Kiên Giang: Nhân rộng các mô hình hiệu quả, xứng đáng là đơn vị trưởng cụm Tây Nam Bộ
Năm 2018, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang vinh dự nhận trách nhiệm trưởng Cụm Tây Nam Bộ, đây vừa là thách thức cũng là cơ hội để MTTQ tỉnh Kiên Giang thực hiện tốt nhiệm vụ, đồng thời nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay…
Bà Lê Thị Vệ mong muốn bản tin Mặt trận và Báo Đại Đoàn Kết đến tận tay cán bộ mặt trận cơ sở.
Sau khi nhận lá cờ bàn giao từ UBMTTQ tỉnh Cà Mau, Cụm trưởng Tây Nam Bộ năm 2017, bà Lê Thị Vệ - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang, đơn vị trưởng Cụm Tây Nam Bộ năm 2018 chia sẻ với Đại Đoàn Kết: “Đây vừa là thách thức, cũng là cơ hội để chúng tôi tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ của UBTƯMTTQ Việt Nam, đồng thời tích cực triển khai nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả từng bước góp phần nâng cao đời sống người dân…”
Trong năm qua, UBMTTQ tỉnh Kiên Giang đã triển khai được nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả sáng tạo nổi bật. Các mô hình này đã tác động không nhỏ đến kinh tế, đời sống của người dân, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị địa phương. Cụ thể, UBMTTQ tỉnh đã xây dựng được đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội đến 3 cấp trong tỉnh. Hiện Tổ tuyên truyền nắm bắt dư luận xã hội tỉnh gồm có 28 thành viên, do Chủ tịch UBMTTQ Lê Thị Vệ làm tổ trưởng, các thành viên gồm các bộ phận chuyên trách của Mặt trận tỉnh và đại diện 5 tổ chức chính trị xã hội và 15 chủ tịch MTTQ huyện, thị, thành phố.
Ban thường trực UBMTTQ tỉnh đã chủ động phối hợp tốt với cơ quan truyền thông của tỉnh nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền các hoạt động của MTTQ các cấp xuống tận cơ sở; phát hành bản tin công tác Mặt trận đến Ban Công tác Mặt trận trong tỉnh mỗi tháng 1 kỳ ở tất cả các KDC. Đặc biệt tiếp tục duy trì phát hành Báo Đại Đoàn Kết xuống 100% KDC, 957/957 KDC trong tỉnh.
Năm 2017, Quỹ “Vì người nghèo” và các chương trình ASXH của tỉnh tiếp tục có bước đột phá cả về hình thức tổ chức lẫn chất lượng, cụ thể đã vận động được gần 344 tỷ đồng (năm 2016 là 263,1 tỷ đồng). Trong đó Quỹ vì người nghèo các cấp trong tỉnh là 48 tỷ đồng. Đã cất mới 2.107 căn nhà Đại Đoàn Kết (trong khi đó chỉ tiêu có 1.000 căn), làm trên 70km đường giao thông nông thôn, xây mới 230 cây cầu, trao trên 100 ngàn suất quà cho người nghèo trị giá trên 31 tỷ đồng. Các tổ chức thành viên của Mặt trận đã tổ chức vận động các nguồn tài trợ ủng hộ các chương trình ASXH trên 268 tỷ đồng. Ban cứu trợ tỉnh đã xuất quỹ hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12 số tiền 500 triệu đồng.
Mặt trận luôn đồng hành với các mạnh thường quân hoạt động xây cầu, làm đường, cất nhà.
Điểm mới nổi bật của UBMTTQ tỉnh Kiên Giang năm 2017, đó là trong 100% KDC được tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” thì có 42/957 KDC tổ chức ngày hội theo hình thức liên KDC liên tỉnh giữa tỉnh Kiên Giang và tỉnh Cà Mau. Điểm đặc biệt này đã thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên các cấp cùng về dự sinh hoạt với nhân dân tạo mối khăng khít giữa các KDC giáp ranh các tỉnh.
Trong các tỉnh Cụm Tây Nam Bộ, Kiên Giang được đánh giá là tỉnh có số lượng mô hình nhiều nhất có 247 mô hình ở các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới… đa số các mô hình hoạt động hiệu quả. UBMTTQ tỉnh còn chủ động phối hợp với các đại diện tôn giáo xây dựng được 6 mô hình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, (như Thánh Thất Huyền Linh Đàm, TP Rạch Giá; Ban Đại diện phật giáo Hoà Hảo huyện Kiên Lương; Chùa Phật Đà TX Hà Tiên; Họ Đạo Cao Đài Tây Ninh huyện Gò Quao). Ngoài ra các huyện, thị cùng cấp còn hướng dẫn các tôn giáo thành lập 23 mô hình “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Với đặc thù là tỉnh có đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia, thời gian qua UBMTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang đã chủ động tổ chức các hoạt động, hội nghị thực hiện Bản giao ước thi đua xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với UBMT Đoàn kết phát triển Tổ quốc Campuchia tỉnh Kampot, tỉnh Kep thuộc Vương quốc Campuchia giai đoạn 2015 – 2017 và ký kết giai đoạn 2017 – 2019.
Năm 2017, điểm mới nữa của UBMTTQ tỉnh Kiên Giang cần được ghi nhận đó chính là chủ động ban hành kế hoạch chuyên đề về nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ xã, phường, thị trấn giai đoạn 2017 – 2019, theo phương châm “Tỉnh bám xã, huyện bám ấp, xã bám địa bàn dân cư”. Qua đó thành lập được 3 tổ chỉ đạo, đồng thời chọn 3 xã để chỉ đạo toàn diện về công tác Mặt trận. Kết quả tại các đơn vị chọn làm điểm bước đầu đã phát huy được vai trò trách nhiệm của Mặt trận các cấp.
Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang Lê Thị Vệ chia sẻ thêm: Mặt trận tỉnh còn chỉ đạo Mặt trận các cấp chủ trì tổ chức đoàn giám sát được 145 cuộc. Qua giám sát đã kiến nghị giải quyết 27 trường hợp và được đơn vị chịu sự giám sát tiếp thu, có văn bản trả lời. Những hạn chế sau giám sát được khắc phục, nhiều trường hợp kéo dài nhiều năm, qua giám sát của Mặt trận đã được xử lý dứt điểm.
Trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ tỉnh đã chủ động tổ chức các diễn đàn, toạ đàm nhằm đối thoại giữa người dân với cấp uỷ, chính quyền để nhân dân thảo luận, đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tham gia góp ý xây dựng chính quyền, đội ngũ cán bộ đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4.
Năm 2018 với vai trò là trưởng Cụm Tây Nam Bộ cùng với những kết quả đạt được trong năm vừa qua, tin tưởng rằng, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Kiên Giang sẽ làm tốt trọng trách trưởng cụm, đồng thời sẽ xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, cách làm hay hiệu quả ngày càng khẳng định vai trò vị trí của Mặt trận trong tình hình mới…