Người lính già và hồi ức về trận chiến Pò Hèn năm ấy
Gần 39 năm đã trôi qua nhưng cuộc trò chuyện giữa ông, người lính già sống sót trong trận chiến Pò Hèn ngày ấy với chúng tôi thi thoảng vẫn bị ngắt quãng bởi tiếng nấc nghẹn ngào. Ông bảo, sẽ không bao giờ lãng quên ngày ấy, cái ngày mà đồng đội ông đã anh dũng ngã xuống để bảo vệ biên giới của Tổ quốc.
Đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ biên giới ngày 17/2/1979 tại Pò Hèn nhìn tựa như vòng tay ôm đồng đội.
Ấm tình đồng đội trong gian khó
Bỏ lại mọi bộn bề, lo toan cùng nhịp sống hối hả của những ngày cận Tết Nguyên đán, chúng tôi tìm gặp ông Hoàng Như Lý, chiến sĩ Đồn biên Pò Hèn hay còn gọi Đồn 209, một trong số ít những nhân chứng còn sống sót sau trận chiến tại đây vào ngày 17/2/1979.
Tiếp chúng tôi tại căn nhà nằm trên con đường chạy xuống bãi biển Trà Cổ nổi tiếng thuộc TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, ông Lý bồi hồi nhớ lại, tháng 2/1972 ông được điều động từ Công an vũ trang tỉnh về Đồn Biên phòng Pò Hèn (khi ấy là Đồn 209) với cấp bậc Chuẩn úy. Lúc này Đồn trưởng là ông Vũ Ngọc Mai, đồn phó phụ trách quân sự là ông Đỗ Sĩ Họa và cả đồn có hơn 60 cán bộ, chiến sĩ. Các chiến sĩ trong đồn đều rất trẻ, chủ yếu là lớp tân binh (SN 1959 và 1960) vừa mới ra trường là được điều động lên đồn luôn.
Bia mộ khắc tên các liệt sĩ trong khuôn viên Đài tưởng niệm.
Ông Lý kể, thời điểm này đường vào đồn rất heo hút, xa trung tâm, đi bộ vào đồn phải mất cả một ngày. Cả đồn chỉ có 2 con ngựa thồ để tiếp phẩm nên việc thiếu hụt thực phẩm, lương thực là chuyện như cơm bữa. Có thời điểm anh em phải đào măng để ăn và ăn nhiều đến mức người ai cũng nhức mỏi. Thực phẩm dự trữ thì chủ yếu là mắm tôm khô.
Khí hậu tại đây cũng rất khắc nghiệt, trời rét lạnh tới thấu xương nhất là khi có sương muối nhưng lại không có đệm, không chăn bông. Khó là thế nhưng cả đồn luôn vui buồn có nhau. Khi thiếu lương thực nhường nhau từng lưng cơm, khi rét bảo nhau cùng ngồi sát lại truyền hơi ấm. Cực là vậy nhưng ai cũng gắng hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ biên giới Tổ quốc.
“Cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in tối ngày 16/2, một ngày trước khi xảy ra trận chiến và cũng là ngày thứ 2 anh Phạm Xuân Tảo (SN 1936) được điều động từ Bộ tư lệnh Công an vũ trang về Đồn Pò Hèn là Chính trị viên trưởng còn rủ tôi cùng 2 người khác cũng ở tổ trinh sát lên phòng chỉ huy uống cà phê trò chuyện và tiện trao đổi công việc. Rồi từ những cậu lính trẻ hay cười, hay hát, hay khôi hài… khiến người đang buồn cũng phải bật cười cho đến những người lính già như Hoàng Văn Cừ từ quân đội chuyển sang hay Nguyễn Văn Mật thuộc đội cơ yếu, bảo vệ… hết lòng vì nhiệm vụ, tất cả vẫn còn đó, nguyên vẹn trong tôi như những ngày còn bên nhau”, ông Lý chia sẻ.
Ngày kinh hoàng
Theo lịch sử Đảng bộ xã Hải Sơn, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, rạng sáng ngày 17/2/1979, phía Trung Quốc mở cuộc tấn công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Trên địa bàn huyện Hải Ninh, chúng dùng pháo cối hạng nặng và các loại súng đại liên, trung liên bắn dữ dội vào nhiều vị trí của ta, trong đó có Đồn Biên phòng 209, chỗ ở của các đội công nhân lâm nghiệp Hải Sơn và các khu dân cư dọc tuyến biên giới từ xã Lục Lằm đến Bắc Phong Sinh.
Tấm hình quý giá chụp các chiến sĩ trong Đồn Pò hèn trước ngày hy sinh khoảng 1 tháng hiện đang được lưu giữ tại Đồn Pò Hèn.
Tại Đồn 209, vào lúc 4h43’ cùng ngày, địch dùng các loại hỏa lực như: súng cối 120ly, 82ly…bắn dồn dập vào khu vực trận địa chiến đầu của đồn. Sau khoảng 30’ bắn cấp tập, khoảng 2.000 lính đối phương tràn sang. Trong khi lực lượng của đồn lúc này chỉ có hơn 60 người nên dù đã kiên cường chiến đấu, tiêu diệt và bắn bị thương nhiều tên khác nhưng do không cân sức dẫn đến đại bộ phận lực lượng của đồn đã hy sinh anh dũng.
Cũng theo lịch sử Đảng bộ xã, chiều tối ngày 17/2, Trung đoàn tự vệ nông trường đã cử 2 trung đội cơ động đến khu vực Đồn 209 để nắm tình hình. Nhận thấy dấu hiệu địch phục kích tại đây, để tránh thương vong, lực của ta ém lại nằm chờ. Đến đêm 20/2/1979, khi nhận thấy đã an toàn, lự lượng của ta nhanh chóng vào đồn, tập kết và đưa thi hài các chiến sĩ ra ngoài.
Còn theo ông Lý, ngay từ sáng sớm khi cấp dưỡng của đồn dậy nấu cơm để các chốt lên lấy về đã phát hiện có dấu hiệu bất thường. Đến khoảng gần 5h thì có một tiếng súng và sau đó là pháo dập vào đồn liên tục từ phía Trung Quốc. Đến 6h30’ thì quân Trung Quốc ào lên áp sát đồn và do cuộc chiến không cân sức nên cầm cự đến khoảng 11h trưa thì phần lớn anh em trong đồn đã hy sinh anh dũng.
“Ký ức về ngày đó tôi sẽ không bao giờ quên bởi chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ tôi đã mất đi 45 đồng đội. Những người đã gắn bó với tôi tựa như máu thịt vậy. Xúc động nhất là hình ảnh cô Hoàng Thị Hồng Chiêm, cán bộ thương nghiệp gần đồn nhưng khi xảy ra chiến sự đã không sơ tán mà ở lại đồn chiến đấu cùng người yêu là chiến sĩ Bùi Văn Lượng và cũng đã anh dũng hy sinh”, ông Lý kể.
Và tri ân những người đã ngã xuống
Nhiều năm nay, nhưng người dân sinh sống gần khu Đài tưởng niệm các chiến sĩ Đồn Pò Hèn hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới ngày 17/2/1979 ở xã Hải Sơn đã quá quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông cứ mùng 1 hàng tháng là lặng lẽ đến thắp hương và ngồi rất lâu bên những tấm bia khắc tên những liệt sĩ như trò chuyện gì đó rồi mới chịu ra về. Ông chính là người lính già Hoàng Văn Lý.
Ngày thường vẫn rất đông người từ phương xa đến tháp hương, tưởng niệm.
Trong cuộc trò chuyện ông Lý cũng chia sẻ, không chỉ mùng một hàng tháng mà cứ đến dịp gần tết Nguyên Đán là ông lại cùng đồng đội sửa soạn mâm cơm mang đến mời đồng đội về ăn tết.
Ông Lý cũng kể, sau khi hy sinh, 40 liệt sĩ đã được di chuyển hài cốt về quê nhà trọn vẹn nhưng còn 5 liệt sĩ khác vẫn chưa tìm thấy hài cốt khiến ông không thấy yên lòng. Ông và nhiều đồng đội đã cùng nhau lặn lội tìm kiếm và hiện đã lần lượt tìm thấy. “Chúng tôi cũng vừa làm lễ đặt bia nơi anh Tảo Chính trị viên trưởng đã hy sinh và sẽ đặt thêm nhiều bia ở những nơi có máu thịt của anh em đã đổ xuống”, ông Lý nói.
Ông Hoàng Như Lý, một trong những người lính còn sống sót kể lại ngày xảy ra trận chiến lịch sử.
Chia tay người lính già năm ấy, chúng tôi đến với Pò Hèn, Chủ tịch xã Hải Sơn, Vũ Văn Sơn do đang bận đi tặng quà các hộ dân ở vùng xa của xã nên đã gửi gắm chúng tôi cho cô cán bộ văn hóa xã có tên Duyên, một cô gái có nụ cười rất mến khách.
Đưa chúng tôi đến Đài tưởng niệm các liệt sĩ, Duyên cho biết, Đài được xây dựng trên chính nền đồn biên phòng 209 cũ vào ngày 19/5/2010 và được khánh thành vào ngày 10/01/2011 với nguồn vốn Xã hội hóa, do Bộ chỉ huy Biên phòng Tỉnh làm chủ đầu tư. Cụm tượng đài sừng sững có hình dáng tựa như vòng tay ôm của đồng đội trong những ngày giá rét hay khi đối mặt với khó khăn và hiểm nguy.
Hàng năm, vào các dịp Lễ, Tết, ngày kỷ niệm, ngày truyền thống và nhiều các sự kiện chính trị của địa phương, các hoạt động “Dâng hương tri ân các anh hùng liệt sỹ” đều được tổ chức tại đây. Ngay thời điểm chúng tôi đến Đài tưởng niệm cũng nghi ngút khói hương do rất đông những người dân ở xa đến thắp để tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh.
Các em học sinh đến dâng hương, tưởng niệm các liệt sĩ (ảnh tư liệu).
Rời khu Đài tưởng niệm, Duyên đưa chúng tôi đến Đồn Biên phòng Pò Hèn, chúng tôi bắt gặp tại đây tấm hình rất quý giá chụp những chiến sĩ Đồn Pò Hèn vào cuối năm 1978, khoảng một tháng trước ngày hy sinh. Theo Đồn biên phòng Pò Hèn, hàng năm cứ vào dịp 17/2, để tưởng nhớ các liệt sĩ đã nằm xuống nơi vùng đất thiêng, Đồn đều làm lễ giỗ chung. Cũng dịp này các cựu chiến binh từ khắp mọi miền Tổ quốc lại tìm đến thắp nén hương thơm tưởng nhớ đồng đội đã khuất.
Rời Pò Hèn trong ánh chiều chập choạng, lời kể của người lính già, tấm hình quí giá chụp chung cả đồn trước ngày hy sinh và còn rất nhiều những điều khác cảm động nữa chắc chẵn sẽ không bao giờ phai trong tâm trí mỗi chúng tôi. Và ngọn lửa anh dũng các liệt sĩ đã thắp lên sẽ cháy mãi trên vùng đất thiêng Pò Hèn.