Cá tra tăng giá, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu
Những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018 giá cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng kỷ lục, nguyên nhân được xác định do thiếu con giống dẫn đến nguyên liệu sản xuất cũng khan hiếm nên giá tăng cao. Hiện giá cá tra đang tăng rất mạnh trên 30.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là mức giá rất cao trong nhiều năm qua, giúp người nuôi lãi đậm.
Nhiều doanh nghiệp đang khan hiếm nguyên liệu để sản xuất.
Sở dĩ giá cá tra tăng cao những tháng cuối năm là do cá nguyên liệu đang khan hiếm, các doanh nghiệp (DN) ngoài thu hoạch vùng nuôi sẵn có vẫn bị khan hiếm nguồn nhiên liệu nên phải tìm mua khắp nơi nhưng vẫn không có. Hiện giá cá tra nguyên liệu tăng khiến giá cá tra giống cũng tăng theo ở mức 45.000 đồng đến 50.000 đồng/kg (thời điểm giữa năm 2017 giá cá tra giống chỉ 17.000 đồng – 18.000 đồng/kg).
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: Hiện tại ngành cá tra đang thiếu hụt con giống trầm trọng do thời gian qua việc ương nuôi cá giống gặp khó khăn dẫn đến nguồn cung không đủ. Đây được xem là bài học nhãn tiền cho các DN chế biến xuất khẩu cá tra mà không chú ý đến việc xây dựng nguồn nhiên liệu.
Theo kế hoạch, năm 2018, Bộ NN&PTNT vẫn duy trì diện tích thả nuôi cá tra dưới 6.000 ha, phấn đấu đạt sản lượng hơn 1,25 triệu tấn, giá trị xuất khẩu vượt mốc 1,8 tỷ USD. Đạt được mục tiêu này đòi hỏi Bộ NN&PTNT và các địa phương cần triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng con giống, nhân rộng những mô hình sản xuất…
Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù giá cao nhưng các tỉnh ĐBSCL sẽ không tái diễn tình trạng ồ ạt tăng diện tích như trước đây vì hiện nay ngành cá tra đang trong giai đoạn thoái trào. Đặc biệt nguồn vốn để đầu tư cho ngành này rất lớn, không dễ dàng lấy lại thời hoàng kim như trước. Thực tế ngành cá tra hiện nay, nguyên liệu chủ đạo vẫn là vùng nuôi của các DN và các hộ nông dân có liên kết với DN. Số lượng người nuôi tự phát chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vì vậy dù giá cá tra có tăng kỷ lục, giúp người nuôi thu lãi tiền tỷ nhưng sẽ khó xuất hiện tình trạng phát triển nuôi cá tra ồ ạt như những mặt hàng nông sản khác.
Khảo sát tại tỉnh Đồng Tháp hiện có trên 1.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá tra, trong đó có 76 cơ sở sản xuất và 1.150 cơ sở ương giống, tập trung tại các huyện: Hồng Ngự, Cao Lãnh, Châu Thành. So với trước đây các cơ sở sản xuất và cơ sở ương giống cũng giảm rất nhiều. Còn tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã cá tra Thới An ở quận Ô Môn chia sẻ: Việc ương nuôi cá giống gặp rất nhiều khó khăn gia đoạn những tháng cuối năm của quý IV/2017. Trong nhiều nguyên nhân có do ảnh hưởng của thời tiết nên chất lượng con giống kém chất lượng đã đẩy giá cá giống trong những tháng đầu năm 2018 lên cao.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hiện nay cá tra của nước ta đã có mặt ở nhiều thị trường trên thế giới. Việc cần làm của ngành cá tra là làm sao để nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ tháng 8/2017, thị trường Trung Quốc đã đẩy mạnh thu mua nguyên liệu cá tra, do đó kim ngạch xuất khẩu (XK) cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông lần đầu tiên đã nâng cao gấp hơn 2 lần sang thị trường Mỹ và vươn lên trở thành thị trường XK cá tra lớn nhất của Việt Nam, (chiếm 23,9% tổng giá trị xuất khẩu cá tra VN). Thêm nữa là thị trường Mỹ (15,2%), kế đến là Asean (11,3%), và thị trường EU (8,7%) đã xuống vị trí 4. Các thị trường nhập khẩu cá tra khác như Mexico, Colombia, Ảrập Xêut… đều tăng so với cùng kỳ 2017.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP - cho rằng, Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng cho nông sản Việt Nam nói chung và cá tra nói riêng. Tuy nhiên, sản phẩm cá tra xuất sang Trung Quốc cũng dần sẽ theo những tiêu chuẩn nhất định mà phía Trung Quốc yêu cầu; do đó cần nâng cao chất lượng để giữ thị trường. Chính vì vậy, mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ cá tra vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất để ngành hàng cá tra phát triển ổn định, bền vững.