Bạo hành y tế
Những năm gần đây tần suất bạo hành nhân viên y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh ngày càng nhiều, có những vụ hết sức nghiêm trọng, thậm chí người nhà bệnh nhân giết chết bác sĩ đã trở thành tâm điểm của cộng đồng.
Đây là vấn đề nóng, có ảnh hưởng sâu rộng và đang thu hút sự quan tâm không chỉ của ngành y tế, mà của toàn xã hội. Mới đây ngày 20/2, thêm một lần nữa máu lại đổ trên đầu thầy thuốc tại BV Sản Nhi Yên Bái khiến cho 2 bác sĩ bị thương, trong đó có một bác sĩ bị 2 vết thương khóe mắt, đỉnh đầu mất nhiều máu phải khâu hơn 20 mũi, bác sĩ còn lại thì bị đánh bầm dập..., đã dấy lên những hồi chuông cảnh báo về an ninh bệnh viện.
Nguyên nhân của bạo hành y tế không chỉ nằm ở một phía là thái độ, hành vi của nhân viên y tế mà còn nằm ở tâm lý, nhận thức cũng như tình trạng bệnh tật của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Người dân do sự thiếu hiểu biết, không phân biệt rạch ròi giữa các quy định về đạo đức, hiểu chưa đúng về các quy định của y đức, dẫn tới quy chụp tất cả các hành vi vi phạm y đức của nhân viên y tế. Chính sự nhập nhằng giữa đạo đức nghề nghiệp và luật pháp cũng là nguyên nhân gây bức xúc khó giải quyết đã làm tăng cao mâu thuẫn giữa bệnh nhân và nhân viên y tế.
Bạo hành nhân viên y tế gồm nhiều hình thức khác nhau từ việc chửi mắng, sỉ nhục đến các hành vi bạo lực, đe dọa sử dụng bạo lực, biểu tình, đòi tiền bồi thường cho đến tống tiền nhân viên y tế. Ở nước ta, theo Tổng hội Y học Việt Nam, trong giai đoạn 2010-2017 có 22 vụ bạo hành cán bộ y tế (khoảng 3 vụ/năm). Chưa kể đến việc nhục mạ nhân viên y tế vẫn đang xảy ra như cơm bữa ở hầu hết các bệnh viện. Một trong những hình thức bạo hành đối với nhân viên Y tế ở Việt Nam là tình trạng bắt đền. Dù các bác sĩ đã cố gắng cứu chữa nhưng có thể có sai sót hoặc xảy ra tai biến y khoa, gia đình và người thân của bệnh nhân tìm đủ mọi lý do từ thái độ, hành vi của nhân viên y tế để cố gắng quy kết lỗi lầm cho họ rồi bắt đền.
Một kết quả khảo sát tại các bệnh viện gần đây cho thấy, các vụ bạo lực, hành hung nhân viên y tế xảy ra 60% ở bệnh viện tuyến tỉnh và 20% ở tuyến trung ương. 70% đối tượng bị tấn công là bác sĩ, 15% là điều dưỡng viên. 90% số vụ xảy ra trong khu vực bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc người bệnh. Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO) thì nạn bạo hành thể chất nhân viên y tế chiếm từ 8 đến 38%. Đây chính là những con số biết nói và đang cảnh tỉnh xã hội. Tình trạng bạo hành y tế ngày càng gia tăng là yếu tố gây tâm lý căng thẳng vô cùng bất lợi đối với công tác khám chữa bệnh của nhân viên y tế.
Để ngăn chặn các hành vi này xảy ra, tất cả các nhân viên y tế được đều hướng dẫn về cách hành xử, dấu hiệu dẫn tới bạo hành phương thức xử lý để tránh các tình huống như vậy một cách thành thục. Đây cũng là phần học bắt buộc trong chương trình đào tạo của tất cả các cơ sở đào tạo nhân viên y tế, đặc biệt là y tá và điều dưỡng. Ngoài ra, rất cần có những hội thảo giáo dục thay đổi suy nghĩ cũng như nhận thức, ý thức của người dân để làm giảm những mẫu thuẫn giữa bệnh nhân và các nhân viên y tế.