Siết lại hoạt động ngoại khóa trong trường học
Việc nổ bình gas tại “hội chợ tuổi thơ” ở Trường Tiểu học Hộ Độ (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vào ngày 5/2, khiến 7 em học sinh bị bỏng nặng là tiếng chuông cảnh tỉnh đối với hoạt động ngoại khóa tại các trường học. Vụ nổ là sự cố đáng tiếc, không chỉ khiến các em hoảng loạn về tinh thần mà còn cho thấy nhiều “lổ hổng” trong công tác quản lý.
7 học sinh phải nhập viện trong giờ nghỉ trưa
Dư luận tại Hà Tĩnh đang xôn xao về vụ nổ xảy ra tại Trường Tiểu học Hộ Độ vào lúc 12h ngày 5/2. Khi đó, trường đang hoàn tất khâu chuẩn bị tổ chức “hội chợ tuổi thơ” cho học sinh vào buổi chiều cùng ngày.
Theo các giáo viên Trường Tiểu học Hộ Độ, thời điểm đó hầu hết các em học sinh đang nghỉ trưa, duy chỉ có học sinh lớp 2A3 và 4A4 cùng một số học sinh lớp 1 và phụ huynh có mặt tại khu vực tổ chức hội chợ.
Cô Hồ Thị Huân, người trực tiếp chứng kiến sự việc kể lại: “Thời điểm đó là vào khoảng 12h15, tại gian hàng của lớp 2A3 và 4A4, một phụ huynh bật bếp gas chuẩn bị rán xúc xích thì bất ngờ ngọn lửa từ bếp gas cháy mạnh. Phụ huynh này sợ quá đã lấy chảo úp lên bếp để dập lửa nhưng bất ngờ bình gas phát nổ. Tiếng nổ lúc đó rất lớn khiến tôi đứng cách địa điểm xảy ra vụ nổ khoảng 5m giật mình. Khi vụ nổ xảy ra, tôi nghe tiếng la hét của một số học sinh, nhìn lại thì thấy có em bị cháy áo, có em bị cháy tóc, chúng tôi nhanh chóng đưa các em đến trạm y tế sơ cứu. Thực sự lúc đó các thầy, cô giáo và các bậc phụ huynh đều hoảng loạn, lo lắng cho sức khỏe của các em”- cô Huân kể lại.
7 em học sinh bị thương gồm Lê Đình Toại (6 tuổi), Trần Đình Thiêm (6 tuổi), Trần Đình Đàm Vĩnh (7 tuổi), Phan Bảo Toàn (7 tuổi), Phan Hoàng Bảo Ngọc (7 tuổi), Lê Doãn Minh Nam (6 tuổi), Nguyễn Lê Hải Đăng (7 tuổi). Ngay sau đó, các em được nhà trường và các bậc phụ huynh nhanh chóng đưa đi cấp cứu.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Trúc- trưởng khoa Chấn thương BVĐK Hà Tĩnh, 7 bệnh nhân độ tuổi từ 6-7 tuổi bị bỏng nặng ở phần mặt, tay và cháy sém tóc trên đầu, trong đó có hai cháu bị bỏng nặng lột da mặt. Các cháu chủ yếu bị bỏng ở vùng mặt, cấp độ 1-3, diện tích 5-10%. Các em nhập viện trong tình trạng tinh thần rất hoảng loạn.
Tối ngày 5/2, theo nguyện vọng của gia đình cũng như tình trạng bệnh nhi có ảnh hưởng đến mắt, bệnh viện đã cho chuyển em Nguyễn Lê Hải Đăng ra Viện Bỏng quốc gia điều trị.
Theo ghi nhận của PV, các cháu còn lại hiện vẫn đang được ê kíp y bác sĩ BVĐK Hà Tĩnh tiếp tục theo dõi, chăm sóc và không còn biểu hiện của sự hoảng loạn như thời điểm mới nhập viện.
Cần siết chặt quản lý
“Hội chợ tuổi thơ” là hoạt động ngoại khóa được Hội đồng đội, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Tĩnh triển khai. Mục đích là nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm, tính tự lập của thiếu niên nhi đồng và đồng hành, chia sẻ, giúp đỡ các bạn đội viên, thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng thiên tai, bão, lũ đón Tết Mậu Tuất 2018 ấm áp, vui tươi. Qua đó phát huy tính sáng tạo, khả năng tư duy, rèn luyện tinh thần tiết kiệm cho các em đội viên, thiếu niên, nhi đồng… Đây là hoạt động có ý nghĩa thực tiễn nhưng do công tác quản lý không chặt chẽ dẫn đến sự cố đáng tiếc nói trên.
Ngay sau khi xảy ra vụ nổ gas, một số phụ huynh có con theo học tại các trường tiểu học tại địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tỏ ra băn khoăn.
“Các trường giờ cứ đua nhau làm theo phong trào chứ không cần biết những hoạt động đó thực chất có đưa lại hiệu quả hay không. Riêng bản thân tôi thấy là việc tổ chức hội chợ tuổi thơ liên quan đến nhiều yếu tổ như là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ… trong khi khâu này chắc lãnh đạo phòng, sở không nắm được sâu sát”- chị Hòa, một phụ huynh bức xúc.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Phan Thanh Dân- trưởng phòng GD&ĐT huyện Lộc Hà cho biết: Trên địa bàn huyện đã có 17/20 trường đã tổ chức hội chợ tuổi thơ. Về hoạt động này, phòng cũng như huyện đoàn đã gửi hướng dẫn trực tiếp cho các trường. Trong đó có chỉ đạo về công tác phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, trong hướng dẫn của tỉnh đoàn Hà Tĩnh cũng như huyện đoàn Lộc Hà không hề có chi tiết nào đả động đến việc siết chặt công tác phòng chống cháy nổ hay đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây chính là “lỗ hổng” của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như ngành giáo dục Hà Tĩnh.
Phụ huynh, học sinh đưa bình gas mi ni không đảm bảo an toàn, đưa thực phẩm mất vệ sinh vào trường học nhưng nhà trường không kiểm soát được sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hậu quả không thể lường trước được. Vụ nổ ở Trường Tiểu học Hộ Độ là bài học kinh nghiệm sâu sắc không chỉ đối với Hà Tĩnh.