Lam Sơn - Sao Vàng: Đô thị mang tầm chiến lược của Thanh Hóa
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương và tỉnh Thanh Hóa; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân khu vực thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng, huyện Thọ Xuân đã đoàn kết, huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng và phát triển khu vực.
Cảng hàng không Thọ Xuân.
Đây là đô thị động lực, trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Tây tỉnh Thanh Hoá, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Tây tỉnh Thanh Hoá và khu vực Nam Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; là đầu mối giao thông, hàng không và hạ tầng kỹ thuật, có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng; đồng thời là đô thị công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ và du lịch.
Khu vực thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng thuộc Đô thị Lam Sơn - Sao Vàng, huyện Thọ Xuân là đô thị nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tuyến đường chiến lược phát triển vùng phía Tây của đất nước nói chung và của tỉnh Thanh Hóa nói riêng.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị tỉnh Thanh Hóa xác định: khu vực Lam Sơn - Sao Vàng, huyện Thọ Xuân là 1 trong 4 cụm kinh tế động lực của tỉnh Thanh Hóa (TP Thanh Hóa - Sầm Sơn; KKT Nghi Sơn, KCN Bỉm Sơn - Thạch Thành; KCN Lam Sơn - Sao Vàng).
Đô thị Lam Sơn - Sao Vàng và đô thị trung tâm vùng miền núi phía Tây Thanh Hóa (Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc) là những đô thị động lực phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi phía Tây Thanh Hóa nói riêng và của tỉnh Thanh Hóa nói chung.
Khu vực thị trấn Lam Sơn, thị trấn Sao Vàng và khu vực dự kiến mở rộng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử với điểm nhấn là Khu di tích lịch sử Lam Kinh - Khu di tích quốc gia đặc biệt; là địa bàn kinh tế trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa với thế mạnh phát triển ngành công nghiệp xuất phát điểm là các nông trường Lam Sơn, Sao Vàng, nhà máy mía đường Lam Sơn; và cũng là địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành dịch vụ du lịch, vận tải với đầu mối là cảng hàng không Thọ Xuân.
Với những thuận lợi đó, chỉ tính riêng năm 2016 tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực đạt 17,3%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: Tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông - lâm - ngư nghiệp.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 của khu vực đạt 39,85 triệu đồng, cao hơn so với thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh là 1,16 lần.
Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn khu vực đạt 71,51%. Sự phát triển của khu vực là một trong những đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị toàn tỉnh.
Để tạo điều kiện cho khu vực sớm thực hiện thành công mục tiêu trở thành đô thị động lực của tỉnh Thanh Hóa và để tiếp tục xây dựng, phát triển đô thị nhanh, bền vững, hiện tại, chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân đang rất mong muốn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa và các ngành chức năng phối hợp và tạo điều kiện cho Thọ Xuân thực hiện Chương trình phát triển đô thị (đang được xây dựng) nhằm huy động tối đa các nguồn lực trong xã hội để tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng phát triển khu vực theo nội dung Chương trình; Tạo điều kiện và cho phép UBND huyện tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm quảng bá, hội nghị xúc tiến đầu tư, kêu gọi các cá nhân, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp đầu tư vào khu vực. Cùng với đó, UBND tỉnh ban hành các cơ chế đặc thù cùng với các chính sách ưu đãi trong hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút của các doanh nghiệp triển khai các dự án vào khu vực, tạo tiềm lực về kinh tế và hạ tầng kỹ thuật thúc đẩy sự phát triển kinh tế, phát triển đô thị.
Huyện cũng mong muốn UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm hỗ trợ, bố trí vốn thực hiện các dự án ưu tiên giai đoạn ngắn hạn 2016 - 2020 và một số công trình cấp thiết, có tính chất thay đổi diện mạo khu vực nhằm khắc phục, hoàn thiện nhóm tiêu chuẩn chưa đạt điểm và nhóm tiêu chuẩn chưa đạt điểm tối đa theo các tiêu chí của đô thị loại IV (đặc biệt là tiêu chí về hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị); UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đôn đốc Chủ đầu tư sớm triển khai xây dựng các dự án phát triển đô thị; chỉ đạo các ngành chức năng khi quy hoạch xây dựng cần đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế tập trung để thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường...