Thật thà đoàn kết, thực sự vì dân
Chúng ta đang cùng nhau đón một mùa xuân mới, một mùa xuân dẫu vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức nhưng vẫn chan chứa những niềm hy vọng, những ham muốn dựng xây, những quyết tâm kiến tạo.
Năm Mậu Tuất 2018 rất quan trọng đối với đất nước, với dân tộc, với từng cá nhân. Đó là thời điểm vượt qua những biến động trong nhận thức và hành động, chuyển giao những sứ mệnh, những nhiệm vụ vinh quang và nặng nề, có ý nghĩa lớn lao đối với chặng đường phát triển trong tương lai.
Năm qua, những nỗ lực không mệt mỏi với quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân đã mang lại những kết quả khá ấn tượng trên mọi mặt đời sống.
An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm chăm lo, bảo đảm và cải thiện. An ninh quốc phòng được củng cố.
Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng gia tăng.
Đặc biệt, trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ trong Hội nghị trực tuyến cuối năm của chính phủ với lãnh đạo các địa phương ngày 28/12/2017, “Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết và bước đầu đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ”. Và chính vì thế nên đất nước đón xuân mới trong niềm hào hứng lan rộng của niềm tin…
Dẫu vậy, ở chính mùa xuân này, chúng ta càng nhận thức được rõ hơn là, không thể chủ quan, thỏa mãn với những thành tựu bước đầu đạt được đó. Bởi phía trước vẫn còn rất nhiều thách thức, trở ngại.
Thế giới hơn bao giờ hết đang trong giai đoạn tiềm ẩn đầy những bất an, bất công và bạo lực, những giông tố hiểm họa không thể lường hết được âm ba.
Hệ lụy từ quá khứ với những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng đã lâu trong nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội không dễ một sớm một chiều được giải quyết một cách căn cơ và căn bản: “Đó là tình trạng làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, dự án.
Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo dưới không nghe”, kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi.
Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Tệ nạn xã hội, vi phạm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông và tội phạm, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn” (phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các địa phương ngày 28/12/2017).
Đang còn rất nhiều việc phải làm để đưa đất nước không chỉ ngày một “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như lời Bác Hồ từng căn dặn, mà còn phải thêm mau dấn bước sánh vai cùng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
Hơn bao giờ hết, chúng ta càng cần quán triệt và thấm thía hơn nữa những lời dạy của Bác Hồ nhu cầu cấp thiết củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo dựng “sự đồng thuận và thống nhất cao về tư tưởng, hành động, phấn đấu thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước”, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại Hội nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ 8 (khóa VIII) ngày 5/1.
Còn nhớ, sinh thời Bác Hồ đã căn dặn: “Nhân dân là cái gốc của mọi thắng lợi”.
Làm cho nhân dân được tự do hạnh phúc mới là mục đích cuối cùng của cách mạng Việt Nam. Mô hình xã hội tốt nhất phải là mô hình mà trong đó, mọi cơ chế và chế độ đều nhằm mục đích tạo điều kiện để cho người dân thực sự làm chủ vận mệnh của mình, của tổ quốc mình. Khác đi tức là đã chệch hướng, đã như “cây lìa cội”...
Phải sống và làm việc thực sự vì dân: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Và “phải yêu dân thì dân mới yêu ta, kính ta” (Thư Bác Hồ gửi các ủy ban nhân dân các bộ, tỉnh, huyện và làng tháng 10/1945).
Bác Hồ cũng đã luôn nêu bật phương châm “thật thà đoàn kết”. Nhờ thế, chúng ta đã phát huy khối đại đoàn kết dân tộc một cách chiến lược: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị.” (Trích bài nói chuyện của Bác tại Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên Việt toàn quốc, 10/1/1955)…
Đúng như đánh giá của Ban Bí thư trong Chỉ thị về lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, trong 5 năm qua, MTTQ Việt Nam “đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.
Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận có nhiều đổi mới, thể hiện rõ vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát, phản biện xã hội; góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Trong bối cảnh hiện nay, cũng theo lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, giữa “những diễn biến khó lường của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực, trước những yêu cầu mới về xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, sự chống phá của các thế lực thù địch, việc củng cố niềm tin cho nhân dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị”.