Khi Tổ quốc cần, phụ nữ biết hi sinh
Nhiều cuốn sách về Ký ức Mậu Thân 1968 đồng loạt được ra mắt nhân dịp Ngày thơ Việt Nam 2018 tại TPHCM.
Những cuốn sách về Ký ức xuân Mậu Thân 1968 mới ra mắt.
Trong đó, phải kể tới: Trường ca “Pháo dậy phố Xuân” của nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, tập truyện và ký “Chiến sĩ Mậu Thân” của tác giả Thanh Giang, “Củ Chi và Xuân Mậu Thân” (nhiều tác giả), “Ký ức Mậu Thân” (nhiều tác giả), “Biệt động Sài Gòn trong Tết Mậu Thân 1968”… Thay bằng cách viết sử là những trang văn chương đầy xúc cảm, được kể theo cách riêng của mỗi tác giả, về những ký ức về Tết Mậu Thân 1968.
Từ tháng 4 đến hết tháng 7, Trại sáng tác năm 2017 với chủ đề “Vang mãi bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968” đã được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM tổ chức. Nhiều tác phẩm nghệ thuật đã được thai nghén từ trại sáng tác này. Riêng mảng văn học, 4 tựa sách đã được chọn để in: “Chữ nghĩa bay lên bát ngát mùa Xuân” (phê bình văn học của Lê Thiếu Nhơn); “Chuyện năm 1968” (tập truyện ký của Trầm Hương); “Biệt động Sài Gòn trong Tết Mậu Thân 1968” (tập truyện ký của Ngô Bá Chính); “Pháo dậy phố Xuân” (trường ca của Phạm Sỹ Sáu).
Trong cuốn “Biệt động Sài Gòn trong Tết Mậu Thân 1968”, tác giả Ngô Bá Chính đã nhắc tới tấm ảnh có tên “Saigon execution” (Hành quyết tại Sài Gòn) của phóng viên hãng AP - Eddie Adams chụp vào đúng dịp chiến sự Tết Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn. Đây là tấm ảnh đã đạt giải Pulitzer năm 1969 và được nhiều tạp chí nước ngoài đăng tải. Bức ảnh chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan đưa súng bắn vào đầu một chiến sĩ Quân Giải Phóng. Chiến sĩ đó mang tên Bảy Lốp, tức Nguyễn Văn Lém.
Với “Pháo dậy phố Xuân”, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu tái hiện lại các cảm xúc của mùa Xuân 1968, với trường ca dài gần trăm trang, chia thành 6 chương, với “Sài Gòn 1967”, “Sài Gòn ngày 30/1/1968”, Sài Gòn rạng sáng 31/1/1968”, “Những ngày xuân mải mê”, “Những đêm trắng đau thương” và “Pháo dậy phố Xuân”:
“Đến một ngày phố bùng lên
Những trận đánh, những muộn phiền vỡ tan
Người Sài Gòn thoáng bàng hoàng
Thoáng thôi, cùng với ngỡ ngàng Mậu Thân”.
“Chiến sĩ Mậu Thân” của tác giả Thanh Giang gồm 10 truyện và ký, kể câu chuyện chung về các chiến sĩ tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968.
Đọc gần 10 cuốn sách được phát hành vào đúng dịp Xuân năm nay, tưởng nhớ lại Xuân 1968 đã qua, để thấy được bức tranh toàn cảnh về chiến dịch Mậu Thân với sự quả cảm, mà cũng nhiều hi sinh mất mát với bao chiến sĩ đã nằm xuống. Trong đó, như tác giả Trầm Hương viết:
“Có nơi nào như ở Sài Gòn
Chúng ta mắc nợ những người con gái đẹp
Có gì quý bằng nhan sắc và nhân phẩm
Khi Tổ quốc cần, những người con gái biết hy sinh”.