Mỹ hối thúc trừng phạt Iran với cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận vũ khí
Ngày 15/2, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley tiếp tục hối thúc Hội đồng Bảo an có hành động cụ thể sau khi có báo cáo cho thấy Iran vi phạm lệnh cấm vận vũ khí tại Yemen.
Đại sứ Mỹ Nikki Haley. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Tuyên bố của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh trước đó các chuyên gia độc lập của Liên hợp quốc báo cáo lên Hội đồng Bảo an rằng Iran đã vi phạm lệnh cấm vận của Liên hợp quốc tại Yemen khi "không thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn các hoạt động cung cấp, buôn bán hoặc chuyển giao trực tiếp hoặc gián tiếp các tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí khác cho lực lượng Houthi."
Đại sứ Haley cho rằng Tehran cần phải trả giá vì để sự việc tiếp diễn.
Tuy nhiên, báo cáo khẳng định Iran vi phạm lệnh cấm vận vũ khí với Yemen năm 2015 nhưng lại không thể đưa ra tên chính xác của nhà sản xuất mẫu vũ khí mà nhóm chuyên gia thẩm định.
Phía Iran cũng luôn phủ nhận cung cấp vũ khí cho Houthi đồng thời cáo buộc đại sứ Mỹ "bịa đặt" các chứng cứ.
Giới ngoại giao cho rằng việc Iran có vi phạm các lệnh trừng phạt hay không sẽ được xem xét khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc soạn thảo dự thảo nghị quyết gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Yemen vào cuối tháng này.
Hồi cuối tháng trước, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia tin rằng Liên hợp quốc sẽ không có hành động trừng phạt Iran sau báo cáo trên, qua đó thể hiện lập trường của Nga không đồng thuận để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trừng phạt Tehran.
Đại sứ Nebenzia nhấn mạnh để có bằng chứng kết luận Iran vi phạm, các thành viên thuộc Ủy ban trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đến từ 15 quốc gia thành viên cần được triệu tập để làm việc, đưa ra kết luận về báo cáo của các chuyên gia Liên hợp quốc.
Trong khi đó, Đại sứ Kazakhstan tại Liên hợp quốc Kairat Umarov, quốc gia nắm giữ vai trò chủ tịch luân phiên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng Một, cũng cho rằng những chứng cứ Mỹ đưa ra chưa đủ thuyết phục để Liên hợp quốc có hành động nhằm vào Iran.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Hội đồng Bảo an đã thông qua quyết định bổ nhiệm ông Martin Griffiths làm đại sứ Liên hợp quốc tại Yemen.
Ông Griffiths, người Anh, hiện là giám đốc điều hành tại Viện Hòa bình châu Âu có trụ sở tại Brussels.
Đây là đại sứ thứ 3 của Liên hợp quốc tại Yemen trong vòng 7 năm triển khai các nỗ lực nhằm lập lại hòa bình ổn định tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá nặng nề này.
Việc thay thế người tiền nhiệm Ismail Cheikh Ahmed đảm nhận vị trí trung gian của Liên hợp quốc tại Yemen sẽ là một thách thức lớn với ông Griffiths khi cả hai người tiền nhiệm đều đã phải từ bỏ nhiệm vụ sau khi kết thúc nhiệm kỳ mà không có tiến triển.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi và các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh kiểm soát phần lớn lãnh thổ, trong đó có thủ đô Sanaa.
Tháng 3/2015, liên minh Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ chính phủ được quốc tế công nhận của Tổng thống Mansour Hadi.
Các vòng đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ giữa các bên đối địch tại Yemen từ trước tới nay chưa thể giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Theo Liên hợp quốc, xung đột tại Yemen đã làm hơn 9.000 người thiệt mạng và hơn 50.000 người bị thương.
Hiện hơn 3/4 dân số Yemen đang cần viện trợ nhân đạo và khoảng 8,4 triệu người có nguy cơ bị đói, khoảng 400.000 trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng.