Lễ hội đền Trần: Ghi hình, xử lý cán bộ, đảng viên có hành vi phản cảm
Đó là một trong những biện pháp chính quyền TP Nam Định sẽ áp dụng tại Lễ hội Khai Ấn đền Trần xuân Mậu Tuất 2018, nhằm ngăn chặn những hành vi phản cảm thường diễn ra tại lễ hội này. Thông tin được đại diện chính quyền địa phương đưa ra tại cuộc họp báo do UBND thành phố Nam Định tổ chức chiều ngày 1/2.
Bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND TP.Nam Định thông tin tại buổi họp báo.
Chủ trì, thông tin tại buổi họp báo, bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Nam Định, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Khai Ấn đền Trần cho biết: năm nay kế hoạch tổ chức, nội dung Lễ hội Khai Ấn đền Trần không có gì thay đổi so với mọi năm.
Nhìn từ lễ hội năm 2017, đại diện chính quyền thành phố nhìn nhận công tác tổ chức lễ hội vốn thu hút sự quan tâm của dư luận này đã tốt hơn.
“Trong điều kiện cùng lúc có mười mấy vạn người tham dự nhưng nhưng không có các sự cố về an ninh, an toàn thực phẩm, cháy nổ là một thành công lớn của địa phương trong khâu tổ chức”, bà Phạm Thị Oanh nhìn nhận.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP. Nam Định thừa nhận cho đến lễ hội năm ngoái, lễ hội Khai Ấn vẫn tái diễn một số việc, hình ảnh lộn xộn, phảm cảm. Trong đó, trong đêm khai ấn, tại sân đền Thiên Trường vẫn tái diễn việc nhiều đại biểu được chính quyền thành phố mời dự lễ hội, trong đó nhiều người là cán bộ, đảng viên, đang công tác tại các cơ quan của trung ương, của tỉnh, của thành phố và của các địa phương khác thực hiện hành vi “hối lộ thánh thần” qua việc vo tròn những đồng tiền rồi ném rào rào lên kiệu ấn khi kiệu được rước qua.
Đặc biệt, sau khi nghi lễ khai Ấn kết thúc, rất nhiều người đã tìm mọi cách từ leo trèo đến đạp cửa để xông bằng được vào phía trong đền Thiên Trường với mục đích cướp được lộc trên các ban thờ, tạo ra hình ảnh vô cùng lộn xộn, phản cảm...
Những hình ảnh phản cảm năm nào cũng tái diễn ở lễ hội Khai Ấn đền Trần.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về biện pháp ngăn chặn những hành vi phản cảm trên, Phó Chủ tịch UBND TP.Nam Định cho biết: ngoài việc tăng cường tuyên truyền để mọi cán bộ, người dân có mặt ở lễ hội nâng cao ý thức, năm nay Ban tổ chức sẽ áp dụng thêm biện pháp lắp camera để ghi hình. “Kết thúc lễ hội, chúng tôi sẽ xem lại camera. Nếu phát hiện cán bộ, đảng viên nào của tỉnh, của thành phố có những hành vi phản cảm như ném tiền lên kiệu Ấn, xông vào đền Thiên Trường cướp lộc chúng tôi sẽ trích xuất, gửi về cơ quan, đơn vị, địa phương của cán bộ, đảng viên đó để thực hiện việc phê bình, xử lý”.
Về việc ngăn chặn dòng người xông vào đền Thiên Trường cướp lộc sau khi nghi lễ khai Ấn kết thúc, cửa chính đền Trần được mở, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho hay năm nay Ban tổ chức vẫn sẽ bố trí lực lượng làm nhiệm vụ “canh” và thu gom đồ thờ trên các ban thờ, để người nào có ý định cướp cũng “không còn gì để cướp”...
Cùng với đó, theo bà Phạm Thị Oanh, năm nay, chính quyền tỉnh và thành phố Nam Định vẫn sẽ chú trọng đặc biệt đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại lễ hội. “Công an tỉnh đã có phương án riêng đảm bảo an ninh. Phía thành phố đã chuẩn bị sẵn các điều kiện để kịp thời xử lý các sự cố về sức khỏe. Chúng tôi cũng đã thành lập các đoàn liên ngành để thực hiện kiểm tra, xử lý các vi phạm về giá dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm, đổi tiền lẻ, người ăn xin, ăn mày...”, bà thông tin.
Liên quan đến việc du khách thường bị “chặt chém” giá trông giữa xe tại lễ hội đền Trần, bà Oanh “đặt hàng” phóng viên và người dân: “Giá dịch vụ trông giữ xe đã được công khai tại các điểm trông giữ. Nếu phóng viên, người dân nào phát hiện ra việc thu cao hơn mức quy định cứ thông tin, phản ánh qua đường dây nóng với chúng tôi. Có thông tin, chúng tôi sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm”.