Đánh thức miền hoang vu
Mường É (Thuận Châu, Sơn La) dưới chân Pha Đin, trước đây, vùng đất này vốn nổi tiếng đói nghèo. Nhưng từ ngày có chủ trương đa dạng hóa sản xuất, cây trồng, vùng đất này đã có những biến chuyển đáng ghi nhận!
Chăn nuôi đại gia súc đang tạo cho Mường É những bứt phá ngoạn mục.
Mường É vốn là miền đất mà bà con người Thái tìm đến định cư khá lâu. Nhưng ở nơi vùng lõm, bảng lảng sương khói này, do người dân chỉ sống với quan niệm trời đất cho gì thì nhận lấy nên cái đói, cái nghèo luôn bủa vây họ. Nhiều năm về trước, chỉ độc canh cây ngô, cây lúa và thực hiện chăn nuôi hết sức quảng canh nên nghèo đói đã có lúc lên gần 60%.
Tuy nhiên, trong sự phát triển chung, đến lúc cái đói cái nghèo bắt đầu được người dân nơi đây ý thức. Từ chuyện phó mặc số phận và hoàn cảnh mình cho trời đất, người dân Mường É đã bắt đầu có cho mình những giấc mơ đổi đời. Phát triển kinh tế để đánh thức đất nghèo Mường É bắt đầu được đánh dấu khi người dân nơi đây cùng nhau chinh phục dòng Nậm É để dẫn nước về phát triển cây lúa nước.
Nậm É được ngăn dòng, với hỗ trợ, 37 phai đập kiên cố và thủ công cùng với trên 30 km mương đã được kiên cố. Từ việc chinh phục dòng Nậm É cùng việc kiên cố hóa kênh mương này nên đã tạo điều kiện cho gần 200 ha ruộng đã chủ động được nước cấy. Cũng từ việc trị thủy mà đất này cũng có thêm 30 ha mặt nước để tận dụng nuôi trồng thủy sản.
Từ việc chủ động nước canh tác nên năng suất lúa của Mường É ngày một được nâng cao. Thóc lúa về với dân nhiều hơn và khi no bụng, người dân Mường É đã có những suy nghĩ tích cực hơn bằng việc đa dạng hóa vật nuôi cây trồng để tăng thu thêm cho mình. Sau ngô, sắn thì chăn nuôi bắt đầu được chú trọng. Bằng việc được tiếp xúc với các nguồn vốn cùng sự mạnh bạo đầu tư của người dân, 4,2 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất đã được người dân vay về.
Vốn về, chăn nuôi theo chương trình hàng hóa bắt đầu được người dân thực hiện và lan ra thành cao trào trong toàn xã. Chỉ trong một thời gian ngắn, cùng việc hỗ trợ, tiếp nhận các kinh nghiệm khoa học sản xuất vào chăn nuôi, hiện nay tổng đàn gia súc trong toàn xã đã lên đến gần 40.000 con gia súc, gia cầm, trong đó phải kể đến đàn trâu bò đã lên đến 2.400 con. Bằng việc đa dạng hóa cây trồng, chăn nuôi theo hình thức hàng hóa này mà tiền đã về với người dân trong xã nhiều hơn. Từ nguồn thu tổng lực này, hiện nay tỷ lệ thoát nghèo của xã đã lên đến 7,8% số hộ trong mỗi năm.
Từ một xã nghèo, hiện Mường É đang nổi danh với các hộ sản xuất kinh doanh giỏi mà nếu nói đến hẳn ít người không nhắc đến ông Lò Văn Nghiên. Bằng việc phát triển kinh tế hộ gia đình, hiện nay không những được coi là người có kinh tế khá mà ông Nghiên còn được mệnh danh là “vua trâu” của xã. Từ chuyện đầu tư nhân giống, hiện đàn trâu, bò của ông Nghiên đã lên đến 20 con. Trò chuyện, ông Nghiên cho biết, lương thực và chi tiêu của gia đình hiện nay chỉ cần trông vào lúa, ngô và gia cầm; còn số gia súc là của để dành. Theo ông Nghiên, từ việc kết hợp giữa chăn nuôi, trồng trọt, mỗi năm đã đem lại cho gia đình ông khoảng trên 100 triệu thu nhập.