Tết sớm với trẻ khiếm thị

Tâm Như 03/02/2018 09:35

Ngày 2/2, Ban Giám hiệu Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội đã tổ chức chương trình văn nghệ chào Xuân Mậu Tuất 2018 và trao quà Tết cho các học sinh khiếm thị của trường.  Với các em học sinh khiếm thị đang sinh hoạt, học tập tại trường, Tết này như ấm áp hơn bởi sự quan tâm của cộng đồng và thầy, cô giáo.

Tết sớm với trẻ khiếm thị

Một tiết mục văn nghệ chào Xuân 2018 do học sinh khiếm thị của trường biểu diễn.

Chương trình bắt đầu với liên hoan văn nghệ Chào Xuân 2018. Các tiết mục đa dạng về thể loại như độc tấu nhạc cụ, đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca với những ca khúc tươi đẹp về cuộc sống, về tình người, về mái trường. Bên cạnh các tiết mục nhạc cụ dân tộc, các em học sinh khiếm thị cũng tự tin trình diễn piano, violon, guitar, organ với tất cả niềm say mê âm nhạc…

Cô Phạm Thị Kim Nga- Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cho biết, năm nào Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu cũng có những hoạt động ý nghĩa để đem niềm vui đến cho các cháu khuyết tật vốn chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Năm nay, hoạt động trao yêu thương trong những bao lì xì nhỏ xinh – là sản phẩm của những nỗ lực và tình yêu nghệ thuật của các em học sinh khiếm thị và cũng là một trong những hoạt động ấm áp tình người đã lan tỏa đến cộng đồng nhằm mang đến cho các em niềm tin yêu vào cuộc sống.

Tết sớm với trẻ khiếm thị - 1

Cô hiệu trưởng Phạm Thị Kim Nga chúc Tết các em học sinh khiếm thị.

Theo cô Nga, Trường Nguyễn Đình Chiểu hình thành năm 1982, hiện đã trở thành trường nội trú dành cho trẻ khiếm thị. Từ năm 1988, trường bắt đầu nhận học sinh sáng mắt, thực hiện chương trình giáo dục hòa nhập cho học sinh khiếm thị. Hiện tại, tỷ lệ học sinh khiếm thị chiếm gần 12%. Số tiền thu được từ hoạt động phát hành bao lì xì hàng năm đều dành để mua quà tết cho các cháu khiếm thị. Và Tết Mậu Tuất năm nay, nhà trường tiếp tục thực hiện hoạt động này, số lượng bao lì xì đã phát hành tính đến thời điểm hiện tại là hơn 70.000 chiếc và vẫn đang tiếp tục kết nối để cộng đồng cùng chung tay chia sẻ với các em.

Trong buổi chiều mùa đông nhưng ấm áp này, nhà trường tổ chức trích một phần kinh phí từ hoạt động phát hành bao lì xì để trao quà Tết cho 197 học sinh khiếm thị và 32 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang học tại trường, 12 học sinh khiếm thị đang theo học hòa nhập tại các địa phương với tổng số 241 suất quà tổng trị giá 48.200.000 đồng.

Cô Trần Thị Phương Lan - Phó Hiệu trưởng phụ trách khối khiếm thị cho biết, trong 181 học sinh khiếm thị của nhà trường, có 98 cháu ở nội trú do điều kiện gia đình ở xa. Không chỉ trên địa bàn Thủ đô, một số em tới từ các địa phương rất xa, như Điện Biên, Thanh Hóa, Hải Dương… Đa phần các em đều có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Hơn 30 năm qua, hàng trăm học sinh khiếm thị đã ra trường. Nhiều em đã bước vào cổng các trường đại học, cao đẳng. Nhiều sản phẩm gốm, tranh vẽ của học sinh khiếm thị đã được trưng bày triển lãm ở Việt Nam, Thụy Điển. Dàn nhạc của học sinh khiếm thị đã đi biểu diễn ở nhiều nơi trong nước và thế giới. Ngay ở trường, có những học sinh khiếm thị sức học không thua các em sáng mắt. Nhiều em đã được nhận học bổng du học ở nước ngoài, như em Nguyễn Thị Mai, đã được nhận học bổng tại Mỹ, tốt nghiệp thạc sĩ và hiện đang giảng dạy tại một trường cộng đồng ở quốc gia này.

Tết sớm với trẻ khiếm thị - 2

Ban Giám hiệu nhà trường và các nhà tài trợ tặng quà Tết cho các học sinh.

Tại trường, học sinh khiếm thị học chung một lớp, một chương trình với học sinh sáng mắt theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Buổi chiều, các em học tại lớp chuyên biệt với sự giúp đỡ của giáo viên. Các em được ôn lại kiến thức khó trên lớp buổi sáng, hướng dẫn làm bài tập và những kiến thức, kỹ năng hỗ trợ cho tật mắt. Song song với đó, các em khiếm thị cũng được học thêm các môn vẽ, nhạc, làm gốm sứ, xoa bóp bấm huyệt, nội trợ gia đình, tin học… Những kỹ năng đã được học sẽ giúp người khiếm thị có thêm cơ hội tìm việc làm trong tương lai.

Xuân đã về trên mỗi nẻo đường, con phố, Xuân mang niềm vui đến mọi nhà. Những thiệt thòi của trẻ khiếm thị cũng được chia sẻ đôi phần bởi những hoạt động ý nghĩa ở ngôi trường nhân văn này.

Tâm Như