Tăng cường thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Bangladesh
Nhận lời mời của Tổng thống Bangladesh Mohammad Abdul Hamid, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Nhân dân Bangladesh từ ngày 4-6/3.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Bà Samianaz, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Nhân dân Bangladesh tại Việt Nam đến trình Quốc thư nhân dịp nhận nhiệm kỳ công tác mới ngày 26/9/2017. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN).
Đây là chuyến thăm Bangladesh đầu tiên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước có nhiều tiến triển; hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Chuyến thăm khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, trong đó luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Bangladesh.
Tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống
Cách đây 45 năm (ngày 11/2/1973), Việt Nam và Bangladesh chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ đó đến nay, hai bên duy trì quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp với Bangladesh. Hai nước luôn sát cánh và ủng hộ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng, bảo vệ độc lập chủ quyền, phát triển kinh tế ở mỗi nước.
Những năm gần đây, hai bên tiếp tục củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt, nỗ lực duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp. Phía Việt Nam có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 136 tại Dhaka (tháng 4/2017); Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Đình Quý thăm và đồng chủ trì kỳ họp Tham khảo Chính trị lần thứ nhất giữa hai Bộ Ngoại giao (tháng 8/2017)...
Nổi bật nhất là chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury vào tháng 7/2017.
Bangladesh gần đây cử nhiều đoàn cấp cao sang Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác, học tập kinh nghiệm về quản lý hành chính, nông nghiệp, phát triển nông thôn, du lịch, biến đổi khí hậu...
Về hợp tác quốc phòng-an ninh, hai bên đã có một số hoạt động trao đổi kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia. Việt Nam đã đón nhiều đoàn lãnh đạo và học viên Học viện Quốc phòng Bangladesh sang thăm, làm việc.
Hai nước thường có sự trao đổi, hợp tác khá chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực, quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết, hợp tác Nam-Nam, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), các hợp tác vùng và tiểu vùng.
Nhất là tại Liên hợp quốc, Việt Nam và Bangladesh thường thuộc nhóm đồng quan điểm trong các vấn đề như nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển bền vững.
Việt Nam ghi nhận đề nghị của Bangladesh về việc ủng hộ Bangladesh trở thành đối tác đối thoại của ASEAN và khuyến khích Bangladesh thúc đẩy hợp tác cụ thể và hiệu quả với ASEAN.
Riêng vấn đề Biển Đông, trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bangladesh (tháng 8/2015), hai bên “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế đã được thừa nhận để giải quyết hòa bình tất cả các tranh chấp nhằm đảm bảo an toàn và tự do hàng hải.”
Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư
Trong những năm gần đây, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Bangladesh có nhiều chuyển biến tích cực. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước tăng đều qua các năm, từ 14 triệu USD năm 2002 lên 388,1 triệu USD năm 2012.
Riêng giai đoạn 2010-2014, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng hơn 2,5 lần, từ 288 triệu USD lên gần 800 triệu USD.
Năm 2015, thương mại hai nước đạt khoảng 620 triệu USD, năm 2016 đạt gần 609 triệu USD. Việt Nam là nước xuất siêu, trong năm 2017 kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 900 triệu USD.
Các mặt hàng Việt Nam xuất chủ yếu sang Bangladesh là clanke và ximăng (chiếm khoảng 26% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Bangladesh), gạo, xơ và sợi dệt các loại, hàng dệt-may, nguyên phụ liệu dệt-may, máy móc, thiết bị, phụ tùng.
Việt Nam nhập của Bangladesh nguyên phụ liệu dệt may, da và giày, tân dược, vừng, hàng hải sản, sợi các loại.
Vào tháng 5/2017, hai bên ký Bản ghi nhớ về thương mại gạo năm 2011 và đã gia hạn hiệu lực lần thứ hai đến hết năm 2022.
Tính đến hết tháng 12/2017, Bangladesh hiện có 4 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký là 615.000 USD, đứng thứ 99/125 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam có 1 dự án đầu tư sang Bangladesh với tổng vốn 27.900 USD, Bangladesh đứng thứ 68/72 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam đã đầu tư.
Bangladesh cam kết ưu tiên ở mức cao nhất và mong doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực như phát triển điện, công nghệ thông tin, sản xuất giày dép, xây dựng cơ sở hạ tầng, trồng cây cảnh, sản xuất giống cây, trồng rau quả.
Bangladesh là thị trường tiềm năng với dân số trên 160 triệu, sức tiêu thụ lớn và có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Do đó Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường hợp tác với Bangladesh trong các lĩnh vực nông-ngư nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, tài chính, ngân hàng, văn hóa, giáo dục-đào tạo, y tế…
Phát biểu tại Hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại tại Dhaka (Bangladesh) vào tháng 8/2017, nhân dịp Bộ Công Thương tổ chức đoàn gần 20 doanh nghiệp Việt Nam thăm Bangladesh, Đại sứ Trần Văn Khoa nhấn mạnh các doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh cần tận dụng tiềm năng hợp tác về kinh tế, thương mại to lớn hiện có, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD trong thời gian tới như mục tiêu mà lãnh đạo hai nước đã đặt ra.
Ngày 9/8/2017, tại thủ đô Dhaka, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh tổ chức Hội thảo xúc tiến thương mại Việt Nam-Bangladesh. (Nguồn: TTXVN).
Bên cạnh đó, hai bên cũng tích cực trao đổi đoàn các cấp sang thăm, học tập, trao đổi kinh nghiệm về chính sách phát triển kinh tế, tái định cư và di dân, nuôi trồng thủy sản.
Bangladesh đang tìm hiểu về cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nuôi trai cấy ngọc cả nước mặn và nước ngọt.
Các hoạt động hợp tác quảng bá văn hóa được tích cực thúc đẩy: Hãng phim truyện Việt Nam tham dự Liên hoan phim quốc tế Dhaka với bộ phim "Nhà tiên tri"; Viện Nawab Salimullah hoàn thành dịch và ra mắt cuốn sách "Bác Hồ viết di chúc"; Đại sứ quán Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công Ngày ẩm thực Việt Nam tại Dhaka.
Trong những năm qua, Học viện Hành chính Quốc gia của Việt Nam phối hợp với Bộ Hành chính công và Trung tâm Đào tạo Hành chính công Bangladesh đã tổ chức thành công 16 khóa đào tạo về hành chính công cho gần 500 cán bộ quản lý, lãnh đạo cấp thứ trưởng, vụ trưởng và phó vụ trưởng của Chính phủ Bangladesh tại Việt Nam (khóa gần nhất vào tháng 5/2017).