Hậu Giang: Nông nghiệp là bệ đỡ cho kinh tế
Năm qua, nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Hậu Giang tiếp tục khẳng định vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế tỉnh nhà.
Cánh đồng lớn giúp người dân tăng thêm lợi nhuận từ 3-5 triệu đồng/ha/vụ.
Thông qua những định hướng lớn đã được phê duyệt, ngành tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp đồng bộ gắn với xây dựng nông thôn mới. Mặt khác đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nâng cao giá trị sản xuất cho nông dân trên cùng diện tích đất canh tác.
Một trong số dấu ấn nổi bật của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh nhà là việc tập trung mở rộng chuỗi liên kết lúa chất lượng cao theo hướng cánh đồng lớn trên vùng quy hoạch 32.000 ha ở các địa phương trong tỉnh. Qua đó, tạo tiền đề cần thiết để kéo nhà nông với doanh nghiệp gần nhau hơn, bằng cách sản xuất ra loại lúa, gạo mà thị trường cần. Cụ thể trong năm qua, có không ít công ty, doanh nghiệp trực tiếp đầu tư và ký hợp đồng bao tiêu trên diện tích 9.258ha, giúp người dân tăng thêm lợi nhuận từ 3-5 triệu đồng/ha/vụ so với mô hình canh tác truyền thống.
Bên cạnh các đề án lớn của ngành như Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao giai đoạn 2016-2020 thì đến nay, các đơn vị huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tích cực triển khai xây dựng đề án phát triển cây trồng tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Đơn cử như Đề án phát triển cây khóm thành phố Vị Thanh, Đề án phát triển cây mãng cầu xiêm huyện Phụng Hiệp, Đề án phát triển lúa chất lượng cao huyện Vị Thủy, Đề án phát triển sản xuất xoài giai đoạn 2017 - 2020 huyện Châu Thành A…
Đáng kể là nhiều loại trái cây chủ lực của tỉnh như bưởi, chanh không hạt, quýt đường đang được các hợp tác xã đẩy mạnh liên kết sản xuất và cung ứng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Riêng đối với lĩnh vực thủy sản, cụ thể là cá thát lát cũng đang có nhiều công ty, doanh nghiệp thu mua sản phẩm để chế biến và cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh... Tất cả đã và đang mở ra hướng phát triển tích cực cho người dân Hậu Giang, những người trực tiếp làm ra sản phẩm, góp phần giúp cho khu vực I tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cho rằng, tốc độ tăng trưởng của ngành năm nay vượt bậc và đều hoàn thành cả 5 chỉ tiêu mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng khu vực I là 2,2% trong năm 2018 nên tới đây, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng về đất đai ở từng vùng. Đẩy mạnh thâm canh ứng dụng công nghệ kỹ thuật mới vào sản xuất, đổi mới giống cây trồng, phát triển những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh; Đề án phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2020. Phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với thị trường, các mô hình liên kết trong chăn nuôi theo chuỗi giá trị; khuyến khích mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng tập trung an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường; tập trung công tác quản lý, kiểm soát giống nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất.
Chỉ đạo nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, kế hoạch; áp dụng các quy trình tiêu chuẩn vào sản xuất để tạo ra hàng hóa đáp ứng tốt yêu cầu thị trường. Tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện tốt, đúng tiến độ các chương trình, đề án, dự án trọng điểm về nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tích cực triển khai chương trình, dự án, đề án phục vụ xây dựng nông thôn mới. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, công trình cung cấp nước sạch... nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tăng thu nhập, cải thiện mức sống và điều kiện sống của dân cư nông thôn…