Việt Nam có thể sẽ xuất khẩu được phở, bún bò Huế tươi

Theo TTXVN 27/02/2018 16:58

Một tô phở hay bún bò Huế sau khi đóng gói được xử lý bằng công nghệ xử lý áp suất cao (HPP) sẽ bảo quản được trong vài tuần và có thể xuất khẩu sang các nước mà vẫn giữ nguyên hương vị, chất lượng sản phẩm.

Việt Nam có thể sẽ xuất khẩu được phở, bún bò Huế tươi
(Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+).

Đây là thông tin được ông Lâm Đạo Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Minh Hưng Group chia sẻ bên lề Lễ ký kết biên bản xây dựng nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm công nghệ cao HPP tại Việt Nam, giữa Tập đoàn MHEnviron (Canada), Minh Hưng Group (Việt Nam) và Avure Technologies (Hoa Kỳ), tổ chức ngày 27/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Lâm Đạo Hưng, HPP là công nghệ mới đột phá, thay đổi tất cả những quan niệm về bảo quản và chế biến sản phẩm. Đặc biệt, công nghệ này không phải cấp đông sản phẩm, không phải dùng nhiệt độ cao. Đơn cử, ở sản phẩm thủy sản để bảo quản thông thường người dùng phải cấp đông sản phẩm từ âm 20-âm 22 độ C.

Tuy nhiên, khi được xử lý qua công nghệ HPP thì chỉ cần bảo quản 4 độ ở ngăn mát tủ lạnh mà vẫn giúp sản phẩm ở trạng thái tươi hoàn toàn và kéo dài thời gian bảo quản lên đến 180 ngày. Đây cũng là giải pháp bảo quản thực phẩm được các nhà chế biến thực phẩm đánh giá cao, vì có những ưu điểm vượt trội so với phương pháp xử lý bằng nhiệt hoặc hóa chất thông thường.

“Mục tiêu mà chúng tôi hướng đến là sử dụng công nghệ HPP để giữ nguyên hương vị những món ăn truyền thống của Việt Nam như phở, bún bò Huế, các sản phẩm trái cây, nước uống trái cây chế biến… Trong thời gian tới, Minh Hưng Group sẽ hợp tác với một số Tập đoàn khác trong ngành chế biến thực phẩm nhằm đưa những bát phở tươi, chế biến sẵn, ăn liền ra thị trường. Đây là một khái niệm còn khá mới trong lĩnh vực thực phẩm, chúng tôi hy vọng sẽ là nhà tiên phong đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Việt Nam thành “bếp ăn thế giới”, ông Hưng chia sẻ. Bắc Mỹ, EU là những thị trường chính mà doanh nghiệp này hướng đến và đã có đối tác.

Ông Tom Woodward, Phó Giám đốc kinh doanh Avure Technologies cho biết thêm, công nghệ HPP là thanh trùng bằng nhiệt lạnh trong nước tinh khiết; sử dụng nước tinh khiết áp suất cao để giữ thực phẩm đóng gói không có mầm bệnh và tươi lâu hơn. Ở áp lực cao, các loại vi khuẩn như vi khuẩn Listeria monocytogenes, E. coli, Salmonella, Campylobacter và Vibrio spp đều bị vô hiệu hoá. HPP giúp các nhà sản xuất nâng cao an toàn thực phẩm và kéo dài thời hạn sử dụng mà vẫn cung cấp cho người tiêu dùng thực phẩm dinh dưỡng, tự nhiên.

Theo kế hoạch, nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm công nghệ cao HPP sẽ được khởi công vào tháng 9/2018 tại Bến Lức, Long An và dự kiến sau 9 tháng sẽ đi vào hoạt động. Kinh phí đầu tư dự án là 500 tỷ đồng.

Đánh giá cao việc doanh nghiệp đưa công nghệ HPP vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, đây là sự kiện rất có ý nghĩa với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông Doanh, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp nếu không có doanh nghiệp tham gia vào hai khâu trụ cột là ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất là không thành công.

Ngành nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng nếu không ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến thì sản phẩm nông sản khó cạnh tranh với các nước khác và không thể thâm nhập thị trường thế giới để tạo giá trị gia tăng, góp phần phát triển nền kinh tế.

Ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng cho rằng, để tiến đến một nền sản xuất lớn, làm gia tăng giá trị nông sản trong việc chế biến xuất khẩu, ngành nông nghiệp không thể “đứng bên lề” ứng dụng công nghệ chế biến, xử lý.

Để tạo hành lang pháp lý giúp các doanh nghiệp ứng dụng nhiều biện pháp kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp, cũng như chế biến thực phẩm, ông Tiến cho biết, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ luật hóa nhiều vấn đề về công nghệ và chuyển giao công nghệ như Luật Công nghệ cao, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ...

Theo TTXVN