Bữa cơm gia đình
Còn nhớ mấy năm trước, tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, chuyên gia nghiên cứu về văn hóa gia đình Lê Thị Thanh Nhã và ThS tâm lý Hà Trung Thành đã có buổi trò chuyện với nhiều cha mẹ và các em học sinh quanh chủ đề “Nâng niu giá trị hạnh phúc gia đình trong đời sống hiện đại” tạo được ấn tượng rất tốt trong dư luận.
Tại đây, một học sinh bậc THCS chia sẻ: “Một bữa con đi về nhà, không thấy ai ăn cơm, con đem cất nồi cơm rồi đi lên phòng. Ba kêu con xuống, không hỏi han gì hết rồi đánh con. Ba chưa bao giờ xin lỗi”. Em cho biết cha em rất ít khi hỏi han, thường mang theo những bực dọc từ công ty về nhà rồi la mắng con cái, nhiều lần em ức chế đến mức muốn bỏ đi.
Bà Lê Thị Thanh Nhã cũng kể về một buổi nói chuyện với một lớp học sinh lớp 5 ở TP.HCM, bà hỏi: “Ai trong các con thường xuyên được ăn cơm chung với ba mẹ?”. Lớp học có 38 em nhưng chỉ có ba cánh tay giơ lên. Một số em buồn bã cho biết nhà không có người nấu cơm vì ai cũng bận, ai đói thì đi mua cơm hộp. Em muốn có một ngày ăn cơm chung với cha mẹ cũng không được.
Câu chuyện này phản ánh thực trạng nhiều đứa con trong các gia đình ở đô thị đang cảm thấy cô đơn trong chính tổ ấm của gia đình. Nếu như các đây khoảng hơn 10 đến 20 năm về trước, không chỉ các gia đình ở nông thôn Việt Nam mà ngay cả ở các đô thị, bữa cơm gia đình là nơi gắn kết yêu thương, là nơi mọi người cùng nhau chia sẻ cuộc sống, công việc hàng ngày và cùng nhau góp ý, tranh luận về một vấn đề xã hội.
Còn ngày nay thì sao? theo thời gian đến một ngày bỗng dưng mọi người quên mất bữa cơm gia đình, thậm chí nhiều người còn mặc định chỉ ăn cơm cùng nhau trong mỗi dịp cuối tuần, còn trong hợp hợp quá bận bịu có lẽ cũng thôi luôn.
Trong khi đó, áp lực học hành luôn đè nặng lên vai các con. Cả ngày học ở trường, tối về học thêm. Vô tình con bị tách rời muôn mặt cuộc sống, thế giới của con trẻ chỉ bó hẹp trong sách vở, điểm số và thứ hạng rồi cứ thế vào đời với một trái tim khô cằn. Thời gian rảnh lại chìm đắm trên internet với tràn ngập trò chơi điện tử hay thế giới ảo của facebook…
Nhiều bậc cha mẹ đang than thở con trẻ có những thái độ và hành động vô cảm. Các con không chỉ vô cảm với người thân, với người xung quanh mà đôi lúc còn vô cảm với chính mình. Trong khi ở gia đình vai trò của bố mẹ có vị trí quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho trẻ em.
Trẻ được sống trong tình yêu thương, chắc chắn trái tim sẽ giàu cảm xúc. Như chuyên gia tâm lý Lê Thị Thanh Nhã khuyên: Cha mẹ cần phải dành thời gian cho con, lắng nghe con, trò chuyện với con và tôn trọng con. Đứa trẻ không thể cảm thấy hạnh phúc nếu không được cha mẹ thấu hiểu. “Gia đình không hạnh phúc thì con cái không thể học tập tốt được, nó không biết nó cố gắng vì ai, vì cái gì.” – bà nói.
Và ở thời buổi ai cũng bận bịu như hiện nay thì có lẽ bữa cơm gia đình là nơi tốt nhất để các thành viên bày tỏ yêu thương và gắn kết.