Minh bạch trách nhiệm giải trình thu chi ngân sách
Hiện 2/3 ngân sách nhà nước (NSNN) dùng để chi thường xuyên, phần còn lại chi cho đầu tư phát triển lại thường nằm trong số bội chi. Để tránh thâm hụt ngân sách, việc quản chặt thu - chi là điều hết sức cần thiết. Theo Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng, năm 2018, Chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp về thu, chi ngân sách Nhà nước... và sử dụng vốn vay. Cùng với đó, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư
Đẩy mạnh cơ cấu lại thu, chi ngân sách; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Trên thực tế, sức ép về nợ công, bội chi ngân sách rất lớn, nếu không sớm giải quyết, đất nước không có nguồn lực phát triển và sẽ để lại gánh nặng cho thế hệ tương lai. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, hiện nay 2/3 ngân sách nhà nước (NSNN) dùng để chi thường xuyên, phần còn lại chi cho đầu tư phát triển lại thường nằm trong số bội chi. Để bù đắp cho ngân sách, chúng ta thường xuyên phải đi vay cả trong nước và ngoài nước. Vì thế vấn đề đặt ra ở đây là cần phải cơ cấu lại NSNN. Nếu cứ để tiếp diễn tình hình hiện nay sẽ không an toàn cho tài chính quốc gia- theo ông Hải.
Đáng chú ý, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước thì những trường hợp sai phạm lớn trong chi tiêu ngân sách đều có nguyên nhân từ buông lỏng trong công tác quản lý. Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, của chủ tài khoản, kế toán... để xảy ra sai phạm còn thiếu kiên quyết và chưa nghiêm túc. “Theo quan điểm của tôi, kỷ luật ngân sách chỉ được duy trì khi chỉ rõ được trách nhiệm của người đứng đầu”- ông Hải nói và nhấn mạnh ai quyết định chi tiêu sai, không hiệu quả người đó phải chịu trách nhiệm. Kiểm toán chỉ nên là biện pháp cuối cùng. Nếu không tổ chức được quy trình ngân sách tốt và giám sát từ khi lập dự toán cho đến lúc thực hiện thì kiểm toán sẽ bị quá tải. Nói cách khác, xu hướng chung là công việc kiểm toán nên thu hẹp lại, thanh tra, kiểm tra sẽ bớt đi và trách nhiệm người đứng đầu phải tăng lên.
TS Vũ Đình Ánh cho hay, cân đối ngân sách trong năm vừa qua vẫn chưa được thực hiện một cách vững vàng, khoa học và các vấn đề này sẽ tiếp tục đặt ra cho năm 2018 tới đây. Bài toán cân đối NSNN chưa vững chắc. Mặc dù thâm hụt ngân sách năm vừa qua vẫn giữ ở mức Quốc hội giao, song chi vẫn vượt dự toán. Trong đó, chi đầu tư thấp hơn đáng kể so với kế hoạch, chi thường xuyên vượt dự toán rất cao. Điều này cho thấy kỷ luật ngân sách vẫn có vấn đề.
Bên cạnh đó, việc chi đầu tư qua giải ngân trái phiếu Chính phủ không đạt dự toán cũng làm “phí hoài” thành quả năm vừa qua của Ngân hàng Nhà nước trong việc cơ cấu lại lãi suất trái phiếu Chính phủ, hạ về mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Các diễn biến như vậy dẫn đến kết quả là cơ cấu chi ngày càng kém bền vững. Nếu như trước đây chi thường xuyên chiếm khoảng 60% và trả nợ lãi khoảng 10% trong tổng chi ngân sách, thì hiện nay đều nâng lên mức tương ứng là 65% và 15%, khiến chi đầu tư phát triển co lại chỉ còn khoảng 20%. Còn một vấn đề nữa cần lưu ý, đó là chi trả nợ gốc năm 2017 tăng vọt. Năm 2016 con số này chỉ khoảng 60.000 tỷ đồng, thì năm 2017 lên tới 163.000 tỷ đồng. Năm vừa qua lần đầu tiên chúng ta thực hiện theo Luật Ngân sách mới, vì vậy nợ gốc không tính vào bội chi ngân sách. Nếu không, bội chi chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn lên mức kỷ lục. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn đối với thu chi ngân sách.
Về quản thu - chi ngân sách, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, phải rút ra bài học từ các quốc gia mất an toàn về tài chính, khủng hoảng tài chính với nguyên nhân là kỷ luật tài khóa lỏng lẻo và phương thức quản lý không rõ, không công khai, minh bạch, yếu kém về trách nhiệm giải trình. Thủ tướng đề ra nhiệm vụ cần nhanh chóng thiết lập kỷ luật ngân sách và cải thiện hiệu quả thu chi NSNN. Cần quản lý chặt, quán triệt tinh thần triệt để tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức... Thủ tướng yêu cầu công khai, minh bạch, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể gây thất thoát, lãng phí NSNN và tài sản công, xử lý nghiêm các sai phạm. “Chúng ta làm điều này là thể hiện tinh thần trách nhiệm với từng đồng tiền thuế của dân”- Thủ tướng nói.
Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính kiểm soát chặt chẽ dự toán chi NSNN, nhất là kinh phí họp, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, đi công tác trong nước, nước ngoài, lễ hội, mua sắm xe ô tô và trang thiết bị đắt tiền của các bộ, ngành Trung ương và địa phương theo tinh thần triệt để tiết kiệm. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trong quý II-2018 phải trình Thủ tướng ban hành các chính sách nhân rộng khoán xe công.
Thực ra, thông điệp tiết kiệm ngân sách đã được Đảng, Chính phủ phát đi nhiều lần. Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy sự hời hợt trong thực hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương do chưa có những quy định, chế tài, chưa quy trách nhiệm cụ thể. Vẫn có những địa phương chi tiếp khách hàng nhiều tỷ đồng, vẫn có những công trình nghìn tỷ bị đắp chiếu, vẫn có những đề xuất xây tượng đài hay những công trình hoành tráng nhưng không thiết thực. Do đó càng phải quản chặt dù là một đồng chi ra từ ngân sách.