Viettel: Đón đầu cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0
Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông quân đội (Viettel), ông Nguyễn Mạnh Hùng từng nhận định, Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 là cuộc cách mạng mà Việt Nam có rất nhiều lợi thế, trong đó “lợi thế của người đi sau” là một yếu tố quan trọng để Việt Nam nói chung và Viettel nói riêng đón đầu, sớm hòa nhập vào sự tăng tốc thần kỳ của cuộc cách mạng này.
Viettel mở rộng sang lĩnh vực nghiên cứu sản xuất. |
Lợi thế của một nước đang phát triển
Phân tích về những lợi thế của “người đi sau”, Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, mục tiêu của một cuộc cách mạng luôn là làm cho cái mới thay thế hoàn toàn cái cũ. Nói đơn giản là cái “B” sẽ thay thế cái “A”. Vì vậy, tất cả những nước nào đang có “A” thì sẽ đứng trước nguy cơ lớn là bị mất đi vị thế đã có.
Nói một cách cụ thể hơn, ở các nước phát triển đã đầu từ hàng triệu tỷ USD vào “cái A” đó rồi nên vứt bỏ đi là điều rất không dễ dàng. Trong khi đó, Việt Nam là một nước đang phát triển, ở ba cuộc cách mạng trước, do chưa có điều kiện nên chúng ta chưa đầu tư xây dựng được nhiều. Tức là, Việt Nam chưa có “cái A”, nên chúng ta làm ngay “cái B”, điều đó sẽ giúp giảm chi phí, giảm thời gian thay thế những ứng dụng cũ.
Bên cạnh đó, CMCN 4.0 là cuộc cách mạng công nghệ cao nhưng lại nhằm giải quyết những vấn đề, nhu cầu rất nhỏ, rất đa dạng, phong phú từ mỗi một cá nhân nói riêng đến cả xã hội. Trong khi đó hiện nay, Việt Nam đang là nước thu nhập trung bình, có khát vọng vươn lên, có rất nhiều nhu cầu và nhiều triển vọng. Đó chính là những lợi thế của Việt Nam khi bước vào cuộc CMCN 4.0.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng, để hòa nhập nhanh chóng với “bức tranh” tổng thể 4.0, có rất nhiều thách thức đang đặt ra đối với nền kinh tế-xã hội nói chung cũng như ngành viễn thông nói riêng.
Ví dụ, trên thế giới, gần đây McDonald's công bố sẽ xây thêm 25.000 nhà hàng mới, hoạt động hầu như bằng robot và tự động hóa nên có thể cắt giảm hàng trăm nghìn người lao động. Hay mới đây thông tin Foxconn Technology Group, công ty cung cấp linh kiện cho hãng Apple và Samsung, cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 60.000 nhân công và thay thế bằng robot. Khi đó, nhiều lĩnh vực công nghiệp được tự động hóa thay thế con người và các yêu cầu về kỹ năng của người lao động sẽ cao.
Hay ở Việt Nam chúng ta, ngành điện lực sẽ thực hiện thu tiền điện hoàn toàn qua hệ thống chuyển khoản hay các hình thức thu hộ với sự hỗ trợ của intenetbanking, smart phone hay các hình thức thanh toán hiện đại khác. Thế nhưng, sẽ giải quyết thế nào với lực lượng cả chục nghìn nhân viên đang thực hiện công việc thu tiền điện trực tiếp hàng tháng? Đó là những vấn đề rất lớn không chỉ đối với ngành điện nói riêng mà đã là vấn đề cần giải quyết của cả xã hội.
Đối với Viettel, do xuất phát từ định nghĩa CMCN 4.0 là cuộc cách mạng của việc phát hiện nhu cầu, vấn đề và giải quyết những điều đó bằng viễn thông kết hợp với công nghệ thông tin (CNTT) nên không chỉ hiện nay mà trước đây nhiều năm, trong chiến lược phát triển của mình Viettel đã tiên phong nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm ứng dụng CNTT vào đời sống kinh tế-xã hội.
“Lợi thế đó chỉ có thể được phát huy nếu Việt Nam xây dựng đầy đủ nền tảng để tiếp nhận một cách hiệu quả những công nghệ tiên tiến nhất của thời đại”, Tổng Giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Chuẩn bị nền tảng tốt
CMCN 4.0 là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng kết nối và trí tuệ nhân tạo. Riêng với nền tảng kết nối, cuộc cách mạng này sẽ thay đổi bản chất của thế giới, không chỉ còn là tương tác giữa người với người, mà còn là giữa con người với thiết bị, thậm chí giữa thiết bị với nhau.
Kết nối, cả có dây và không dây, đều là thế mạnh của Viettel bởi hạ tầng của Viettel đã trải rộng khắp Việt Nam với 36.000 trạm, tới 95% dân số. Về kết nối có dây, Viettel dựa vào công nghệ cáp quang, phủ rộng tới từng xã, tới từng hộ gia đình ở Viêt Nam. Trong tương lai, 24 triệu hộ gia đình trên khắp đất nước sẽ trở thành những hệ thống phát sóng trong nhà - Home BTS - để kết nối không chỉ một mà là hàng trăm thiết bị công nghệ, gia dụng với nhau.
Về kết nối không dây, 4G hiện nay và 5G trong tương lai sẽ trở thành những nền tảng chính. Nhận thức được đây là bước chuẩn bị quan trọng cho cuộc CMCN 4.0, Viettel đã triển khai mạng lưới 4G với công nghệ mới nhất nhanh hơn tới 20 lần so với thời gian triển khai hạ tầng 3G (mất 8 năm) và trước đó là 2G (mất 10 năm).
Với nền tảng CNTT, trung tâm dữ liệu lớn và nền tảng đám mây, Viettel đã đầu tư 4 data center đúng chuẩn Tier3 phổ biến của thế giới và tiến tới chuẩn Tier 4, đủ khả năng phục vụ cho hàng triệu khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông cùng lúc.
Về nền tảng phần mềm, Viettel có hơn 3.000 kỹ sư, làm cả trong lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất thiết bị, phần mềm, thiết bị viễn thông; 7 trung tâm công nghệ và nghiên cứu sản xuất thuộc Tập đoàn; 2 viện nghiên cứu công nghệ cao; 2 nhà máy sản xuất hiện đại.
Đặc biệt, hiện tại, Viettel đã làm chủ phần lớn các thiết bị về viễn thông, ví dụ như đưa vào thực tế sử dụng 1.000 trạm BTS 4G do chính Viettel sản xuất, chất lượng không thua kém các nhà cung cấp chuyên nghiệp như Ericsson, Nokia… Viettel đặt mục tiêu sẽ phủ hết các thiết bị lõi bằng sản phẩm và công nghệ của Viettel .
Các sản phẩm mà Viettel tập trung là những giải pháp cho những nhu cầu của xã hội; cho môi trường mạng an toàn của người Việt Nam nhằm phục vụ sự phát triển của cả nền kinh tế-xã hội hướng tới 1 xã hội phát triển và hội nhập.
Tập đoàn cũng tăng độ phủ sang nhiều thị trường mới. |
Viettel đã có nhiều sản phẩm 4.0
Hiện tại, Viettel đang thực hiện nhiều dự án phần mềm cho Chính phủ điện tử, như dự án cơ sở dữ liệu dân cư dựa trên thông tin chứng minh thư, thẻ căn cước. Viettel cũng đồng hành cùng ngành y tế xây dựng hồ sơ sức khoẻ người dân, cổng tiêm chủng dành cho trẻ em. Các mục tiêu lớn của Viettel hướng tới là mỗi người dân có một ID công dân duy nhất; mỗi công dân có một hồ sơ sức khỏe cá nhân; mỗi học sinh có một học bạ điện tử và mỗi gia đình trở thành một Home BTS kết nối với xã hội.
Cụ thể, tại TPHCM năm 2017 vừa qua ứng dụng thu phí đỗ xe qua điện thoại My Parking của Viettel là giải pháp góp phần thúc đẩy phát triển đô thị thông minh, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm đỗ xe mà còn giải quyết được nạn lấn chiếm vỉa hè, đậu xe tràn lan lòng đường. Theo đó, người dùng có thể thanh toán thuận tiện qua nhiều hình thức như nhắn tin SMS, qua ứng dụng Bankplus của Viettel.
Tại Hà Nội, đó là một dự án tham vọng khi biến mỗi hộ gia đình trở thành một Home Gateway, kết nối với chính quyền, hạ tầng dịch vụ cơ sở thông qua hệ thống máy tính, di động.
Về giáo dục, Viettel đã có những dự án rất thiết thực như phần mềm cho chương trình của kỳ thi quốc gia, chương trình Internet trường học với 40.000 điểm trường và cơ sở giáo dục được Viettel cung cấp hạ tầng internet miễn phí.
Trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, Viettel tập trung vào phát triển hạ tầng sản phẩm thông minh như hệ thống tưới tiêu tự động, cảnh báo giám sát chất lượng nước, đất, không khí để giúp các ngành nuôi tăng năng suất, giảm rủi ro bệnh tật. Hay để hỗ trợ 2 triệu ngư dân bám biển của cả nước, Viettel đã chế tạo một thiết bị báo hiệu cứu nạn cá nhân phục vụ ngư dân với chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và giá thành phù hợp. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên ở khu vực ASEAN và là nước thứ 5 trong khu vực châu Á được chứng chỉ Cospas-Sarsat công nhận có sản phẩm nằm trong hệ thống quốc tế này.
Đối với Viettel, thành công của một sản phẩm không phải là khi sản phẩm thành hình, đưa ra “trình làng” để kinh doanh tại thị trường trong nước, mà sản phẩm sẽ chỉ coi là thành công khi phải có mặt và bán được tại thị trường nước ngoài.
Năm 2017 được coi là năm thành công với lĩnh vực CNTT ở Viettel khi nhiều sản phẩm phần mềm, hệ thống CNTT do Viettel phát triển được chuyển giao, cung cấp tới người dân, các doanh nghiệp, chính phủ ở thương trường quốc tế.
Có thể kể đến hàng loạt các sản phẩm như dự án chính phủ điện tử tại Campuchia để đưa công nghệ thông tin vào các hoạt động của cơ quan Nhà nước Campuchia, qua đó phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn; hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch, dự án xã hội thông minh lớn nhất tại Lào; dự án cung cấp giải pháp văn phòng điện tử N-Office với Bộ Giao thông công trình công cộng và viễn thông Haiti (MTPTC); sản phẩm vCam - camera thông minh, đã được giới thiệu ra thị trường và cũng nhận được 5 đơn đặt hàng từ các thị trường Viettel đầu tư gồm Burundi, Mozambique, Tanzania, Lào và Campuchia...