Vượt sóng đại dương
Chủ trương xây dựng 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) của Chính phủ đang đặt ra những kỳ vọng mới về sự bứt phá của nền kinh tế. Ai đó đã ví xây dựng đặc khu kinh tế giống như xây tổ phượng hoàng. Nhưng liệu tổ phượng hoàng đó có thực sự hấp dẫn hay không?
Cảng An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang).
Kỳ vọng dẫn dắt nền kinh tế
Kế hoạch phát triển 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được kỳ vọng trở thành “cực tăng trưởng” cho kinh tế đất nước.
Bài học thành công từ các mô hình đặc khu kinh tế trên thế giới đã chứng minh khả năng tạo lực đẩy mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia.
Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho thành công đó.
Tại quốc gia này, các đặc khu đã đóng góp tới 22% GDP, 45% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tới 60% kim ngạch xuất khẩu.
Còn ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc khu đã trở thành các đầu tàu kinh tế, mang lại GDP cho quốc gia và góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.
Nhóm nghiên cứu thuộc Tạp chí kinh tế thế giới năm 2015 đã chỉ ra, sự phát triển của các đặc khu này đã góp phần quan trọng thúc đẩy thương mại toàn cầu, tạo ra trên 66 triệu việc làm trực tiếp.
Về chủ trương xây dựng 3 đặc khu kinh tế, theo tính toán của giới chuyên gia, nếu được thành lập và quản lý với mô hình hiệu quả, 3 đặc khu kinh tế của Việt Nam có thể đạt mức thu nhập bình quân đầu người lên đến 12.000 USD - 13.000 USD/năm (tương đương 230 - 250 triệu đồng).
Trong đó, riêng đặc khu Vân Đồn có thể mang lại khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí, 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất đóng góp cho ngân sách hàng năm.
Bắc Vân Phong cũng dự kiến sẽ đem lại khoảng 1,2 tỷ USD thuế và phí, 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất.
Còn Phú Quốc sẽ đóng góp khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế và phí và các nguồn thu từ đất.
Các doanh nghiệp tạo nên giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD. Những con số nói trên cho thấy sẽ “lợi đơn, lợi kép” khi xây dựng thành công 3 đặc khu kinh tế.
Và chắc chắn, từ 3 đặc khu này, bức tranh nền kinh tế Việt Nam sẽ có được những gam màu rực rỡ.
Tương lai là như vậy, tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Mô hình cơ chế phát triển đặc khu thế nào để đạt được những mục tiêu kỳ vọng là mang lại sự đột phá lớn về phát triển kinh tế, từ đó tạo tác động lan tỏa tới toàn khu vực cũng như cả nước?
Vấn đề này đã được đưa lên mổ xẻ tại nhiều hội nghị, hội thảo, nhiều cuộc tọa đàm kinh tế. Và thực tế, thời gian qua, nhà quản lý cũng đang xây dựng và lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm mang đến những cơ chế tốt nhất để xây dựng thành công 3 đặc khu kinh tế của Việt Nam.
Mở cửa bằng cơ chế “không cửa”
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam quyết định xây dựng đặc khu kinh tế không phải là ý tưởng gì mới mẻ, vì thế giới đã và đang thực hiện rất thành công mô hình này.
Điều này được TS Võ Trí Thành- nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) hơn một lần khẳng định.
Theo TS Thành, các chính sách cho đặc khu cần vượt ra ngoài các ưu đãi thông thường trong các dự án luật của Việt Nam, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
“Có thể chấp nhận các “trò chơi mới”, cách chơi mới về thanh toán, tiền tệ, nhưng “cách chơi mới” đó vẫn luôn phải được giới hạn ở mức có thể kiểm soát được”- TS Thành nhấn mạnh.
Để tiếp sức cho mục tiêu xây dựng 3 đặc khu kinh tế thành công, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt đang được xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi.
Nhấn mạnh về việc xây dựng Luật này, các chuyên gia đều cho rằng, cần phải có những quy chế vượt trội, không chỉ đối với trong nước mà còn so với quốc tế nhằm nâng cao tính cạnh tranh, đột phá khi đặt cạnh những đặc khu kinh tế khác.
Vượt trội như thế nào, các nhà quản lý cần phải đặt trong bối cảnh chúng ta đang tiếp nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chứ không chỉ dựa trên nền tảng cũ.
Nói như GS Đặng Hùng Võ- nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chính sách ưu đãi cho phát triển kinh tế xã hội trong Dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mới đạt được ở mức cơ bản chứ chưa mang tính đột phá.
Theo GS Võ, thủ tục hành chính “một cửa” chưa phải là đột phá. Muốn đột phá, cần mạnh dạn đưa ra thủ tục hành chính điện tử một cửa, thậm chí với công nghệ 4.0 là “không cửa”.
Giới chuyên gia nước ngoài cũng nhìn nhận, xây dựng mô hình đặc khu kinh tế, Việt Nam cần tập trung xây dựng chiến lược và cơ sở hạ tầng cho phù hợp, có khung khổ thể chế rõ ràng; thông thoáng để hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đồng thời chú trọng quảng bá hình ảnh các đặc khu để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
“Đặc khu chỉ có thể coi là thành công thực sự khi mọi người đều được hưởng lợi, cả nhà đầu tư, người dân sở tại nói riêng và người dân toàn quốc nói chung nhờ tác dụng lan tỏa”- ông Marcin Milosz, nhóm tư vấn công ty tư vấn Boston nhận định khi trao đổi về vấn đề này.
Nói cho cùng, dù thế nào, mũi tên cũng đã được tra vào cánh cung. Với những ý kiến đóng góp của giới chuyên gia kinh tế, nhà khoa học vào Luật Đơn vị hành chính đặc biệt thời gian qua, dư luận kỳ vọng 3 đặc khu kinh tế chắc chắn sẽ được xây dựng thành công và trở thành đầu tàu để hướng con tàu kinh tế của Việt Nam “rẽ sóng” vượt đại dương, mạnh mẽ, tự tin hội nhập kinh tế quốc tế.
TS Nguyễn Đức Thành- giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR): Đặc khu kinh tế là mô hình phát triển hiện đại nó sẽ có những tác động lớn đến kinh tế và xã hội của địa phương được mở đặc khu kinh tế. Lợi thế lớn nhất khi mở đặc khu là thí điểm xây dựng các thể chế mới, trên cơ sở đó sẽ ứng dụng và làm cho lan tỏa ra những phần còn lại của cả nước. Mục tiêu chính là tạo ra sự tăng trưởng bền vững thông qua thay đổi thể chế, tăng năng suất và tạo động lực phát triển. Đây là vấn đề đặt ra cho những người lãnh đạo có đủ tầm nhìn, sự thận trọng và lòng can đảm. Ông Nguyễn Văn Đực- phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh: Với hai phương án, trong đó phương án thứ nhất cho rằng, chính quyền ở đặc khu nên gọn nhẹ, tối giản với một người đứng đầu là Trưởng đặc khu - người được giao thẩm quyền khá lớn. Phương án thứ hai là tổ chức đặc khu như một cấp chính quyền đầy đủ với HĐND, UBND. Tôi đồng thuận với phương án Trưởng đặc khu. Mỗi đặc khu có tính ưu việt riêng và Trưởng đặc khu là người nắm được những đặc tính ưu việt đó, và để phát huy được điểm ưu việt và những lợi thế vượt trội thì bộ máy hành chính cũng phải được tổ chức tương ứng. |