các nguồn lực để giữ vững và nâng chất lượng tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn và hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu chương trình đã đề ra. Đồng thời giao nhiệm vụ cho các đoàn thể chính trị cấp huyện, thị xã tham gia xây dựng nông thôn mới theo hướng mỗi đoàn thể được giao và chịu trách nhiệm về nội dung, tiêu chí cụ thể gắn với địa bàn được phân công phụ trách. Mặt khác, tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới đặc biệt là tại các địa phương có số nợ đọng cao.
Trước mắt, Thừa Thiên - Huế vừa tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, vừa tập trung khắc phục tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến thời điểm hiện tại, số nợ đọng xây dựng cơ bản chương trình nông thôn mới toàn tỉnh là 83 tỷ đồng; trong đó, phần ngân sách Trung ương và tỉnh là 15,5 tỷ đồng, phần còn lại 68 tỷ đồng là ngân sách huyện, xã.
Nguyên nhân nợ đọng do một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới quá cao so với thực tế trong khi nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách hàng năm phân bổ trực tiếp cho chương trình xây dựng nông thôn mới còn hạn chế nên đã tạo áp lực các xã phấn đấu đạt chuẩn. Bên cạnh đó, vốn đối ứng địa phương phải bỏ ra kinh phí nâng cấp, giải phóng mặt bằng khoảng từ 10-30% tổng mức đầu tư công trình cũng làm nợ vốn đối ứng của cấp huyện, xã tăng lên.
Khắc phục và hạn chế tình trạng nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Trung ương, năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục triển khai nghiêm túc việc giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản chương trình nông thôn mới đảm bảo nguyên tắc thứ tự ưu tiên: Bố trí thanh toán cho các dự án hoàn thành đã quyết toán và các dự án đã hoàn thành, các dự án chuyển tiếp, còn lại mới bố trí vốn cho các dự án mới.