Ứng xử với lễ hội
Sau Tết, cả nước bắt đầu bước vào “mùa” với gần 8.000 lễ hội. Làm thế nào để phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của lễ hội, tăng cường công tác quản lý đảm bảo một mùa lễ hội diễn ra trong văn hóa, văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, tránh lãng phí, đẩy lùi tiêu cực, phản cảm. Trao đổi với ĐĐK, GS TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về tôn giáo, UBTƯMTTQ Việt Nam cho rằng, cần phải ứng xử với lễ hội một cách có văn hóa.
GS TS Đỗ Quang Hưng.
PV: Thưa GS, ông cảm nhận như thế nào về hưởng thụ văn hóa của người dân tại các lễ hội vừa diễn ra đầu năm nay?
GS TS Đỗ Quang Hưng: Tình hình năm nay có khá hơn năm ngoái nhưng vẫn còn đông ngợp. Con suối Yến tại chùa Hương nhỏ như vậy nhưng mới đầu mùa đã có đến 5.000 thuyền chở du khách.
Không gian văn hóa thưởng thức lễ hội không phải là như vậy. Nhiều người năm ngoái đã đi rồi, năm nay dứt khoát cũng phải đi và phải chen vai nhau.
Tình trạng chen vai nhau năm nào cũng xảy ra. Tình trạng này cứ lặp đi lặp lại và trở nên không giải quyết được. Vấn đề này ai cũng thấy nhưng sự thật là nhiều năm qua chưa chuyển biến được mấy.
Nói đến lễ hội là nói đến tình trạng dúi tiền vào tượng Phật, xoa tiền vào tượng nhiều khi khiến tượng nhẵn bóng. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Nhiều người cũng đã phân tích. Gần đây chuyện dúi tiền lẻ vào tượng Phật bắt đầu giảm nhưng vẫn chưa ăn thua. Ai cũng cầu xin, ai cũng muốn may mắn.
Cả vạn người ai cũng chỉ thích cầu xin cho nên họ mới hành xử như vậy. Những lễ hội lớn như chùa Hương càng là nơi mọi người muốn cầu xin nên mới đông như vậy.
Ở góc độ văn hóa có thể nói đây là sự trì trệ; thậm chí có thể nói là sự u mê. Hoặc, thay vì bỏ tiền vào hòm công đức thì lại bỏ tiền vào tượng Phật. Không ai làm như thế.
Ở đây chúng ta thấy rõ sự trục lợi và thực dụng của những người đi lễ; đến mức phải dúi tiền bằng được. Họ không cần biết điều đó là vô nghĩa, mà chỉ cốt đạt được điều mà mình cần xin.
Phải mất bao nhiêu năm tuyên truyền, giờ mới giảm được tình trạng chen lấn xô đẩy giẫm đạp lên nhau tranh ấn tại Đền Trần (Nam Định). Khổ thế đấy!
Vậy đã đến lúc chúng ta cần quy hoạch lại việc tổ chức các lễ hội, thưa ông?
- Đó chỉ là một khâu. Vấn đề ở chỗ không gian văn hóa công cộng chưa giải quyết được.
Bao nhiêu phương án đã được đưa ra, đã có nhiều ý kiến đóng góp nhưng không thực hiện được khi tình trạng “vô thức” tập thể đang chế ngự trong số đông, nhiều khi nó vượt qua tất cả những gì mà chúng ta đang sắp xếp. Gỡ vấn đề này là câu chuyện phức tạp và nhiều mặt.
Ví dụ, một xã hội tạo cho con người không gian văn hóa, muốn cho không gian ấy trở nên lý tưởng thì phải tạo điều kiện cho nó. Vậy điều kiện đó là gì: Chính là phải có trình độ để không bị “hùa theo đám đông”.
Hiện căn bệnh hùa theo đám đông này tôi thấy chưa có yếu tố nào để giải quyết.
Như vậy dù nếu quy hoạch lại lễ hội thì cũng không thể chấm dứt được tình trạng trên, thưa ông?
- Như tôi đã nói, theo tôi quy hoạch chỉ là một khâu. Vấn đề ở đây là bài toán tổng thể. Khi người Việt Nam bắt đầu có ý thức về cá nhân tốt hơn, không bị hùa theo đám đông; một vài lần như thế, tự nhiên ban tổ chức lễ hội sẽ phải tổ chức khác đi nếu như còn muốn đón người dân đến tham gia lễ hội.
Chứ bây giờ tôi nghĩ khó có quy hoạch của cơ quan nào có thể làm được khi vẫn còn tình trạng công chức đi lễ hội và việc dùng xe công đi lễ hội; mà chưa biết chừng đó lại là những người đi để cầu xin mạnh nhất.
Theo ông, hưởng thụ văn hóa khi đi lễ hội cần phải như thế nào?
- Bao nhiêu đời nay đúng ra đi lễ là để người ta đi giao cảm, có xin nhưng không lớn. Còn mục tiêu bây giờ là đi để xin.
Đi lễ hội phải là đi cho thoải mái tâm hồn, hòa cảm với thiên nhiên, có chút mong mỏi, du xuân - du lịch gắn với tình cảm cộng đồng.
Cái chính là cộng cảm cùng với mọi người chứ không phải đi xin thần thánh. Chính vì sai lầm căn bản cho nên lễ hội bắt đầu bị méo mó, méo mó ngay từ động lực của việc đi lễ hội rồi.
Tôi là người nghiên cứu làm sao mà không muốn lăn lộn đi và biết cuộc sống nhưng đi đều tránh những ngày đó. Nếu muốn đi, có lẽ là đi các lễ hội nhỏ ở đồng quê. Như vậy còn thấy có ý nghĩa.
Ông nghĩ sao khi chúng ta đã có nhiều nghị quyết về vấn đề văn hóa nhưng tại sao đến nay vấn đề này chưa tạo được sự lay chuyển rõ rệt?
- Những vấn đề được Đảng đưa ra trong các nghị quyết là hoàn toàn đúng. Có điều là các nguyên tắc về phát triển văn hóa dân tộc, bảo đảm bản sắc nhưng những người thực thi lại có suy nghĩ khác vì nguồn lợi.
Không gian văn hóa lớn nhưng cũng không đủ lớn để đảm bảo cho những người đi trảy hội ở chùa Hương đến đông như vậy, tới 5.000 thuyền.
Theo tôi không nên để mức đông như vậy, cũng chỉ để 2.000 thuyền thôi, còn lại là nghỉ ở ngoài để ngày mai vào chứ không thể để 5.000 thuyền một lúc.
Một không gian văn hóa như thế đông quá sẽ dẫn đến xô đẩy, giẫm đạp lên nhau.
Thời xưa cộng đồng làng xã cũng quản lý bằng cách không cho phép đến đông như vậy. Giờ thì càng đến đông càng tốt, bất kể là cái gì. Danh nghĩa đến là để thụ hưởng văn hóa, nhưng chen lấn xô đẩy để đi xin.
Như Các Mác đã từng nói: Muốn hưởng thụ nghệ thuật thì phải có giáo dục về nghệ thuật. Đông như vậy sao có thể thưởng thức nét đẹp của lễ hội?
Trân trọng cảm ơn ông!