Tết đến rồi!
Khi những cành đào khoe sắc thắm, những đóa mai vàng lộng lẫy theo chân người về phố, khi các bến xe tấp nập người vào kẻ ra ấy là Xuân về Tết đến. Nhờ sự nỗ lực của mỗi người dân, sự chăm lo của các cấp các ngành, chắc chắn sẽ không có người nào không có Tết. Tết đã gõ cửa từng gia đình.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng đông đảo bà con kiều bào tiến hành nghi lễ thả cá chép tiễn ông Táo về trời, ngày 7/2. (Ảnh: Quang Vinh).
Xuân về phố
Thế là Tết Nguyên đán Mậu Tuất cận kề khi mà khắp các ngõ phố đều bày bán những mặt hàng phục vụ Tết.
Giờ thì các tuyến phố “nhuộm đỏ” bởi sắc đỏ của đào truyền thống. Từ đào thế, đào cảnh, đào cổ thụ… bày bán tràn ngập khắp phố phường.
Giá hoa đào năm nay cao hơn năm ngoái bởi thời tiết khắc nghiệt. Đào từ Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang... cũng xuất hiện nhiều trên các tuyến phố. Giá của những cành đào rừng này không hề rẻ, nó có giá từ trên 1 triệu trở lên nhưng thu hút nhiều người mua, nhất là những nhà có diện tích lớn.
Thời điểm này, rất nhiều người dân đã ra phố chọn mua cây cảnh về chơi Tết. Rất nhiều người không tiếc tiền bỏ tiền triệu ra để mua cây cảnh với mong Tết đến với gia đình mình sớm hơn.
Bà Lan (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết vừa mua một cây quất nhỏ, nhưng giá thì không hề rẻ, gần 1 triệu đồng. Bà Lan cho hay, dù biết mua đắt nhưng có cây quất trong nhà để thấy không khí Tết đã về nhà mình”.
Thật vậy, không khí Tết đã tràn ngập trên khắp phố phường Hà Nội, dọc các tuyến phố đường như Lạc Long Quân, đường Bưởi, đường Tố Hữu… bày bán đủ loại cây cảnh.
Những năm gần đây người dân ưu chuộng những cây quất trồng trong chậu có dáng bonsai. Giá quất bonsai thường có giá cao hơn quất thường. Loại táo bonsai có nguồn gốc từ Trung Quốc hiện được bày bán khá nhiều tại các khu chợ ở Hà Nội.
Mùa xuân không chỉ theo chân những cành đào gốc mai về phố, hiện nhiều thành phố đã chở mùa xuân về các vùng nông thôn bằng những phiên chợ Tết rất đặc biệt. Bà Nguyễn Thị Hải Thanh - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, đây là năm thứ 3 Hapro tổ chức phiên chợ Tết đưa hàng Việt về các vùng nông thôn và năm nào cũng được bà con nhân dân hưởng ứng rất nhiệt tình.
Theo đó các sản phẩm thiết yếu ngày Tết như, bánh chưng, giò các loại của Công ty Thực phẩm Hà Nội; Rượu vang Thăng Long, Vodka Hapro; sản phẩm Bánh mứt kẹo tết của Công ty Thuỷ Tạ, Xí nghiệp bánh mứt kẹo Hà Nội, Hữu nghị, Kinh Đô; Gạo hương lài sữa dẻo Hapro; các sản phẩm đầy ắp hương vị Tết của các Công ty Unilever, Trung Thành, Bia Hà Nội, Bia Halida…đã có mặt khắp các vùng miền để phục vụ nhân dân đón Tết.
Những “chuyến xe mùa xuân”
Tết ai cũng trông đợi, nhưng mỗi người đón Tết với một tâm thế khác nhau. Không phải ai cũng được hưởng niềm vui trọn vẹn với cái Tết no đủ. Vẫn còn rất nhiều cảnh đời không có Tết, những cái Tết tha hương…
Hiểu được những khó khăn của từng mảnh đời, những năm qua, các cấp, cách ngành đã chung sức, đem mùa xuân đến với mọi gia đình.
Đầu tuần qua, tại TP Hồ Chí Minh những “chuyến xe mùa xuân” đã được tổ chức để hỗ trợ 3.000 sinh viên đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố được về quê sum họp cùng gia đình trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Hoàng Như Ngọc - sinh viên năm 3 trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM chia sẻ: “Em rất vui mừng khi biết mình được nhận vé xe miễn phí về sum họp cùng gia đình. Hoàn cảnh khó khăn với chúng em, việc lo vé xe về quê ăn Tết cũng không phải chuyện dễ dàng gì”.
Bắt đầu từ năm 2002, đến nay đã có 47.100 lượt sinh viên khó khăn đã được về quê ăn Tết. Chương trình như một thông điệp tốt đẹp, một lời chúc, một món quà gửi đến các bạn sinh viên.
Chương trình là dịp hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP HCM được về quê sum họp cùng gia đình trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của xã hội với sinh viên khó khăn, vai trò của tổ chức Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên TP trong việc chăm lo, động viên, hỗ trợ sinh viên trong dịp Tết cổ truyền.
Tết không chỉ theo chân các bạn sinh viên về các vùng quê nghèo, Tết đã gõ cửa các bệnh viện, đến với các bệnh nhân nghèo bằng sáng kiến đi chợ Tết 0 đồng tại bệnh viện.
Phiên chợ đặc biệt diễn ra vào sáng 4/2 tại Bệnh viện quận Thủ Đức, TP HCM.
Khi đến phiên chợ này, với mỗi phiếu mua hàng trên tay, mỗi bệnh nhân nghèo được lựa chọn bảy mặt hàng với giá chỉ 0 đồng.Các mặt hàng gồm có những món ăn truyền thống mang hương vị Tết như bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng.
Ngoài ra, còn có những mặt hàng phục vụ ngày Tết như dầu ăn, nước ngọt, bánh kẹo, gạo, quần áo, trái cây...
Đây là hoạt động do Bệnh viện quận Thủ Đức phối hợp với các nhà hảo tâm thực hiện nhằm giúp khoảng 300 bệnh nhân khó khăn đang điều trị tại bệnh viện sắm sửa cho dịp Tết.
Những ngày áp Tết này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tham dự Chương trình “Tết Sum vầy” 2018 do Tổng LĐLĐ Việt Nam và LĐLĐ tỉnh Hải Dương phối hợp tổ chức.
Hơn 400 công nhân tại các khu công nghiệp của Hải Dương cùng tham dự chương trình. Nhấn mạnh việc chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và thực hiện, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có sáng kiến và tổ chức thành công “Tết Sum vầy” trong nhiều năm qua, góp phần làm cho mùa xuân thêm ấm áp đối với người lao động, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước.
Từ chủ trương của Tổng Liên đoàn, các công đoàn địa phương, công đoàn ngành đã và đang tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như: “Tấm vé nghĩa tình” - món quà ngày xuân cho người lao động về quê; tổ chức đón Tết cho người lao động ở lại; chăm lo cho người lao động khó khăn, mất việc làm, ốm đau, bị tai nạn lao động, vùng bị thiên tai, lũ lụt…
Những hoạt động này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tổ chức công đoàn đối với người lao động.Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đã trao 100 tấm lụa tặng mẹ của những công nhân có quê ở miền Trung bị thiệt hại do bão lũ năm 2017 vừa qua.
Không để bất kỳ người dân nào không có Tết, tại rất nhiều cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngành LĐTBXH phải tổ chức và quan tâm tới người dân, nhất là người nghèo, cô đơn không nơi nương tựa, người yếu thế, gặp khó khăn trong dịp Tết Mậu Tuất năm nay. Chăm lo, hỗ trợ để mọi gia đình đều có Tết...
Giã từ những ngày cuối cùng của năm cũ, giờ thì người người, nhà nhà hối hả đi chợ sắm Tết, mua quần áo mới, gói bánh chưng, mổ lợn, giã giò, quét dọn nhà cửa, lau chùi đồ thờ, trang hoàng câu đối Tết…
Ngày Tết, thiên nhiên như ùa vào từng căn nhà đem lại sự ấm áp cho mọi người. Chia tay năm cũ, đón năm mới với những niềm hy vọng mới.
Phát biểu tại chương trình Xuân Quê hương 2018 mang tên “Việt Nam - Rạng ngời tương lai” tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia tối 7/2, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chào mừng bà con kiều bào về đón Tết tại quê hương và những bà con đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài. Với niềm tin về một năm Mậu Tuất rạng ngời tương lai, tạo đà để đất nước đi lên, Chủ tịch nước chúc toàn thể kiều bào ta ở nước ngoài một năm sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chủ tịch nước mong muốn, đồng bào ta ở nước ngoài muôn người như một, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng cùng đồng bào và chiến sĩ cả nước xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế. |