Đắk Lắk: Thu hút vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng

Nguyễn Tuấn Anh 01/02/2018 20:12

Chiều 1/2, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh cùng hơn 200 doanh nghiệp đại diện cho gần 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn.

Đắk Lắk: Thu hút vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng

Quang cảnh Hội nghị.

Trong năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Nhờ đó, trong năm toàn tỉnh có 919 doanh nghiệp dân doanh thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 8.923 tỷ đồng, tăng 25% số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 148% số vốn đăng ký so với năm 2016, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 6.889 doanh nghiệp, tăng 10,65% so với năm 2016. Bên cạnh đó, trong năm 2017, toàn tỉnh thành lập mới được 61 Hợp tác xã, nâng tổng số Hợp tác xã trên địa bàn đến thời điểm hiện nay lên 199 Hợp tác xã, ba liên hiệp Hợp tác xã và khoảng 5.100 tổ hợp tác.

Với sự nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nên tình hình thu hút đầu tư vào tỉnh có nhiều khởi sắc. Trong năm, tỉnh đã có quyết định chủ trương đầu tư cho 81 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.025 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã tiếp đón và cung cấp thông tin, hướng dẫn thủ tục đầu tư cho hơn 220 nhà đầu tư về môi trường đầu tư, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Phần lớn các doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ, thiếu vốn để đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại; thiếu mặt bằng hoạt động; việc tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách của Nhà nước còn nhiều hạn chế; trên địa bàn thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ cao; cơ sở hạ tầng trên địa bàn còn nhiều yếu kém; thủ tục hành chính còn phiền hà, tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế.

Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng không thể đáp ứng được điều kiện cho vay của các ngân hàng thương mại do không có tài sản thế chấp, phương án sản xuất, kinh doanh thiếu tính khả thi. Giá cho thuê đất còn cao. Tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm do thiếu vốn đầu tư, cơ chế quản lý các cụm công nghiệp chưa thống nhât nên việc thuê đất để xây dựng cơ sở sản xuất chưa được đáp ứng. Vẫn còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp bị các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra nhiều lần trong một năm làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hải Ninh ghi nhận và đánh giá cao các doanh nghiệp đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, tăng thu ngân sách cho tỉnh và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị các cấp, các ngành tăng cường thời gian gặp gỡ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh trên tinh thần “lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và chung tay giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đạt hiệu quả hoạt động tốt nhất”.

Chính quyền các cấp, các sở, ngành trong tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực thu hút đầu tư cũng như các chính sách ưu đãi đầu tư, sản xuất kinh doanh; công khai, minh bạch các quy hoạch, phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách của tỉnh liên quan đến doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Tăng cường giám sát, giáo dục phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức đang công tác tại những bộ phận tiếp nhận, giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp cần hỗ trợ để ngăn ngừa và xử lý nghiêm tất cả trường hợp gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp…

Đối với các doanh nghiệp, doanh nhân cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời mạnh dạn, cởi mở, thẳng thắn, tích cực tham gia trao đổi, hiến kế cho lãnh đạo tỉnh trên tinh thần xây dựng và sự phát triển của tỉnh nhà.

Nguyễn Tuấn Anh