Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản. Nhưng để có thể hấp dẫn hơn nữa, rất cần sự nỗ lực của cả phía Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có dự kiến mở rộng hoạt động.
Theo Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hà Nội, ông Hironobu Kitagawa, hiện có khoảng 1.700 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó rất nhiều DN mới tới Việt Nam. Đánh giá của các nhà đầu tư Nhật Bản cho thấy, môi trường đầu tư của Việt Nam chưa “đạt chuẩn” như tại Nhật Bản hay một số quốc gia nhận đầu tư khác nên tỷ lệ rủi ro trong môi trường đầu tư của Việt Nam thường bị đẩy lên. Đây cũng là thách thức mà Việt Nam cần nhìn nhận để cải thiện hơn nữa trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khảo sát của Jetro cho thấy, vẫn có tới 70% DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng. Khoảng 88% DN cho rằng, lý do chính để mở rộng kinh doanh là tăng doanh thu. Trong ngành công nghiệp phi chế tạo, khoảng 58% số DN đều khẳng định lý do chính là khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao.
Mặc dù vậy, vị này cũng đưa ra khuyến cáo, liên quan đến rủi ro trong môi trường đầu tư của DN Nhật Bản tại Việt Nam, báo cáo của Jetro cho biết, trong 5 hạng mục thì có 3 hạng mục đã được cải thiện. Số liệu thống kê cho thấy, khoảng hơn 60% DN cho rằng chi phí nhân công tăng cao (chiếm 61,6%), khoảng 50% DN than hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện. Việc vận dụng luật pháp không rõ ràng (chiếm 46,9%); 40% DN cho rằng, cơ chế, thủ tục thuế, thủ tục hành chính phức tạp… Ngoài ra, công nghiệp phụ trợ còn yếu cũng là yếu tố bất lợi cho Việt Nam khi thu hút đầu tư.
“Việt Nam luôn là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Nhưng để làm tốt hơn nữa, cần sự nỗ lực của phía Việt Nam và cả DN Nhật Bản. Muốn vậy cần cải thiện và khắc phục những điểm hạn chế mà kết quả khảo sát các ý kiến DN đã phản ánh” - ông Hironobu Kitagawa nhấn mạnh.
Giải thích cho nhận định này, ông Hironobu Kitagawa cho hay, khi các DN Nhật Bản mới sang Việt Nam đầu tư, họ thường mang môi trường đầu tư của Nhật Bản hay một số nước phát triển khác để so sánh. Do vậy, phần nào những nhận xét về mức độ rủi ro trong môi trường đầu tư được báo cáo nêu ra ở trên cũng bị ảnh hưởng, tỷ lệ rủi ro có thể bị đẩy lên cao hơn so với thực tế.
Theo nhận định của Jetro, Việt Nam từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư Nhật Bản, có thể coi là một trong những thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực, vượt qua cả Indonesia và Thái Lan. Các công ty Nhật Bản đang có xu hướng muốn xây dựng chi nhánh, nhà máy của mình tại Việt Nam, các DN Nhật thậm chí còn chủ động trong việc tìm kiếm các đối tác và tiến hành liên kết với DN Việt. Vẫn theo ông Hironobu Kitagawa, trong làn sóng cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, cơ hội đầu tư mới giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ nảy sinh nhiều trong thời gian tới và điều này sẽ mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia.
Số liệu thống kê cho biết, trong năm 2017, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản vào Việt Nam đã vượt mức kỷ lục với trên 8,6 tỷ USD. Số dự án đầu tư mới cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục với 367 dự án. Đặc biệt, không chỉ ngành chế biến, chế tạo, mà dòng vốn đầu tư đã đa dạng hơn với nhiều lĩnh vực khác nhau. Điều này một lần nữa khẳng định, Việt Nam luôn là nơi hấp dẫn các nhà đầu tư, DN Nhật Bản trong thời gian tới.