Chuẩn cho hàng Việt hội nhập
Hội nhập yêu cầu hàng hóa phải đạt chuẩn chung, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đang hướng doanh nghiệp sản xuất hàng hóa đạt hàng Việt Nam chất lượng cao – chuẩn hội nhập.
Nông sản đang hướng đến chất lượng để hội nhập.
Phải thay đổi phương thức
Hội nhập đang tạo điều kiện cho sản phẩm của chúng ta phát triển thị trường các nước, tuy nhiên nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về chất lượng một số mặt hàng hiện nay. Đặc biệt vấn nạn “thực phẩm bẩn” đang ám ảnh người tiêu dùng trong nước và ảnh hưởng không nhỏ đến khách hàng tiềm năng các nước.
Mong muốn điều chỉnh thói quen sản xuất, chất lượng sản phẩm Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tiến hành cuộc khảo sát. Kết quả cho thấy, bốn nguy cơ vệ sinh an toàn thực phẩm mà người tiêu dùng hiện nay đang lo ngại hơn là sử dụng chất cấm; nguyên liệu không rõ nguồn gốc; quy trình sản xuất không hợp vệ sinh; dư lượng hoá chất độc hại trong sản phẩm.
Người tiêu dùng sợ dư lượng hóa chất độc hại có trong sản phẩm hơn cả hàng giả hay tự ý thay đổi hạn sử dụng… Rõ ràng vấn đề thực phẩm sạch và an toàn hiện là mối quan tâm bậc nhất của người tiêu dùng. Theo kết quả khảo sát Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018, đa số người tiêu dùng được khảo sát chọn mua dựa trên yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm (từ 71 - 87%), tuỳ thuộc sản phẩm từng ngành hàng.
Tương tự, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen khẳng định, hai yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của người tiêu dùng Việt Nam là sản phẩm có lợi cho sức khoẻ hay chọn mua sản phẩm hữu cơ/tự nhiên được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn cao nhất (77%), rồi mới đến các yếu tố khác. Trước yêu cầu tiêu dùng mới, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn.
Đại diện một doanh nghiệp cho hay: Hội nhập mở ra nhiều cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn. Nếu sản phẩm không đạt chất lượng, độ an toàn cao chắc chắn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của chúng tôi là theo hướng bền vững chứ không phải làm ăn chụp giật. Bà Vũ Hạnh Kim – Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nêu quan điểm: Xu hướng tiêu dùng đã khác. Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức chi tiêu cao hơn cho các sản phẩm nói chung, đồng thời quan tâm hơn những giá trị mà nó mang lại. Đặc biệt chú trọng những sản phẩm thực phẩm, đồ uống… có lợi cho sức khoẻ.
Phấn đấu đạt chuẩn hội nhập
Không ít hội, ngành nghề thừa nhận, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu sản phẩm nông sản, thuỷ sản nhưng các dòng sản phẩm chế biến sẵn chưa được khai thác hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính yếu là do chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và nguồn nhân lực.
Ðây là một trong những yếu điểm cần được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm cải thiện khi cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong xu thế hội nhập hiện nay. Ngoài ra, muốn sản phẩm xuất khẩu đi EU, Hoa Kỳ hay các thị trường khó tính khác yêu cầu rất rõ, sản phẩm đạt chuẩn chất lượng của khu vực và thế giới như: Iso, LobalGap, Haccp…
Ngoài hàng Việt Nam chất lượng cao, Bộ tiêu chuẩn “Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập” giúp doanh nghiệp có thêm “giấy thông hành” và cam kết với thị trường các nước. Theo Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội đang làm việc với các tổ chức để họ thừa nhận chất lượng sản phẩm Việt Nam đạt chuẩn quốc tế thông qua việc kiểm tra từng khâu sản xuất. Doanh nghiệp nào muốn đạt chất lượng LobalGap, Haccp… cần thực hiện ngay từ đầu để giảm thời gian và chi phí.
Bàn về chất lượng cho sản phẩm hội nhập, ông Phạm Đại Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định: Đổi mới sáng tạo có ý nghĩa sống còn trong cuộc cách mạng 4.0 nhằm tạo ra cơ hội song doanh nghiệp không thể chậm chạp, bởi chậm chạp sẽ bị đẩy ra xa và loại khỏi sân chơi. Hội nhập rồi hàng hóa vào các nước không theo ý ai mà phải đạt chuẩn chung. Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong đổi mới, sáng tạo hướng đến sản phẩm chất lượng cao chuẩn hội nhập, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm Việt trên thị trường thế giới.
Đến nay, cả nước có 62 doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm đạt danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng – Chuẩn hội nhập. Bộ tiêu chí này sẽ là lợi thế, điểm tựa về chất lượng kỹ thuật, lời cam kết vững chắc về chất lượng để cạnh tranh hàng Asean đang tràn ngập và cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu khác.