Tây Nguyên: Chăm sóc cà phê sau thu hoạch
Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên, Cây cà phê sau một năm mang trái bị mất sức sinh trưởng rất nhiều, đặc biệt trong giai đoạn cây cà phê cho thu hoạch cũng là giai đoạn cây phân hóa mầm hoa.
Cắt tỉa những phần cây cà phê đã già cỗi.
Vì thế thời điểm này, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên đang tập trung lao động, nguồn lực để chăm sóc cà phê trong mùa khô, nhất là diện tích cà phê sau thu hoạch nhằm đạt năng suất, sản lượng cà phê nhân cao trong niên vụ tới.
Từ đầu tháng 1 trở lại đây, các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê đã sử dụng cưa, kéo sắc để cắt các cành khô, chân vịt, tổ quạ, cành sâu bệnh, cành già, còi cọc, cành vô hiệu trong tán sát mặt đất, các cành thứ cấp quá dày vượt trên tán ngay sau thu hoạch để tạo ra bộ tán cân đối, hợp lý, tập trung dinh dưỡng nuôi quả cho năng suất cao.
Cây cà phê cần phải có thời gian phân hóa mầm hoa (siết nước) thì tỷ lệ đậu quả mới cao, bà con cần đốn đau để kích thích cà phê ra hoa, đậu quả. Việc tỉa cành cần tiến hành trong cả năm nhưng đợt tỉa cành cơ bản nhất là sau khi thu hoạch. Cần tỉa những cành khô, cành chân vịt, cành tổ quạ, cành sâu bệnh, cành già, cành còi cọc hay cành vô hiệu mọc trong tán sát mặt đất hay những cành thứ cấp quá dày vượt trên tán ngay sau khi thu hoạch. Việc tỉa cành cần tiến hành một cách cẩn thận bằng cưa hay kéo sắc để vết cắt ngọt, không bị xước cành. Phải xác định vị trí cắt cho thích hợp để có được bộ tán cân đối hợp lý, tập trung dinh dưỡng nuôi quả để có năng suất cao.
Mặc dù, giá cà phê đang ở mức thấp chỉ có 37.300 đến 37.500 đồng/ kg cà phê nhân, nhưng các nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn tiếp tục bán ra để lấy vốn mua vật tư phân bón, xăng dầu chăm sóc cà phê.
Sau một năm mang quả, cây cà phê đã tích trữ trong quả, hạt một lượng dinh dưỡng rất lớn, do vậy thu hoạch quả cũng đồng nghĩa với việc lấy đi một lượng lớn chất hữu cơ và dinh dưỡng trong cây, làm cây bị suy kiệt, nhưng cây cà phê có nhu cầu cao về dinh dưỡng vì vậy phải cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây cà phê.
Các nông hộ đã đầu tư bón phân hợp lý, đầy đủ đạm, lân, kali, các yếu tố trung vi lượng (gồm magie, canxi, lưu huỳnh), tạo điều kiện cho cây cà phê tăng trưởng mạnh trong thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài, giúp cà phê ra hoa, đậu quả tốt, lớn nhanh.
Bên cạnh đó, sử dụng phân bón Đầu trâu chuyên dụng bón cho cà phê trong mùa khô (NPK 20-5-6+TE), với lượng 200 đến 300 kg/ha/lần bón (trong mùa khô ở các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông có thể bón từ 2 đến 3 lần).
Các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tiến hành kiểm tra các hồ, đập, giếng khoan, hệ thống tưới phun mưa, nhân rộng các mô hình tưới nước tiết kiệm, nhất là tưới nước nhỏ giọt trong mùa khô cho cây cà phê. Đặc biệt, thường xuyên kiểm tra vườn cây sớm phát hiện các loài sâu bệnh gây hại cho cà phê trong mùa khô, nhất là các loại gỉ sắt, đốm mắt cua, rệp sáp, bọ xít. Khi phát hiện sâu bệnh hại, các đơn vị chức năng khuyến cáo các nông hộ, doanh nghiệp sử dụng các loại thuốc chuyên dụng như Fastac 5 EC, Motox 2.5 EC, Binhmor 40 EC, Cypermap… để phun điều trị kịp thời.