Về An Giang nghe chuyện đổi mới
An Giang là một trong những tỉnh tiên phong trong việc nhất thể hóa một loạt các chức danh từ cấp xã tới huyện, đồng thời sáp nhập thành công nhiều phòng ban, đơn vị hành chính sự nghiệp cấp huyện. Từ đó, góp phần xây dựng tổ chức bộ máy ngày càng đồng bộ, tinh gọn, ổn định và hoạt động có chất lượng, hiệu quả.
Việc sắp xếp lại bộ máy thuận tiện trong việc tiếp dân và giải quyết quyền lợi cho người dân.
“Điểm sáng” Châu Phú
Là một cán bộ trẻ, năng nổ, nhiệt huyết sau khi được bổ nhiệm Chánh văn phòng Huyện ủy Châu Phú (tỉnh An Giang), tháng 7/2016 anh Nguyễn Hữu Tá được nhân dân, cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Phú, huyện Châu Phú. Anh Tá chia sẻ, lúc đầu cũng thấy lo, bởi phải “đóng” luôn cả “hai vai”. Công việc thì gấp đôi, nếu không làm tốt, chắc chắn sẽ “vỡ trận”.
Theo anh Tá, việc thực hiện mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã tránh được hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, giảm được khâu báo cáo, xin ý kiến. Ngoài ra, vừa là Bí thư Đảng ủy cũng là Chủ tịch UBND nên nắm rất rõ tình hình địa phương, từ đó chỉ đạo xây dựng nghị quyết, đề ra chủ trương sẽ sát với thực tiễn. Công tác phối hợp giữa chính quyền, mặt trận và các đoàn thể thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn. Những thiếu sót, tồn tại khi thực hiện nhiệm vụ được chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, không đi ngược với chủ trương chung.
Cùng với việc thực hiện mô hình “2 trong 1”, Huyện ủy Châu Phú còn tiến hành sắp xếp, kiêm nhiệm một số chức danh cán bộ xã, thị trấn đối với các chức danh có nhiệm vụ tương đồng. Cụ thể, đã bố trí sắp xếp, kiêm nhiệm các chức danh cấp xã, thị trấn, gồm: 13/13 Phó Bí thư xã kiêm Chủ tịch HĐND; 5/13 xã, thị trấn có Phó Bí thư, kiêm Chủ tịch UBMTTQ; 7/13 xã, thị trấn, Phó Chủ tịch HĐND kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra; 11/13 xã, thị trấn, cán bộ Tổ chức kiêm công tác Nội vụ; 7/13 xã, thị trấn, cán bộ Tuyên giáo kiêm Văn phòng Đảng ủy; 4/13 xã, cán bộ văn hóa phụ trách Đài Truyền thanh, quản lý Nhà Văn hóa; 9/13 xã, thị trấn, Ủy viên Thường trực UBMTTQ kiêm công tác Dân vận; 8/13 xã, thị trấn, cán bộ địa chính - xây dựng kiêm cán bộ giao thông - thủy lợi; 1/13 xã, thị trấn, Chủ tịch Công đoàn kiêm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ và 1/13 xã Chủ tịch Công đoàn kiêm cán bộ xóa đói giảm nghèo - gia đình trẻ em,...
Mô hình Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã không phải là mới trong công tác cán bộ. Thế nhưng, để triển khai ở tất cả các xã trong huyện như ở Châu Phú là chuyện không hề đơn giản. Từ một xã thí điểm năm 2010, đến nay, 13/13 xã, thị trấn của huyện Châu Phú đều thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND.
Bà Lê Thị Kim Hồng- Phó Bí thư Huyện ủy Châu Phú chia sẻ: “Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, sẽ góp phần quản lý và sử dụng biên chế có hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức gắn với hiệu quả hoạt động của đơn vị. Phần kinh phí tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng/năm sẽ được chi tăng thu nhập trong cơ quan, đơn vị, tăng thêm trợ cấp, thu nhập cho lực lượng cán bộ xã, thị trấn...
Đột phá trong công tác cán bộ
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy An Giang, tính đến nay, trên toàn tỉnh đã có 10/11 huyện, thị xã, thành phố, với 74/156 xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình Bí thư đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp xã.
Đặc biệt, từ tháng 4/2017, An Giang đã thực hiện thành công nhất thể hóa chức danh Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND TP Long Xuyên- địa phương “cấp huyện” đầu tiên của tỉnh An Giang. Để thuận tiện cho việc làm việc và tiếp dân, TP Long Xuyên đã thành lập Văn phòng chung của Thành ủy, HĐND, UBND và Văn phòng Khối Dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố trên cơ sở nhất thể hóa đối với các chức danh lãnh đạo của Văn phòng Thành ủy với Văn phòng HĐND, UBND thành phố và Ban Dân vận, cơ quan MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Việc sáp nhập các cơ quan tham mưu, chuyên môn trên đã giúp công tác chỉ đạo, lãnh đạo triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của TP Long Xuyên được chủ động, tập trung hơn; huy động tốt các nguồn lực con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Chất lượng công tác, chương trình phối hợp chặt chẽ hơn; phát huy được trí tuệ của tập thể lãnh đạo trong xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện…
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân đến thăm, chia sẻ với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, Long Xuyên còn thực hiện việc sáp nhập Trung tâm Y tế thành phố với Bệnh viện đa khoa Long Xuyên thành Trung tâm Y tế Long Xuyên; sáp nhập Trung tâm Thể dục - Thể thao với Trung tâm Văn hóa thành phố thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao thành phố...
Trên cơ sở sắp xếp các cơ quan chuyên môn của Đảng, chính quyền, đoàn thể và các đơn vị sự nghiệp, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã sắp xếp, sáp nhập một số tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Thành ủy. Từ đó, giảm số đầu mối tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Thành ủy từ 67 chi Đảng bộ, xuống còn 59 chi Đảng bộ trực thuộc.
Nhận định về hiệu quả bước đầu trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân chia sẻ: Việc sắp xếp lại đã giảm bớt đầu mối, tinh gọn bộ máy; việc nhất thể hoá các chức danh chủ chốt, giúp công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền đồng bộ hơn, giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp nhanh hơn, phát huy tốt hơn năng lực và tinh thần trách nhiệm của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tiết kiệm ngân sách hằng năm. Tuy đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhưng để mô hình “nhất thể hóa” này vận hành tốt, bên cạnh việc chọn được nhân sự “ưu tú” cũng cần có cả quy chuẩn và cơ chế, chính sách phù hợp đi kèm.
Chia sẻ về quyết tâm thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh uỷ An Giang Võ Thị Ánh Xuân cho biết, bên cạnh việc hoàn chỉnh Đề án chung của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã chỉ đạo đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy ở những địa phương, đơn vị có điều kiện theo hướng “dễ làm trước, khó làm sau” không chờ đến khi Trung ương hoàn thiện các quy định, thể chế mới thực hiện.
Theo đó, ngay trong năm 2018, An Giang sẽ tiếp tục mở rộng thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở những nơi đủ điều kiện, đồng thời nhất thể hóa chức danh lãnh đạo văn phòng cấp ủy, văn phòng HĐND, UBND ở những nơi thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời chủ tịch UBND cấp huyện. Thành lập Văn phòng cấp ủy chung ở cấp tỉnh, cấp huyện. Nghiên cứu sáp nhập Đảng ủy Khối Dân chính đảng và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp cấp tỉnh. Nhất thể hóa một số chức danh: Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ...
Trong đó, An Giang xác định công tác cán bộ là yếu tố then chốt. Vì vậy, tập trung đổi mới công tác tổ chức và cán bộ gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Từng cơ quan, ban ngành cấp tỉnh, cấp huyện rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức, hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Mặt khác, tỉnh có hướng dẫn mang tính nguyên tắc để xây dựng các quy định, quy chế làm việc nhằm tạo điều kiện cho các địa phương, đơn vị thực hiện chủ trương hợp nhất, nhất thể hóa các chức danh. Bên cạnh việc làm tốt công tác chính trị - tư tưởng, tỉnh cũng sẽ nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách đối với cán bộ dôi dư để triển khai thực hiện đồng bộ.
Bí thư Tỉnh uỷ Võ Thị Ánh Xuân cho biết thêm: Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và đề xuất Trung ương cho phép thí điểm hợp nhất một số cơ quan những nơi đã thực hiện nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo nêu trên và những cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện có chức năng, nhiệm vụ tương đồng (tổ chức - nội vụ; kiểm tra - thanh tra, tuyên giáo - thông tin truyền thông), nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
An Giang đã thực hiện việc thành công việc nhất thể hoá một số chức danh. Đối với khóm, ấp: Đã thực hiện mô hình Bí thư kiêm trưởng ấp, khóm tại 886/888 đơn vị. Đối với cấp xã: Mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND đã thực hiện ở 10/11 huyện, thị, thành phố, với 74/156 xã, phường, thị trấn; Mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND đã thực hiện ở 10/11 huyện, thị, thành phố, với 44/156 xã, phường, thị trấn. Đối với cấp huyện: Mô hình Bí thư kiêm Chủ tịch UBND, TP Long Xuyên là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công. Mô hình Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch UBMTTQ đã triển khai thực hiện ở thành phố Châu Đốc và huyện Châu Phú. Về tinh giản biên chế: Đối với biên chế khối Đảng, MTTQ, các đoàn thể, lộ trình thực hiện từ năm 2017 đến năm 2021 (trong 4 năm) giảm 163 người (tương đương 11%). Đối với biên chế khối chính quyền: Biên chế hành chính, năm 2015, các cơ quan hành chính cấp tỉnh và cấp huyện được giao 2.878 biên chế; đến năm 2017 là 2.787 biên chế, giảm 91 biên chế tương đương 3,16% so với năm 2015. Biên chế sự nghiệp: Năm 2013 là 39.427 biên chế; năm 2015, là 39.106 biên chế và hiện nay là 36.171 biên chế , giảm 3.256 chỉ tiêu so với năm 2013 và 2.935 chỉ tiêu so với năm 2015 (tương đương 7,5%). |