Tây Nguyên vẫn nóng chuyện phá rừng, vận chuyển gỗ lậu
Liên tiếp trong những ngày đầu tháng 2/12018, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông đã xảy ra vụ phá rừng Quốc gia Yok Đôn với quy mô lớn và đánh hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Krông Nô (Đắk Nông) trọng thương phải nhập viện.
Tang vật thu giữ từ một vụ phá rừng tại Vườn quốc gia Yok Đôn.
Ông Phạm Tuấn Linh- quyền giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn cho biết, sau khi nắm được thông tin vụ phá rừng chúng tối đã cử lực lượng phối hợp cùng công an xuống hiện trường kiểm tra và tiến hành xác minh và làm rõ vụ việc.
Cụ thể , vụ phá rừng được phát hiện vào ngày 26/1, lúc này cán bộ, nhân viên Trạm Kiểm lâm số 8 của Vườn Quốc gia Yok Đôn trong lúc tổ chức tuần tra, kiểm soát tại tuyến vành đai biên giới thuộc Tiểu khu 408 (khu vực này do Đồn biên phòng 741 - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk quản lý) đã phát hiện nhiều cây gỗ ở đây bị đốn hạ với ngổn ngang các cành cây nhỏ và vỏ bìa.
Tại hiện trường lực lượng chức năng đã kiểm đếm có tổng cộng 23 cây gỗ bị đốn hạ, trong đó có 19 cây gỗ đỏ (gỗ Cà te), 2 cây gỗ Cẩm lai và 2 cây gỗ Sao với tổng khối lượng 44,932 m3 gỗ.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Vườn quốc gia Yok Đôn sẽ nhờ cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk tiến hành giám định cho chính xác mức độ thiệt hại, để tiến hành khởi tố vụ việc.
Một trong những câu hỏi mà nhiều người đặt ra ở đây là, địa điểm xảy ra vụ phá rừng nằm trên trục đường tuần tra biên giới thuộc quản lý của Đồn Biên phòng 741 - Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Đắk Lắk.
Đây là khu vực vành đai biên giới cấm xâm nhập, bất cứ ai ra vào khu vực đều phải xuất trình giấy tờ với lực lượng biên phòng. Thế nhưng vụ phá rừng quy mô lớn vẫn diễn ra gần ở đây.
Chiều ngày 2/2, tại buổi Họp báo định kỳ do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức, ông Nguyễn Tuấn Hà-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, UBND tỉnh vừa mới nắm được thông tin và hiện đang chỉ đạo cho UBND huyện Buôn Đôn, Kiểm Lâm, Công an huyện tăng cường phối hợp tìm hiểu làm rõ vụ việc, đồng thời lãnh đạo tỉnh cũng đã yêu cầu lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn gửi báo cáo vụ việc để có hướng xử lý.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, trong tháng 1 năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tới 99 vụ vi phạm lâm luật, tăng 13 vụ so với tháng 12-2017, tịch thu 62,629 m3 gỗ các loại, 40 lượt phương tiện vi phạm, tiền phạt nộp ngân sách gần 400 triệu đồng.
Cũng trong ngày 2/2, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Nô (Đắk Nông) cho biết, đơn vị này đã có báo cáo gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông, đồng thời đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật và chống người thi hành công vụ gây thương tích cho ông Phan Thanh Khoa- phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện phải nhập viện điều trị.
Điều đáng nói ở đây là dù bị lực lượng kiểm lâm phát phát hiện, truy bắt số gỗ lậu này thì các đối tượng đã tìm mọi cách hất gỗ xuống đất để chạy xe trốn thoát...
Tây Nguyên đang bước vào đỉnh điểm mùa khô, đây được xem là mùa thâm nhập rừng thuận lợi của các đối tượng lâm tặc bởi với địa hình khá bằng phẳng, mùa nắng mặt đất ít lầy lội cũng là lúc hàng trăm con đường xuyên thẳng vào rừng khiến cho lực lượng bảo vệ rừng phải căng sức chống đỡ.
Đặc biệt đây là thời điểm cận Tết Nguyên đán các đối tượng thường rất manh động bởi mỗi thớt gỗ, xe gỗ ra được khỏi rừng về tận tay các đầu nậu đồng nghĩa với họ có thêm ít tiền để chuẩn bị chơi xuân nên việc các đối tượng lâm tặc tìm mọi cách để đốn hạ, cũng như sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng để tẩu tán gỗ lậu đang hết sức nóng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện nay.