Bệnh cúm vào mùa
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) những ngày qua, hàng trăm bệnh nhi phải nhập viện vì mắc cúm. Hiện thời tiết miền Bắc đang vào mùa Đông Xuân thuận lợi cho virus phát triển, đặc biệt là virus cúm. Trước tình trạng gia tăng các ca bệnh cúm ngay đầu năm 2018, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh cúm mùa.
Mùa lạnh, nhiều trẻ phải nhập viện vì bệnh cúm.
Nhiều người bệnh cúm phải nhập viện
Thời tiết mùa đông-xuân phức tạp cùng sự gia tăng sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, gồm các chủng cúm gia cầm độc lực cao gây bệnh cho người và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong vòng 2 tuần qua, bệnh viện đã chẩn đoán, phát hiện gần 300 trẻ mắc cúm, 1/3 trong số đó phải nhập viện. Tại các bệnh viện khác của Hà Nội như bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Đống Đa… cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp mắc cúm A, cúm B. Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí cũng đã ghi nhận khoảng 20 trường hợp dương tính với cúm A, trong đó ghi nhận một nửa là người già và thanh niên. Một số trẻ nhập viện với triệu chứng viêm phổi, viêm phế quản cấp…
Khoa Truyền nhiễm BV Nhi Trung ương hiện đang điều trị cho khoảng 50 cháu. Nhiều bệnh nhi sốt cao, không đáp ứng với uống thuốc giảm sốt, có trẻ bị co giật. Viêm mũi, ho nhiều khiến trẻ chảy máu mũi, đau họng, mệt lả kèm theo các bệnh lý khác.
Theo TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Bệnh thường bệnh diễn biến nhẹ, người bệnh tự khỏi vòng 2-7 ngày, điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng (hạ sốt, giảm ho, hắt hơi...). Tuy nhiên, với trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận…, bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng dẫn đến tử vong. Một số nhóm nguy cơ cao khi mắc cúm dễ trở nặng như người già, trẻ nhỏ, thai phụ, người mắc bệnh mãn tính.
Theo các bác sĩ, bệnh cúm do virus, nên các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh vì không có tác dụng, mà còn dẫn đến nguy cơ kháng thuốc. Khi trẻ được các bác sĩ chẩn đoán mắc cúm thông thường, không nhất thiết phải nhập viện mà có thể chăm sóc tại nhà. Lưu ý vệ sinh đường hô hấp bằng dung dịch nước muối sinh lý, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc kháng sinh.
Rất dễ nhầm cúm và bệnh cảm
Rất khó phân biệt đâu là cảm thông thường và đâu là cúm bởi các triệu chứng của bệnh rất giống nhau. Theo các bác sĩ, cúm do các chủng virus cúm gây ra, thường để lại những tổn thương đường hô hấp trên và có thể gây viêm phế quản cấp, thậm chí viêm phổi nặng, đe dọa tính mạng. Trong khi cảm cũng do các virus gây ra nhưng chỉ khu trú tổn thương đường hô hấp trên, rất hiếm gây các tình trạng nặng đe dọa tính mạng và thường tự khỏi trong một tuần.
Các triệu chứng của cảm thường bắt đầu bằng đau rát vùng cổ họng, chảy mũi nước, hắt xì hơi, chảy nước mắt, kèm ho, thường sốt rất nhẹ, không quá 38 độ C, trong khi trẻ nhỏ thường có khuynh hướng sốt cao. Các triệu chứng này thông thường mất đi sau 3 ngày, những trường hợp kéo dài hơn có thể bội nhiễm vi trùng hay một bệnh lý khác đặt biệt nếu kéo dài hơn 7 ngày.
Triệu chứng cúm tương tự như cảm nhưng trầm trọng hơn rất nhiều và diễn biến rất nhanh, đi kèm sốt là tình trạng đau đầu, đau mỏi cơ toàn thân, các virus cúm liên quan đến nguồn gốc gia cầm còn có triệu chứng nôn ói và tiêu chảy nhiều lần, đau đầu dữ dội… Cúm có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị không đúng cách.
Đối với bệnh cảm, tác nhân gây bệnh là virus nên có thể tự khỏi không cần sử dụng kháng sinh, nhưng sau đó nếu bội nhiễm vi trùng sẽ gây tình trạng nhiễm trùng hô hấp, sốt cao đôi khi cần nhập viện điều trị. Còn đối với virus cúm cũng có thể tự khỏi nhưng có thể gây suy hô hấp cấp do viêm phổi nặng, đe dọa tính mạng.
Chính vì vậy, cần chú ý các triệu chứng để kịp thời đến bệnh viện khi đang bị cảm hay cúm như đau ngực trầm trọng, đau đầu dữ dội, khó thở, chóng mặt, lú lẫn, nôn ói liên tục. Trong khi đó, ở trẻ em, ngoài các triệu chứng trên nếu có thêm các dấu hiệu cần can thiệp cấp cứu kịp thời như thở nhanh hay khó thở, màu sắc da tím tái, không thể uống hay bú được, kích động hay ủ rũ hơn thường ngày, các triệu chứng có cải thiện đột nhiên trầm trọng hơn nhanh chóng, có kèm phát ban.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh. Rửa tay trước và sau khi ăn cũng như mỗi khi ở ngoài về nhà, bàn tay sạch là một trong các biện pháp quan trọng để ngừa cúm. Ngoài ra, tập thể dục là cách tốt nhất để ngăn ngừa cúm cũng như các bệnh lý khác…
Hiện nay tiêm phòng vắcxin là biện pháp chủ yếu đề phòng bệnh cúm và giảm ảnh hưởng của cúm. Các vắcxin cúm đều an toàn, có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm với tỷ lệ bảo vệ tương đối cao 70-90%. Người dân muốn đi tiêm phòng cúm có thể đến Viện Pasteur, các Trung tâm y tế dự phòng để được các bác sĩ tư vấn.
Theo các bác sĩ đông y, để phòng bệnh cúm, trước khi đi ngủ nên ngâm chân 15 phút trong nước ấm pha chút giấm sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu, phòng trừ hơi lạnh xâm nhập cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, nâng cao sức khỏe, giúp phòng chống được cảm cúm. Lưu ý, khi ngâm chân không được để nước ngập mu bàn chân, ngâm cho đến khi da bàn chân đỏ lên mới có tác dụng đẩy hơi lạnh ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, ngày hai lần sáng tối và sau mỗi bữa ăn nên chăm chỉ súc miệng với nước muối loãng để nhằm diệt trừ vi khuẩn trong khoang miệng, tránh nhiễm một số virus gây ra viêm đường hô hấp trên. |