Người đúc nghìn pho tượng mẹ Âu Cơ
Khả năng thiên bẩm đó cộng thêm việc ham tìm tòi, học hỏi giúp ông đúc thành công đôi tượng thần đèn ngồi quỳ, chiếc trống đồng hai mặt đánh kêu như trống da. Cả hai hiện vật trên đều đã được xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam.
Mới đây nhất, nghệ nhân Nguyễn Bá Châu (làng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá) vinh dự được Ban tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017 đặt đúc một nghìn pho tượng mẹ Âu Cơ làm quà tặng các vị khách quý trên thế giới dự hội nghị.
Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu.
Cháy bỏng đam mê
Ông Châu kể rằng, chính cụ thân sinh ra ông đã thắp lên niềm đam mê nghề đúc đồng truyền thống ở làng Trà Đông vốn bị mai một từ nhiều năm trước đó. Vào năm 1969, khi đó bố ông Châu đương chức Chủ nhiệm HTX đúc đồng Thiệu Trung được Phòng Công thương thuộc UBND huyện Thiệu Hoá giao đúc pho tượng đồng Bác Hồ theo mẫu do nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ tạc bằng đất.
“Bố tôi cùng với mười mấy hộ gia đình lần đầu tiên đúc pho tượng đồng nặng 470kg. Lúc này tôi mới 7 tuổi nhưng vẫn nhớ như in kỷ niệm đó. Bố chỉ đạo, trực tiếp nấu rất nhiều nồi đồng nhỏ và rót vào khuôn với sự cẩn trọng cao độ. Bức tượng đầu tiên về hình ảnh của Bác Hồ được đúc bằng đồng hiện vẫn đang lưu giữ tại UBND huyện Thiệu Hoá”- ông Châu nhớ lại.
Ấn tượng đặc biệt nói trên đã nhen nhóm trong trái tim, khối óc của cậu bé Châu rằng sau này mình sẽ tiếp tục nối nghiệp, gìn giữ nghề truyền thống của làng. Nhưng rồi nghề đúc đồng ở Thiệu Trung cứ mai một mãi.
Đến năm 1998, Nguyễn Bá Châu tự mày mò với suy nghĩ trong đầu không muốn để thất truyền nghề cha ông từng dày công gây dựng.
Vậy rồi, ông sưu tầm trống đồng, nghiên cứu, đặt câu hỏi tại sao người xưa làm được, mình phải bó tay?
Ngọn lửa đam mê ấy biến thành hiện thực, vào năm 2000 ông Châu đúc thành công chiếc trống đồng đầu tiên sau hàng nghìn năm lịch sử bị thất truyền và tặng sản phẩm đầu tay cho UBND tỉnh Thanh Hoá.
Nhưng ở thời điểm đó khó khăn, nghề đúc trống đồng còn khá mới mẻ. Phải đến năm 2005, đội ngũ thợ đúc tinh thông nghề nghiệp hơn và rồi làng nghề đúc đồng Trà Đông mới từng bước được khôi phục.
Không chỉ là người đầu tiên ở làng Trà Đông nhen nhóm việc khôi phục lại nghề đúc đồng truyền thống ở Thiệu Trung, ông Châu còn tạo tác nên những sản phẩm có giá trị đặc biệt, được xác lập vào kỷ lục Guinness Việt Nam.
Đó là đôi tượng thần đèn ngồi quỳ, chiếc trống hai mặt bằng đồng, đánh kêu như trống da, cả hai hiện vật đang được lưu giữ trang trọng tại chùa Đông Sơn và Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng.
Ngoài ra, cũng chính ông Châu là tác giả của chiếc trống đồng kỷ lục cao 1,6 m, rộng 2,4 m đang trưng bày tại khu dã ngoại huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Tượng mẹ Âu Cơ.
Chuyện về nghìn pho tượng mẹ Âu Cơ
Bằng tài năng thiên bẩm cộng với sự làm việc nghiêm túc, cần cù của bản thân, ông Châu là nghệ nhân duy nhất vinh dự được giao trọng trách đúc nghìn pho tượng mẹ để làm quà tặng các nguyên thủ, chính khách của 21 nền kinh tế đến dự Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng hồi tháng 11/2017.
Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu cho biết: Đây là ý tưởng hướng về cội nguồn của ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Tiếp đó, Trường Đại học Mỹ thuật được giao nhiệm vụ tạo mẫu, thiết kế.
Sau khi chỉnh sửa, bức tượng mẹ Âu Cơ được thiết kế đứng trước biển với ba người con, tượng trưng cho ba miền Bắc, Trung, Nam.
Phía sau thân tượng ban đầu thể hiện cánh đồng lúa nhưng cuối cùng được thiết kế dải trứng, nòng nọc tượng trưng cho việc duy trì giống nòi.
Mẹ Âu Cơ đội mũ lông chim, đeo khuyên tai, vòng cổ, mặc áo yếm, váy thổ cẩm; các con đóng khố. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu nhớ lại: Đơn vị nắm giữ bản quyền độc bản Việt Nam đưa ra tiêu chí, đúc mẫu và công bố rộng rãi đến các nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực đúc đồng ở các làng nghề Nam Định, Huế, Bắc Ninh, Ngũ Xá...
Nhiều nghệ nhân vào cuộc làm thử nhưng không thành công. “Tôi là người làm cuối cùng, khi đúc xong mấy pho tượng mẫu, Ban tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017 đưa ra so sánh với sản phẩm của các đơn vị cùng đăng ký thi tài và tôi may mắn được lựa chọn”- ông Châu tự hào.
Nhận nhiệm vụ rồi, ông Châu suy nghĩ, tính toán bởi pho tượng này làm rất khó, đòi hỏi kỹ thuật cao, bốn khuôn mặt của bốn người phải hoàn hảo.
Nghệ nhân Nguyễn Bá Châu cùng các cộng sự xác định, trong số 1.000 pho tượng mẹ, không được phép để lỗi bất cứ pho nào.
Ông Châu trầm ngâm: “Đây là món quà đặc biệt giá trị, mang ý nghĩa tượng trưng cho con người, dân tộc Việt Nam. Sản phẩm lại được trao tặng cho các chính khách, nguyên thủ quốc gia càng đòi hỏi phải cẩn trọng đến từng chi tiết. Tôi cùng nghệ nhân Nguyễn Bá Quý và đội ngũ thợ lâu năm nghiên cứu, tính toán rất tỉ mẩn về mặt kỹ thuật, đưa ra sáng kiến trong việc tạo khuôn, nấu đồng... Mình là người thợ đúc bình thường nhưng được giao việc trọng nên dốc hết tâm sức để làm”.
Đối với cuộc đời của một người nghệ nhân, không mấy ai may mắn được giao thực hiện một việc rất ý nghĩa để lại tiếng thơm lâu dài cho gia đình, góp phần quan trọng đưa làng nghề Trà Đông vươn lên đẳng cấp cao hơn như nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu.
Chính điều đó càng thôi thúc ông dồn hết khả năng và đúc thành công mỹ mãn 1.000 pho tượng mẹ đúng như kỳ vọng của đơn vị đặt hàng.
Sau khi hoàn thiện, có rất nhiều người tâm đắc, ngưỡng mộ, ngợi khen sản phẩm bức tượng mẹ và ngỏ ý muốn mua nhưng ông Châu không thể bán, tặng.
Bởi đó là bức tượng độc bản, độc quyền, không ai được sản xuất. Mỗi pho tượng đều được đánh số từ 0001 đến 1000, tượng cao 30cm, nặng 2,6kg/pho được đúc bằng 66% nguyên liệu đồng và vàng, 34% hợp kim.
Niềm tự hào của làng nghề
Ông Hồ Quang Sơn- chủ tịch Hội di sản văn hoá Lam Kinh kiêm Chủ tịch Hội cổ vật Thanh Hoa cho biết: Hội ghi nhận, đáng giá cao tâm sức của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu.
Đây là niềm vinh hạnh của những nghệ nhân đúc đồng truyền thống xứ Thanh và của người dân trong cả nước khi biểu tượng văn hoá Việt xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới.
“Tại sao, Ban tổ chức hội nghị cấp cao APEC 2017 lại chọn tượng mẹ Âu Cơ để tặng cho các nguyên thủ, chính khách của 21 nền kinh tế? Theo tôi, đó là việc chúng ta mong muốn gửi bức thông điệp đến bạn bè quốc tế, giúp họ hiểu rõ hơn về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, không để bất kỳ thế lực nào có thể lay chuyển. Đó là biểu tượng của sự đùm bọc, sẻ chia, đồng sức, đồng lòng của những người con mang dòng máu Việt”- ông Sơn nhận định.
Bà Trương Thị Nhàn (vợ nghệ nhân Châu) tỏ rõ niềm tự hào về đôi bàn tay tài hoa và khối óc giàu trí tưởng tượng của chồng mình. Bà nhớ rằng, ngày họ cưới nhau, bố mẹ giao vốn đúng một yến đồng nhưng chia thành nhiều lần, mỗi lần cho vài cân.
“Từ món của hồi môn đó, anh Châu lao vào làm việc vất vả lắm. Các sản phẩm đầu tay thường bị vỡ nhưng chưa bao giờ thấy anh ấy nản chí cả. Anh Châu lăn ra làm ngày, làm đêm vừa kiếm kế mưu sinh vừa có nguồn vốn để thực hiện ước mơ khôi phục nghề đúc trống đồng theo phương pháp thủ công của làng. Những lần đầu, chồng tôi đúc loại trống nhỏ cao 10 cm, 15 cm, rồi 30 cm. Mỗi khi sản phẩm bị hỏng, anh vò đầu, bứt tóc, trăn trở suốt nhiều ngày, nhưng đến khi hoàn thành thì anh ấy ngắm nghía cả đêm khiến tôi vừa thầm cảm phục, vừa thấy thương chồng”.
Nói về nghệ nhân ưu tú Nguyễn Bá Châu, ông Hồ Quang Sơn ghi nhận: Lúc nào nghệ nhân Nguyễn Bá Châu cũng đam mê, khát khao muốn đột phá, tìm tòi cái mới, đau đáu sáng tạo nên đôi khi cũng phải trả giá khá đắt cho mỗi lần thử nghiệm.
Bởi mỗi sản phẩm đều khác nhau, cái to, cái nhỏ, cái dày, cái mỏng, cái ngóc ngách, cái uốn lượn, rất phức tạp.
Nhưng khi hoàn thiện, thành công rồi thì giá trị của sản phẩm chính là đứa con tinh thần thôi thúc ông ấy nỗ lực hơn, sáng tạo hơn nữa.
Những thành quả của nghệ nhân Châu có vai trò đóng góp quan trọng vào sự hồi sinh, phát triển ở làng nghề đúc đồng truyền thống theo phương pháp thủ công Trà Đông”- ông Sơn khẳng định.