Kiểm soát chặt giá tiêu dùng
“Giá tiêu dùng tháng 1/2018 tăng 0,51%, là mức tăng cao so với cùng kỳ. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt những trung tâm lớn trước mắt chưa tăng các loại giá, phí có liên quan”- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại phiên họp báo diễn ra chiều tối 2/2.
Giá tiêu dùng tháng 1/2018 tăng 0,51%, là mức tăng cao so với cùng kỳ.
Không chủ quan
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, năm 2018 đã đi qua tháng đầu tiên với nhiều tín hiệu vui. Kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 20,9% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,5%. Khách quốc tế đạt trên 1,4 triệu lượt. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng lên gần 15.400 doanh nghiệp. Vốn FDI thực hiện đạt trên 1 tỷ USD, tăng 10,5%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 19 tỷ USD.
“Thủ tướng nhìn nhận, tiếp đà của năm 2017, với sự chỉ đạo chủ động thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực ngay tháng đầu năm 2018. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tăng đến 53,4 điểm, cao nhất ASEAN, cao hơn cả Hàn Quốc, Trung Quốc. Điều này thể hiện niềm tin lớn của người tiêu dùng và xã hội”- ông Mai Tiến Dũng cho biết.
Tuy nhiên, dù đạt được những kết quả như vậy nhưng nền kinh tế vẫn tiềm ẩn những khó khăn như, như tỷ lệ hàng Việt Nam tiêu thụ thấp so với hàng nhập khẩu. Đặc biệt, kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, xuất nhập khẩu/GDP đến 190% nên mọi sự biến động của toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, nhất là những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc… Do đó, không thể lơ là, chủ quan, thỏa mãn với kết quả của tháng 1/2018.
“Tháng 2 là tháng rét đậm rét hại đang diễn ra, đặc biệt là tháng có Tết Nguyên đán, Thủ tướng đề nghị quan tâm hơn nữa đến sức khỏe của nhân dân, đi liền với đó kế hoạch gieo trồng, chăn nuôi trong hoàn cảnh rét đậm, rét hại kéo dài thì cần chỉ đạo thế nào. Đây là việc mà ngành y tế, nông nghiệp... phải có biện pháp xử lý, trả lời sớm nhất. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, giá tiêu dùng tháng 1/2018 tăng 0,51%, là mức tăng cao so với cùng kỳ, đặt ra đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa trong điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế để bảo đảm CPI tăng dưới 4% như mục tiêu đặt ra trong năm nay. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt những trung tâm lớn trước mắt chưa tăng các loại giá, phí có liên quan. Phải quản lý tốt giá cả tiêu dùng với giải pháp cụ thể, căn cơ hơn”- ông Dũng nói.
Xoá bỏ chồng chéo trong quản lý về thực phẩm
Tại phiên họp, Thủ tướng đã ký Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 về điều kiện kinh doanh an toàn thực phẩm, giảm tới 90% sản phẩm hàng hoá phải công bố theo hướng phân cấp cho địa phương, doanh nghiệp tự công bố; xử lý việc quản lý chồng chéo giữa các bộ. “Thay vì một sản phẩm trước đây 3,4 bộ thì nay sẽ không còn sự chồng chéo giữa các bộ, các đơn vị trong bộ. Một sản phẩm socola không còn phải chịu sự kiểm tra quá nhiều giữa các bộ”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ.
Theo tính toán của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Nghị định 15 ra đời sẽ cắt giảm được 2,8 triệu ngày công, tương đương 2.500 tỷ đồng. Nghị định này có hiệu lực từ 2/2. Thủ tướng cũng quán triệt, cấp dưới không được chúc Tết cấp trên. Lãnh đạo Trung ương không được chúc Tết địa phương; nêu cao tinh thần thực hành tiết kiệm dịp Tết, không sử dụng ngân sách, xe công đi lễ hội; Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch được yêu cầu chấn chỉnh các lễ hội dư luận quan tâm.
“Siêu” uỷ ban sẽ quản lý tài sản 5 triệu tỷ đồng
Trả lời câu hỏi về mô hình hoạt động của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước sẽ ra sao, khác gì với mô hình Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ông Nguyễn Thế Phương- Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thủ tướng đã có Quyết định 66 ngày 15/1 về Tổ công tác thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Tổ trưởng. Bộ Nội vụ đã báo cáo Chính phủ dự thảo Nghị quyết thành lập Uỷ ban, các thành viên Chính phủ nhất trí thông qua Nghị quyết này; dự kiến sẽ thông qua Nghị quyết chức năng của Uỷ ban vào quý II/2018. Mô hình Uỷ ban là quản lý tổng thể các tài sản, khoảng 5 triệu tỷ đồng, là định chế bao trùm và sẽ có văn bản quy phạm pháp luật để hiện thực hoá hoạt động của cơ quan này. “Mô hình hoạt động của Uỷ ban khác mô hình của SCIC là nơi quản lý vốn thông thường”- Thứ trưởng Phương cho biết.
Liên quan tới đánh giá về khu vực kinh tế phi chính thức để bổ sung vào cách tính GDP, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho hay, thực tế đây chỉ là một trong 5 thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát như: Kinh tế ngầm, kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu một cách có chủ ý nhằm tránh nộp thuế, kinh tế tự sản tự tiêu hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót... Bộ đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan dự thảo Đề án thành phần kinh tế chưa được quan sát và sẽ trình Chính phủ Đề án này trong tháng 2/2018.
Chấn chỉnh công tác quản lý lễ hội
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, từ đầu năm 2018 Bộ VHTTDL đã yêu cầu các địa phương kịp thời có biện pháp chấn chỉnh những vấn đề liên quan đến công tác quản lý lễ hội, như đổi tiền lẻ, an ninh vệ sinh, môi trường, an ninh trật tự. Theo đó, Bộ chỉ đạo quyết liệt để các địa phương có những vấn đề nổi cộm tồn tại trong 2017 phải xử lý dứt điểm. Chúng tôi cũng yêu cầu các địa phương Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định…cam kết, xử lý dứt những vấn đề nổi cộm, yêu cầu, có những vấn đề tồn tại mà dư luận đã nêu phải xử lý dứt điểm. Bộ sẽ có các đoàn thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh kịp thời để không phát sinh những vấn đề phản cảm, bức xúc liên quan đến lễ hội.
Trả lời câu hỏi có liên quan đến nhiều doanh nghiệp, tổ chức hứa thưởng đội tuyển U23 mà U23 chưa nhận được, bà Thủy cho biết, việc hứa thưởng là vấn đề tự nguyện, chủ động của cá nhân. Các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân chưa chi tiền chứ không phải không chi. Chúng ta cần chờ đợi thêm một thời gian nữa. Liên quan đến việc trình diễn phản cảm của Vietjet trong đón tiếp các cầu thủ U23, bà Thủy cho biết, đây là vấn đề phản cảm, không đúng thuần phong mỹ tục, Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, U23 giành được kỳ tích đặc biệt xuất sắc, rất đáng tự hào. Để khích lệ Đội tuyển U23, một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã hứa tài trợ, động viên vật chất, tinh thần cho đội tuyển. Tính sơ bộ số tiền thưởng khoảng 40 tỷ đồng. “Nếu rõ địa chỉ cá nhân, chúng tôi động viên làm sớm. Doanh nghiệp đã công bố là phải làm, tôi tin là họ làm thật. Chỉ thực tế mới tồn tại chứ “đánh võng”, hình thức thì không thể tồn tại được”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.