Gặp nghệ nhân có biệt tài 'hô biến' tre thành 'rồng'
Một lần đi lên UBND xã thấy mọi người bỏ bụi tre vàng, giống tre này lấy ở đền thờ Thánh Gióng, thấy tiếc nên ông Nam xin về trồng và uốn thử. Không ngờ cây tre lại có độ bền, dẻo và tạo hình được. Bắt đầu từ lúc này, ông Nam đã có ước muốn đưa cây tre Việt đi khắp năm châu để quảng bá cho bạn bè quốc tế biết về hình ảnh Việt Nam.
Những cây tre hoá rồng do ông Nam tự tay uốn.
“Nghệ nhân” làng “hô biến” tre thành “rồng”
Cây tre vốn gắn liền với hình ảnh quen thuộc, là biểu tượng cho sự kiên cường, bất khuất của người dân Việt Nam. Với mong muốn bạn bè quốc tế đều biết đến Việt Nam qua hình ảnh cây tre, gần 20 năm nay, ông Nguyễn Văn Nam, ở xóm Nhân Hòa, xã Yên Trị, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình đã dày công nghiên cứu, uốn nắn, chăm chút từng cây tre thành những “con rồng” uốn lượn “có hồn”, có hình dáng.
Bước vào nhà ông Nam, ngay từ ngõ vào nhà ông là một hàng tre vàng (tre Đằng Ngà) với những hình uốn lượn tựa dáng rồng bay chạy dọc vào thẳng nhà.
Từ những cây tre khẳng khiu, gầy guộc, qua bàn tay khéo léo của ông, bỗng chốc “hóa rồng”, có hồn, có thế “long dáng”.
Vốn sinh ra và lớn lên ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, vùng đất nổi tiếng về thú chơi cây cảnh. Nhưng vì cuộc sống, ông lưu lạc lên Hòa Bình sinh sống rồi lập gia đình ở đây. Những năm đầu lên lập nghiệp, ông làm đủ nghề, từ phụ hồ, thu mua đồng nát để mưu sinh... Nhưng cái thú chơi cây cảnh như đã thấm vào máu của ông. Năm 1996, trong khi giới chơi cây cảnh đua nhau mua sanh, lộc vừng… để tạo dáng, thì ông lại “đâm đầu” đi trồng tre.
Ngõ vào nhà ông Nam miên man là "rồng".
Ông Nam cho biết: “Một lần đi lên UBND xã tôi thấy mọi người bỏ bụi tre vàng, giống tre này lấy ở đền thờ Thánh Gióng. Thấy tiếc nên tôi xin về trồng và uốn thử. Không ngờ cây tre lại có độ bền, dẻo và tạo hình được. Lúc đấy tôi đã có ước muốn đưa cây tre Việt đi khắp năm châu để quảng bá cho bạn bè quốc tế biết về hình ảnh Việt Nam chúng ta”.
Lúc nghe đài nói về chương trình Đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, ông bắt đầu xuất hiện ý tưởng về việc sẽ trồng tre và uốn thành hình dáng rồng, rồi trồng vào chậu hoa sen 10 cánh. Ông nghĩ rằng từ cây tre, đến bông sen - hai loại cây này đã quá quen thuộc với người dân Việt Nam. Ban đầu, ông nghĩ sẽ uốn 1.000 cây tre thành hình rồng, được trồng trong chậu hình hoa sen 10 cánh sơn màu, mang đậm chất Việt đi triển lãm nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Muốn tạo thế, dáng cho tre phải tạo từ khi chúng bắt đầu trổ măng. Mỗi một cây tre, muốn có thế, dáng theo ý phải uốn bẻ rất nhiều lần, mỗi lần chỉ được 1-2 mm.
Trong khu vườn rộng chừng 1.000m2 của ông, ngoài “nghìn rồng” uốn lượn, còn có một tác phẩm từ tre khác là ba cây tre được uốn hình bản đồ Việt Nam, bên cạnh bản đồ Việt Nam là ba con rồng chúc vào. Về ba con rồng ý của ông Nam là người Việt Nam ở ba miền Bắc - Trung - Nam đều là con rồng cháu tiên, dù có đi xa ở đâu thì cũng phải quay về phụng sự cho Tổ quốc Việt Nam.
Trong dịp đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 tổ chức tại Việt Nam, ông đã trưng bày 44 con rồng tre, trồng trong 22 chậu cảnh hình hoa sen 10 cánh, với ý nghĩa 22 chậu rồng tre tượng trưng cho 22 kỳ đại hội. Sau dịp đại hội thể thao đó, ông gửi tặng đại sứ quán các nước.
Thư cảm ơn của Đại sứ quán các nước Trung Quốc và liên bang Myanmar cảm ơn ông Nam.
Ông Nam chia sẻ: “Muốn tạo thế, dáng cho tre phải tạo từ khi chúng bắt đầu trổ măng. Mỗi một cây tre, muốn có thế, dáng theo ý phải uốn bẻ rất nhiều lần, mỗi lần chỉ được 1-2 mm. Ít nhất là 5 năm chăm sóc thì tre mới có lá, cành đủ tầm nghệ thuật”.
Làm nghệ thuật… chỉ để ngắm
Với nhiều người, làm nghề cây cảnh để mang bán kiếm sống, còn ông, được “tác phẩm” nào, ông lại mang đi tặng. Vợ ông phàn nàn vì cái việc “dở hơi” ấy của ông. Ban đầu thấy vợ phản đối kịch liệt vậy, nên ông cũng chẳng dám làm nhiều. Lúc có thời gian rảnh thì ông mới làm, vợ có thắc mắc thì cũng chỉ bảo là làm chơi, với lại cây tre thì ông ươm giống ra, chứ cũng chẳng mất tiền nhiều, cái mất thì ít vậy, nhưng ông lại được nhiều niềm vui.
Ông Nam và tác phẩm "Năm châu đoàn kết, thắm tình hữu nghị, xây dựng thiên niên kỷ mới".
Ngoài uốn tre, ông còn uốn nắn các loại cây cảnh khác, trong đó phải kể đến cây ngâu hình tròn quả đất, bên trên kết chữ “Hòa bình”, với mong muốn cả thế giới nắm tay đoàn kết, hữu nghị hòa bình cùng phát triển.
Mỗi một cây trong vườn của ông, đều được ông đặt tên, mang đậm tính nhân văn như: Ước nguyện hòa bình, thắm tình hữu nghị, hay như chính tác phẩm năm con rồng tre ông trồng trong vườn, được ông đặt tên là: Năm châu đoàn kết, thắm tình hữu nghị, xây dựng thiên niên kỷ mới…
Đa phần các tác phẩm của ông Nam đều được ông mang đi tặng, chứ rất ít khi bán. Ông bảo bán thì có tiền thật đấy, nhưng tôi có cái được của tôi, còn tiền bạc nó chỉ là vật ngoài thân. Với tôi được sống, được làm cây cảnh đã là hạnh phúc lắm rồi…