Sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật
Cuối tuần qua tại Hà Nội, Tổ chức bảo vệ động vật thế giới cùng Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Diễn đàn về gấu lần thứ ba nhằm tạo không gian thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cũng như các giải pháp nhằm chấm dứt hoạt động nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam, từ đó thúc đẩy sự hợp tác để hỗ trợ cùng nhau chấm dứt việc khai thác mật gấu và bảo tồn gấu trong tự nhiên.
Diễn đàn có sự tham gia của Thành viên Nghị viện Hàn Quốc - lãnh đạo Đảng Công lý; Ủy viên Thường trực - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; đại diện tổ chức Green Korea United, Hàn Quốc; đại diện Tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới tại Trung Quốc; 5 cơ quan trung ương; 18 Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố; đại sứ quán Mỹ, Đức; 6 tổ chức hoạt động về gấu và động vật hoang dã tại Việt Nam và châu Á.
Chia sẻ kinh nghiệm quản lý gấu nuôi nhốt của Hàn Quốc, đại biểu từ nghị viện Hàn Quốc và tổ chức GKU dẫn chứng ra những chính sách hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật tại Hàn Quốc.
Trong đó, nổi bật là chương trình khuyến khích chủ gấu triệt sản cho gấu để đảm bảo không có gấu mới phát sinh tại các cơ sở nuôi nhốt gấu đã được hoàn thành vào đầu năm 2017 vừa qua.
Tính đến tháng 5/2017, chỉ còn 660 cá thể gấu (đã được triệt sản) bị nuôi nhốt tại 36 trang trại ở Hàn Quốc.
Có được bước tiến quan trọng này là nhờ những nỗ lực của Tổ chức bảo vệ động vật thế giới và GKU trong việc vận động chính phủ Hàn Quốc và các chủ nuôi nhốt gấu trong suốt 14 năm.
Trong khi đó, Việt Nam từng là điểm nóng về tình trạng nuôi nhốt gấu, tuy nhiên trong hơn 13 năm qua, công tác bảo vệ gấu đã đạt được những thành tựu đáng kể.
Tháng 7/2017, Chính phủ Việt Nam đã một lần nữa cam kết đóng cửa các trại nuôi nhốt gấu lấy mật.
Mặc dù vậy, ông Nguyễn Mạnh Hiệp- Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp) cho biết, hiện vẫn còn 842 cá thể gấu bị nuôi nhốt tại 268 cơ sở (16 tổ chức và 252 hộ gia đình) trên 42 tỉnh.
Dù đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trên chặng đường tiến tới không còn gấu nuôi nhốt.
Từ đó, nhiều phương hướng đã được đưa ra như sau: theo dõi, kiểm tra để quản lý tốt các cá thể gấu đang bị nuôi nhốt; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân tự nguyện giao nộp gấu cho các trung tâm cứu hộ để tiếp tục chăm sóc nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật; kiên quyết ngăn chặn và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể thực hiện hành vi nuôi nhốt gấu không có hồ sơ nguồn gốc hợp pháp, đảm bảo không tăng số lượng gấu nuôi nhốt và tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc nuôi nhốt gấu bất hợp pháp tại Việt Nam; xây dựng kế hoạch bảo tồn gấu đồng thời phối hợp với các tổ chức phi chính phủ để vận động đầu tư, hỗ trợ xây dựng các trung tâm cứu hộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thực hiện tiếp nhận gấu do người dân tự nguyện giao nộp, đặc biệt là ở khu vực phía Nam.
Tuy nhiên, thời gian qua nhiều chủ nuôi nhốt gấu đã tự nguyện chuyển giao gấu cho Nhà nước mà không đòi hỏi bất kỳ một khoản hỗ trợ nào, cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của chính các chủ cơ sở nuôi nhốt gấu về sự cần thiết phải chấm dứt hoạt động này.
Vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ Trần Thế Liên cho biết, Việt Nam sẽ sớm chấm dứt tình trạng nuôi nhốt gấu lấy mật trong một tương lai không xa.