Xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang
Tỉnh Tuyên Quang đã có 23 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (NTM). Năm 2018, tỉnh phấn đấu có thêm sáu xã đạt chuẩn đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 29 xã. Nét mới năm nay là việc xây dựng NTM, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nhằm tạo ra bước chuyển trong sản xuất hàng hóa; bảo đảm bền vững và tăng thu nhập cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Người dân thôn 700, xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên giúp nhau xây dựng nhà theo chuẩn nông thôn mới.
Đón Xuân mới, người dân xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình tràn ngập niềm vui và tự hào. Trong số bảy xã về đích NTM năm 2017, Khuôn Hà là xã có xuất phát điểm thấp nhất. Khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, Khuôn Hà chỉ đạt hai tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 56%, thu nhập bình quân đạt 6,1 triệu đồng/người/năm. Trong quá trình xây dựng, cách làm của xã là phát huy sự nỗ lực, đoàn kết, nâng cao vai trò chủ thể của người dân. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến hơn 30.000 m2 đất, hàng nghìn ngày công lao động và các vật liệu xây dựng như cát, sỏi... để mở rộng, nâng cấp nắn chỉnh các công trình kết cấu hạ tầng như đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, trường học, giao thông nội đồng. Hiện Khuôn Hà đã hoàn thành hơn 6 km kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, đổ bê-tông hơn 3,5 km đường nội đồng, toàn bộ 12 thôn đã xây dựng được nhà văn hóa; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 27 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm còn hơn 12%...
Thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận là một trong bốn điểm du lịch cộng đồng của huyện Lâm Bình. Đây cũng là thôn được lựa chọn xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Bên cạnh những việc như chỉnh trang nhà cửa, ruộng vườn, nhiều gia đình còn tham gia làm du lịch cộng đồng. Dù lượng khách du lịch đến chưa đông, nhưng đây cũng là tín hiệu vui, khẳng định nếp nghĩ mới, cách làm mới trong tư duy phát triển kinh tế của đồng bào các dân tộc ở xã vùng cao đặc biệt khó khăn này.
Không riêng Khuôn Hà mà ở sáu xã còn lại của tỉnh về đích xây dựng NTM năm 2017 đều có một điểm chung. Đó là, sự chung sức, đồng lòng của người dân, sự quyết tâm, năng động của chính quyền các xã đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Điểm nổi bật trong xây dựng NTM những năm qua ở Tuyên Quang là bê-tông hóa đường giao thông và kiên cố hóa hệ thống kênh mương gắn với giao thông nội đồng; cùng đó, tỉnh Tuyên Quang thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung; cơ cấu lại lao động nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, đến hết năm 2017, tổng nguồn lực huy động xây dựng NTM đạt hơn 2.197 tỷ đồng. Trong đó, 31 xã được hỗ trợ 14,9 tỷ đồng từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, 22 hợp tác xã được hỗ trợ 1,4 tỷ đồng từ nguồn vốn vay tín dụng của nhân dân. Từ nguồn vốn này, các xã triển khai hiệu quả các dự án, mô hình phát triển sản xuất, tập trung vào một số lĩnh vực: Phát triển chăn nuôi trâu, cá đặc sản; lợn, vịt đặc sản, trồng rau an toàn; trồng chè; trồng cây ăn quả. Đến nay, đã có nhiều sản phẩm thành hàng hóa, có giá trị kinh tế cao, ngày càng đáp ứng nhu cầu số lượng, chất lượng phục vụ thị trường người tiêu dùng như: Gạo chất lượng cao Kim Phú, bưởi ngọt Xuân Vân, miến dong Lực Hành, cam sành Hàm Yên, chè Vĩnh Tân…
Huyện Hàm Yên được thiên nhiên ưu đãi về điều kiện thổ nhưỡng, tiểu vùng khí hậu để phát triển những loại cây ăn quả có múi, đặc biệt là cam sành. Đây là một trong những loại cây trồng mũi nhọn của huyện trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Để khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương, UBND tỉnh Tuyên Quang đã thông qua Đề án phát triển vùng sản xuất cam tập trung, giai đoạn 2014 - 2020. Trong đó, quy hoạch tập trung tại 13 xã trên địa bàn huyện, nhằm phấn đấu đến năm 2020, diện tích cam của huyện Hàm Yên sẽ đạt 5.000 ha, trong đó trồng mới hơn 1.000 ha. Hiện nay, toàn huyện Hàm Yên đang duy trì hơn 4.000 ha cam sành, tập trung chủ yếu tại chín xã phía bắc, trong đó diện tích cam sành đang cho thu hoạch là gần 2.400 ha. Những năm gần đây, nhờ việc tích cực triển khai xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đồng thời tập trung tuyên truyền vận động người dân tham gia trồng cam, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu lựa chọn giống, phương thức trồng, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm, cho nên đến nay, cây cam sành của huyện Hàm Yên tăng cả về diện tích, năng suất và chất lượng sản phẩm. Trước năm 2000, diện tích cam của huyện mới chỉ có 2.000 ha, đến năm 2014 đã phát triển lên tới gần 4.500 ha; sản lượng đạt 31.000 tấn. Giá trị sản xuất từ cây cam mang lại hơn 300 tỷ đồng. Nhờ đó, hàng nghìn hộ nông dân tại chín xã vùng trọng điểm cam của huyện có thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng trong mỗi vụ sản xuất. Cam thật sự trở thành cây trồng có vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp từ nhiều năm qua.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Tuyên Quang chưa rõ nét; năng suất cây trồng, vật nuôi còn thấp so với các tỉnh trong vùng và so với tiềm năng của tỉnh; sản lượng hàng hóa chưa cao, chưa đủ sức cạnh tranh; hạ tầng nông thôn còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất. Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh phần lớn chưa trở thành hàng hóa, một số sản phẩm có sản lượng lớn như cam quýt, hồng không hạt, gừng, gia cầm, lâm sản… chủ yếu xuất bán sản phẩm thô chưa qua chế biến. Đây là bài toán mà Tuyên Quang đang nỗ lực tìm lời giải, giúp sản phẩm người nông dân sản xuất có chỗ đứng trên thị trường.